Chuyển đổi số sẽ thay đổi TMĐT như thế nào?

Bảo Bình (Lược dịch từ The Good)| 04/05/2021 16:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) không phải là một xu hướng hay một cụm từ “sang mồm”: đó là một cuộc cách mạng trong kỷ nguyên số.

Vào năm 2012, nhà bán lẻ điện tử Best Buy đã rơi vào tình huống bên bờ vực thẳm, cổ phiếu sụp đổ. Các thương nhân coi Best Buy như đã chết, và các thành viên trong hội đồng quản trị đã gọi công ty là một sự nghiệp thất bại. Cuối cùng, tất cả đều sai: Best Buy đã sống sót và phục hồi giá trị cổ phiếu. Làm thế nào Best Buy lại hồi sinh? Đó là nhờ một vị CEO mới với một tầm nhìn mới về công nghệ số.

Best Buy là một nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại Richfield, Minnesota. Theo Yahoo! Finance, Best Buy là nhà bán lẻ lớn nhất trong ngành bán lẻ điện tử tiêu dùng Mỹ. Công ty xếp thứ 72 trong danh sách Fortune 500 năm 2018 của các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ theo tổng doanh thu.

Chuyển đổi số sẽ thay đổi TMĐT như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nhân cảm thấy bị đe dọa trong cuộc cách mạng CĐS. Thay vì lo lắng, hãy cố gắng tiếp cận các công nghệ mới

Thương mại điện tử (TMĐT) nghĩa là mua bán hàng hóa qua mạng Internet. Trong đó, trang web chỉ là một khía cạnh trong quá trình CĐS của công ty bán lẻ. Doanh nghiệp (DN) TMĐT cần theo dõi những thay đổi trong kỳ vọng và hành vi của người tiêu dùng, nhờ vậy có thể sửa đổi các chiến thuật của mình để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cuối cùng, DN còn phải theo kịp đối thủ cạnh tranh của mình. Nếu họ cung cấp giao hàng miễn phí, bạn cũng phải cung cấp giao hàng miễn phí; nếu đối thủ có chương trình BOGO (Buy one get one - mua 1 tặng 1) vào cuối tuần, bạn cũng phải có một chương trình kích cầu tốt hơn.

Nhiều doanh nhân cảm thấy bị đe dọa trong cuộc cách mạng CĐS. Thay vì lo lắng, hãy cố gắng tiếp cận sự đổi mới với cảm hứng mạo hiểm và cơ hội. Sau đây là những cách cuộc cách mạng CĐS sẽ thay đổi ngành TMĐT trong những tháng và năm tới.

Công nghệ thực tế tăng cường (AR) phá vỡ những hạn chế của mua sắm trực tuyến

Phần mềm AR là một công cụ thay đổi cuộc chơi trong ngành TMĐT vì nó giúp người mua sắm trực quan hóa các sản phẩm mà họ quan tâm. Trước khi có AR, người tiêu dùng phụ thuộc vào trí tưởng tượng, vào các loại thước đo và sự may mắn khi mua sắm online. Họ không thể hình dung sản phẩm một cách tự tin. Tích hợp AR đã cách mạng hóa TMĐT bằng cách loại bỏ rào cản tâm lý lớn trong người mua.

Nếu bạn muốn thấy công nghệ AR hoạt động như thế nào trong TMĐT, hãy tìm hiểu nhà bán lẻ đồ nội thất Burrow. Burrow có một ứng dụng gọi là Burrow at Home, giúp người tiêu dùng đặt thử các món đồ nội thất trong không gian sống của họ. Bằng cách sử dụng ứng dụng, người tiêu dùng có thể quét sàn của một căn phòng, tùy chỉnh ghế sofa Burrow và ngắm nghía như khi nó xuất hiện thật sự trong căn phòng.

Các nền tảng TMĐT SaaS (Software as a Service) như BigCommerce tích hợp một loạt các ứng dụng AR. Chẳng hạn, LIVEb4buy, cho phép các nhà bán lẻ TMĐT tạo không gian toàn cảnh 360o (bên trong cửa hàng thực, không gian demo với đồ nội thất trong đó, v.v.). Người tiêu dùng “dạo” quanh những không gian này và chọn sản phẩm để tìm hiểu thêm về chúng.

Dữ liệu lớn (Big data) đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường cá nhân hóa

Dữ liệu lớn là hoạt động kinh doanh lớn và nó là một phần quan trọng của quá trình CĐS trong kinh doanh. Các nhà bán lẻ TMĐT lớn như Amazon sử dụng dữ liệu lớn để cung cấp cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa cao. 

Làm thế nào Amazon làm được điều kỳ diệu đó? Amazon đã sử dụng máy học để sửa đổi các thuật toán của trang web, dựa trên hoạt động trước đó của người tiêu dùng. Giống như những người thợ cắt tóc hàng xóm thân thiện, những người khổng lồ trực tuyến nhận ra rằng sự quen thuộc sẽ thúc đẩy lợi nhuận.

Lưu ý là một số khách hàng thích được “biết đến”, trong khi những khách hàng khác thích ẩn danh. Khi các công ty theo dõi khách hàng của họ bằng cách sử dụng dữ liệu nội bộ, họ sẽ tìm hiểu thêm về họ. Một mặt, đó là cách làm việc khôn ngoan. Mặt khác, điều đó cũng dấy lên một số lo ngại về quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Hiện tại, các công ty TMĐT trên thế giới đang tiếp tục thúc đẩy cá nhân hóa trong các thiết bị Internet of Things (IoT), như bộ điều nhiệt, chuông cửa và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu muốn biến dữ liệu lớn và cá nhân hóa thành một phần của mô hình kinh doanh mới, bạn có thể nghiên cứu và cài đặt tích hợp những công nghệ này trên trang web của mình.

TMĐT headless 

TMĐT headless (headless ecommerce) đã nổi lên trong những năm gần đây như một kỹ thuật quan trọng cho sự linh hoạt và tốc độ phát triển của TMĐT. Giải pháp TMĐT headless có thể cung cấp nhiều tùy chọn và cá nhân hóa hơn nhưng đòi hỏi một cách tiếp cận am hiểu về công nghệ hơn.

Hầu hết mọi người không biết các trang web yêu thích của họ hoạt động như thế nào. Họ chỉ truy cập vào trang web, đặt hàng và sau đó làm công việc của họ. Trong khi đó, ở phía hậu trường của trang TMĐT, đơn hàng và sở thích đặt hàng của khách đã được di chuyển qua hệ thống thương mại và đưa mọi thứ vào cơ sở dữ liệu của nó.

TMĐT headless nghe có vẻ phức tạp, nhưng nhiều nền tảng TMĐT, bao gồm các tùy chọn SaaS như BigCommerce, đã giúp cho TMĐT headless trở nên dễ dàng hơn. Và dưới đây là một số tác dụng nổi bật của TMĐT headless trong thời đại công nghệ 4.0.

Tính linh hoạt: TMĐT headless thân thiện với SEO đồng thời linh hoạt và nhanh nhẹn trên nhiều loại thiết bị. Nó cũng làm cho nền tảng đa vùng trở nên đơn giản hơn, cho phép các DN tạo một tên miền duy nhất cho các giao dịch quốc tế.

Cá nhân hóa và tùy chỉnh: Người tiêu dùng mong muốn có thể tạm dừng mua sắm trên một thiết bị và sau đó lại tiếp tục mua sắm trên một thiết bị khác - đôi khi rất lâu sau đó. Các doanh nghiệp có thể kiểm soát trải nghiệm của người tiêu dùng từ đầu đến cuối bằng cách sử dụng các ngăn xếp công nghệ TMĐT headless, truyền dữ liệu từ một cơ sở dữ liệu trung tâm đến một tập hợp các API.

Áp dụng nhiều phương thức thanh toán

Được phát minh lần đầu tiên vào những năm 1920, thẻ tín dụng đã độc quyền hàng thế kỷ liền trong mua sắm, chi tiêu của người tiêu dùng. Trong khi đó, các phương thức thanh toán thay thế, bao gồm cả các nền tảng blockchain như Bitcoin, là những đứa trẻ mới khai sinh. Tuy nhiên, chúng rất phổ biến - đặc biệt là các dịch vụ mua ngay-trả-sau (buy-now-pay-later - BNPL).

Để dẫn đầu, các công ty TMĐT đương đại phải cung cấp cho người tiêu dùng một loạt các phương thức thanh toán, bao gồm cả các tùy chọn BNPL. Khía cạnh này của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đặc biệt quan trọng đối với các nhà bán lẻ hàng xa xỉ. Muốn mua một chiếc váy hàng hiệu hay một món đồ công nghệ xa xi? Nhà bán lẻ đã thêm tùy chọn thanh toán hàng tháng không lãi suất!

Mua sắm trên thiết bị di động tiếp tục mở rộng

Mọi người mua tất cả mọi thứ nhờ smartphone. Dữ liệu gần đây do hãng thống kê Statista thu thập đã dự báo năm 2021, gần 73% giao dịch TMĐT sẽ diễn ra trên thiết bị di động. 

Người tiêu dùng gần như luôn có lựa chọn nhà bán lẻ hoặc nhà bán buôn - nếu bạn không mang đến cho họ trải nghiệm linh hoạt, họ sẽ chỉ mua sắm ở nơi khác. Đừng để khía cạnh CĐS này khiến công việc kinh doanh TMĐT của DN bị tụt lại phía sau.

Chuyển đổi số sẽ thay đổi TMĐT như thế nào? - Ảnh 1.

Sơ đồ phần trăm doanh số thương mại bán lẻ trên di động doanh số TMĐT

DN sẽ tập trung nhiều hơn vào CRO

Tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi, hoặc CRO, cũng quan trọng như một chiến lược SEO tốt - trên thực tế, nhiều chuyên gia coi đó là một bước cần thiết tiếp theo. Các kỹ thuật SEO hướng lưu lượng truy cập đến trang web của bạn, trong khi các chiến lược CRO chuyển đổi khách truy cập thành khách hàng. Khi các DN triển khai các khuôn khổ CRO hiệu quả, họ sẽ biến các khách hàng tiềm năng hiện tại, tìm thấy họ qua Google và Bing, trở thành nguồn khách hàng sinh lợi hơn.

CRO thực hiện một cách tiếp cận lặp đi lặp lại để tối ưu hóa. Quản trị viên thực hiện các điều chỉnh trang web và sau đó đo lường kết quả để xem liệu chúng có tác động tích cực hay không. Mọi thay đổi xảy ra đều có lý do và tất cả các thay đổi đều nhằm mục đích cải thiện trải nghiệm người dùng. Các thay đổi thiết kế trang tinh tế, mô tả sản phẩm hấp dẫn hơn, tùy chọn điều hướng tốt hơn và quy trình thanh toán đơn giản hơn, tất cả đều giảm bớt sự khó khăn và khiến khả năng mua hàng cao hơn.

Khi họ sử dụng CRO để tinh tế trang web của mình, các nhà bán lẻ TMĐT hầu như luôn thấy lợi nhuận tăng lên. Nhiều giám đốc thông tin đã ra quyết định áp lợi nhuận đó ngay lập tức vào SEO, thúc đẩy nhiều lưu lượng truy cập hơn và số lượng chuyển đổi lưu lượng truy cập đó thành khách hàng thậm chí còn lớn hơn.

B2B sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn

TMĐT B2B có thể sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần. Các giao dịch TMĐT giữa DN với DN đã tăng gần 4.000 tỷ USD mỗi năm từ năm 2006 - 2018. Bán lẻ B2B cũng bận rộn không kém, theo Statista, doanh số bán lẻ giữa DN với DN có thể sẽ đạt 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2021.

Nhờ các sáng kiến số hóa, hầu hết các trang web TMĐT B2B hiện đại đều mang đến cho khách truy cập trải nghiệm người dùng trực quan, tự chủ. Khách hàng đặt hàng trực tuyến và các DN B2B xây dựng lòng trung thành với thương hiệu giống như các cửa hàng TMĐT bán lẻ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số sẽ thay đổi TMĐT như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO