Chuyển đổi số

Chuyển đổi số tại NBA: Một yếu tố thay đổi cuộc chơi

Tuấn Trần 17:40 15/06/2023

Việc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) sử dụng đám mây Azure đang giúp cải thiện trải nghiệm của người hâm mộ và hiệu suất trong các giải đấu nhờ công cụ phân tích và hỗ trợ AI nhằm khai thác hết tiềm năng của dữ liệu.

NBA đã "full-court press" (thuật ngữ trong môn bóng rổ "gây áp lực toàn sân") về công nghệ số đã tạo ra một cuộc cách mạng về trải nghiệm của người hâm mộ, cầu thủ và đội bóng, nhờ triển khai nhanh đám mây, phân tích dữ liệu, AI (trí tuệ nhân tạo) và thị giác máy tính (computer vision) kể từ khi NBA triển khai chuyển đổi số (CĐS) vào năm 2020.

1601313163368.jpeg
NBA chuyển sang đám mây Azure đang giúp cải thiện trải nghiệm của người hâm mộ và hiệu suất trong các giải đấu nhờ các công cụ phân tích và hỗ trợ AI nhằm khai thác hết tiềm năng của dữ liệu.

Krishna Bhagavathula, giám đốc công nghệ (CTO) của NBA và là cựu CTO của NBC News, người đã làm việc cho NBA trong gần 6 năm, cho biết việc ra mắt ứng dụng phát trực tuyến NBA League Pass vào tháng 10/2022 cùng với quan hệ đối tác mới với Hawk-Eye Innovations - chuyên cung cấp hệ thống thị giác máy tính được sử dụng nhiều trong thể thao là những thay đổi kỹ thuật số đang diễn ra ở NBA.

“Chúng tôi đang cố gắng tạo ra trải nghiệm bóng rổ thực sự khác biệt cho người hâm mộ,” Bhagavathula nói, đồng thời lưu ý rằng lợi tức đầu tư cho đến nay là rất đáng kể. “Mùa này chúng tôi có khoảng 1 tỷ lượt xem video, cao hơn gấp 3 lần của năm ngoái.”

NBA cũng đã đạt được mức tăng trưởng 50% về số người đăng ký và lượng người xem tăng 52% trong mùa giải này, vị CTO cho biết thêm, những thành quả này có được là nhờ vào mối quan hệ đối tác chặt chẽ của NBA với Microsoft và kế hoạch hành động 3 điểm của họ đã bắt đầu một cách nghiêm túc cách đây 3 năm.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch cho một số sáng kiến ​​lớn, bao gồm việc ra mắt gói League Pass cao cấp (dịch vụ truyền hình thể thao bao gồm tất cả các trò chơi của NBA), triển khai sản phẩm phát trực tuyến và các sản phẩm mới [được liên kết] trên cơ sở hạ tầng đám mây và nhận ra rằng đã đến lúc phải hiện đại hóa toàn bộ kho ứng dụng của mình,” Bhagavathula cho biết trong buổi họp báo.

Bên cạnh trải nghiệm của người dùng, việc NBA bắt tay với Microsoft Azure cũng khởi xướng quá trình chuyển đổi các ứng dụng nội bộ của NBA sang đám mây/tại chỗ kết hợp, với những nỗ lực hiện đại hóa cho kết quả là khoảng 300 - 400 ứng dụng đã được di chuyển lên đám mây trong khi những ứng dụng khác thứ yếu hơn vẫn được để trong trung tâm dữ liệu (TTDL).

Trụ cột tiếp theo trong "kế hoạch đám mây" của Bhagavathula bao gồm việc phát triển các ứng dụng nâng cao không chỉ dành cho người hâm mộ mà còn cho trọng tài, cầu thủ, đội bóng và huấn luyện viên, tất cả đều dựa nhiều hơn vào dữ liệu, gíup cải thiện hiệu suất của họ.

Động lực cho kỹ thuật số, AI

Khi Bhagavathula lần đầu tiên đến, NBA mới bắt đầu di chuyển dữ liệu lên đám mây và giống như nhiều doanh nghiệp, họ tiếp tục quản lý cơ sở hạ tầng tại chỗ chứa đầy các máy chủ chạy hàng nghìn tác vụ.

“Chúng tôi có một TTDL được ảo hóa mạnh,” CTO của NBA nói về tình hình cách đây 5 hoặc 6 năm. “Chúng tôi đã tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm trực tiếp, thú vị cho người dùng từ công nghệ đám mây.”

CTO của NBA đã chọn hợp tác với Microsoft để tận dụng nền tảng đám mây Azure có chứa tất cả các thành phần số cần thiết để xây dựng nền tảng phát trực tuyến của NBA, đồng thời cung cấp hồ dữ liệu đám mây và các mô hình học máy mà NBA có thể tận dụng cho các ứng dụng thế hệ tiếp theo.

Ứng dụng NBA (NBA App), ra mắt vào năm 2022, là ứng dụng miễn phí tổng hợp các dịch vụ cá nhân hóa cho người hâm mộ, bao gồm tích hợp nâng cao với mạng xã hội và các trận đấu được phát trực tiếp trực tuyến qua League Pass, với các phiên bản cơ bản và cao cấp.

Ứng dụng “For You” dựa trên Azure AI cung cấp nội dung được cá nhân hóa dựa trên sở thích của người hâm mộ cũng như video nổi bật theo thời gian thực của các đội được nhắm mục tiêu đến từng người dùng. Một ứng dụng mới khác, được gọi là NBA ID, cung cấp trải nghiệm chỉ dành cho thành viên, quà tặng vé trận đấu, nội dung được cá nhân hóa và các vấn đề khác liên quan đến NBA.

Bhagavathula nhấn mạnh việc giới thiệu League Pass vào năm ngoái như một bước tiến quan trọng của NBA, nhưng ông cũng nhanh chóng nhận ra việc cần sử dụng ngày càng nhiều phân tích từ Azure và AI để cung cấp nội dung và cơ hội kỹ thuật số mới cho nhân viên, đội bóng, và người chơi.

Sự phát triển của một ứng dụng mà Bhagavathula gọi là REPS - một hệ thống hiệu suất và sự tham gia của trọng tài, được “thiết kế đặc biệt để hỗ trợ các trọng tài và ban quản lý đánh giá, hợp tác và thường xuyên quan tâm đến thành tích thể thao,” CTO cho biết.

Bhagavathula cũng nhắc đến sự phát triển của một số mô hình học máy giúp đánh giá “chỉ số rời bỏ khách hàng” liên quan đến mức độ tương tác của người hâm mộ với các sản phẩm của NBA và “mô hình đề xuất trò chơi” dựa trên hành vi của người hâm mộ và cách sử dụng ứng dụng để cải thiện khả năng cá nhân hóa và tùy chỉnh cho từng người hâm mộ.

“Các tính năng đang sử dụng mang lại cho chúng tôi cảm giác về cả sở thích ngầm và công khai để từ đó có thể đưa ra mô hình đề xuất được cá nhân hóa trên cơ sở từng người hâm mộ,” ông nói, và NBA sau đó “nhắm mục tiêu đến những người hâm mộ có mức độ yêu thích cao, với những đề xuất để họ ngày càng tương tác với ứng dụng.”

Dữ liệu liên tục được thu thập và lưu trữ trên đám mây của NBA cũng được cung cấp cho cửa hàng NBA cùng các đối tác bán hàng, chẳng hạn như Fanatics và Ticketmaster. Đó là một phần trong kế hoạch xây dựng kho lưu trữ để từ đó tạo ra các tính năng dựa trên phân tích dữ liệu và AI thế hệ tiếp theo cho tất cả các bên.

Đưa hiệu suất lên cấp độ tiếp theo

anh-man-hinh-2023-06-14-luc-10.36.57.png
Krishna Bhagavathula, CTO của NBA.

Đối với các đội thuộc NBA, CourtOptix - một ứng dụng theo dõi và phân tích diễn biến trên sân được phát triển trên Azure, đóng gói miễn phí dữ liệu cho mỗi đội và phân phối dữ liệu đó để cải thiện lối chơi của họ. Bhagavathula nói: “Sau mỗi trận đấu, các đội sẽ nhận được một bộ dữ liệu, họ có thể sử dụng dữ liệu này để thu thập thông tin chi tiết và số liệu thống kê bổ sung cho các phân tích của riêng họ".

Những sáng kiến ​​phân tích liên quan đến thể thao như vậy đang làm thay đổi đáng kể các giải đấu thể thao chuyên nghiệp ở nhiều bộ môn, bao gồm quần vợt, nơi Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF) đang tận dụng thị giác máy tính để giúp nâng cao thành tích của vận động viên.

Craig Powers, một nhà phân tích tại IDC, nhận thấy xu hướng đó sẽ không có hồi kết. Powers nói: “Dữ liệu trong NFL (giải bóng bầu dục Mỹ) và NBA đã thay đổi cách thi đấu của các môn thể thao. Trong NFL, các chiến lược từng được cho là rủi ro giờ đã trở thành tiêu chuẩn. Đây là sản phẩm của phân tích - lấy hàng thập kỷ dữ liệu từng trận đấu của NFL và gán xác suất cũng như giá trị điểm cho từng quyết định".

Giống như ITF, NBA đang đặt cược rằng nếu tăng cường sử dụng cảm biến, máy ảnh, phân tích và AI sẽ có tác động lớn đến việc nâng cao hiệu suất của vận động viên, câu lạc bộ và công tác điều hành. Mặc dù vận động viên ngày nay không đeo cảm biến trong các trận đấu, nhưng việc giới thiệu các công nghệ có thể đeo được và các loại cảm biến IoT mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu và hiệu suất của vận động viên trong những năm tới, Bhagavathula nói.

Chẳng hạn, sự hợp tác của NBA với Hawk-Eye giúp mang lại nhiều dữ liệu chi tiết hơn sẽ được vận động viên và các đội sử dụng để cải thiện lối chơi của họ, đồng thời lập chiến thuật cho các trận đấu.

CTO cho biết: “Về cơ bản, nó sử dụng công nghệ theo dõi bộ xương để đánh giá độ cao của một vận động viên khi nhảy, tư thế cơ thể của họ khi thực hiện cú đánh hoặc cách họ tiếp đất bằng mắt cá chân. Chúng tôi nghĩ rằng dữ liệu thực nghiệm này sẽ thực sự mở ra cái nhìn sâu sắc về bóng rổ.”

Rõ ràng là việc tung ra các công nghệ số tiên tiến như AI và điện toán đám mây sẽ tiếp tục thay đổi cách các đội, cầu thủ và người hâm mộ tham gia vào các trận đấu bóng rổ đang phát triển - trước đây chỉ đơn giản là chơi với một quả bóng, và sự tập trung cao độ của người chơi.

Việc giới thiệu các công nghệ số tại các sân thi đấu, chẳng hạn như việc tạo ra NBA Top Shot - mã thông báo không thể thay thế được bán dưới dạng thẻ bóng rổ kỹ thuật số - đang có tác động to lớn đến việc bán hàng và nền kinh tế bóng rổ.

Powers của IDC tin rằng việc tăng cường sử dụng phân tích, AI và cảm biến để xây dựng các kế hoạch thi đấu thế hệ tiếp theo, tập hợp danh sách, theo dõi sức khỏe của vận động viên, lên lịch khả dụng của họ và quản lý chấn thương đã thay đổi cách thức thi đấu.

Powers nói: “NBA đã tiến thêm một bước bằng cách sử dụng video để theo dõi chính xác vị trí của mỗi đường chuyền và cú đánh được thực hiện. Huấn luyện viên và cầu thủ có thể xác định cụ thể hơn điểm mạnh và điểm yếu của họ, điều này quyết định cách thức tấn công và phòng thủ. AI sử dụng dữ liệu này để đề xuất các trận đấu và chiến thuật cụ thể của người chơi".

Mặc dù Bhagavathula không đưa ra bình luận về các kế hoạch của NBA đối với AI tổng quát, nhưng bậc thầy AI Tiago Cardoso, giám đốc nhóm sản phẩm tại Hyland Software, công ty đối tác của giải đua Công thức 1 (Formula 1), cho biết việc giới thiệu các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), chẳng hạn như GPT, có tiềm năng biến đổi các trận đấu và trải nghiệm của người hâm mộ hơn nữa.

“Các mô hình lớn có thể thực hiện những nhiệm vụ chung chung nên có thể xác định và hiểu các hành động, chiến thuật của các vận động viên. Họ có thể nhận ra mức độ tương tác của đám đông với một trận đấu và nó có thể thể hiện tất cả những điều đó dưới dạng văn bản hoặc bình luận bằng giọng nói” - một thực tế mà Cardoso gợi ý.

Và tất cả đều có thể thực hiện được nhờ nền tảng CNTT được phối hợp tốt.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số tại NBA: Một yếu tố thay đổi cuộc chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO