Chuyển đổi số bắt đầu từ chính quyền số
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, ngày 6/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Chương trình có 8 chỉ tiêu trong phát triển chính phủ số. Nhưng có thể hiểu đơn giản chính phủ số 4 không và 1 có đó là: họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy tờ, xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. 1 có là có khả năng cung cấp các dịch vụ mới, cá thể hóa thuận tiện nhất, nhanh nhất cho người dân. Đây chính là chính phủ số mà chúng ta kỳ vọng.
Thực hiện chính quyền số phải có công dân số, ông Đường cho biết công dân số nên có "4 có, 1 không": có định danh số, có phong cách số (điện thoại thông minh, thiết bị IoT…), có văn hóa số (giao tiếp trên mạng,..) và cuối cùng phải có đời sống số. 1 không đó là không vi phạm các quy định trên không gian mạng, không vi phạm thông tin cá nhân và riêng tư của người khác trên không gian mạng.
Ở góc nhìn của mình, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng chính quyền số phải tạo ra giá trị cho công dân số. Chính phủ số phải có sự tham gia điều hành của công dân số, tức là hoạt động của chính quyền số cần có sự tham gia của người dân thông qua các phương tiện số. "Nếu chúng ta chỉ cung cấp một chiều thì chưa thể đầy đủ".
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tik Tok Việt Nam, trong tương lai, tất cả công dân Việt Nam sẽ có phương tiện kỹ thuật số để có thể tận dụng tất cả các dịch vụ, cái mới trên Internet. "Tôi kì vọng mọi người có thể sinh hoạt, thực hiện các dịch vụ với chính quyền, doanh nghiệp (DN) mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp".
CĐS là việc của ai?
Theo ông Đường, nhà nước, DN và người dân đều là các thành phần quan trọng trong CĐS. CĐS là quá trình thay đổi tổng thể toàn diện cách chúng ta sống, cách chúng ta làm việc. Như vậy đầu tiên nó là sự thay đổi. Vì vậy, trước hết CĐS là việc của người đứng đầu. Chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng về CĐS. Như vậy, ở tầm quốc gia chúng ta đã vào cuộc.
CĐS là tổng thể và toàn diện, vì vậy, CĐS là việc của tất mọi người, của các bộ, ngành, các tỉnh. "Nếu tất cả chúng ta đồng hành thì CĐS chắc chắn sẽ thành công", ông Đường cho hay.
Trong khi đó, ông Lâm Thanh chia sẻ, cái gốc của câu chuyện CĐS là phục vụ cho người dùng, cho công dân sống trong một xã hội thuận tiện nhất, ít chi phí nhất.
Ông Lâm Thanh cũng cho rằng CĐS là "Nhân dân đi đầu tiên, DN đi thứ hai và Chính phủ có vai trò dẫn dắt".
Đồng quan điểm, ông Thắng phân tích thêm: Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thì không bao giờ chính sách pháp lý theo kịp, nên cần sandbox.
"CĐS là sự chuyển dịch tự nhiên, bắt đầu từ xã hội, bằng sáng tạo của con người. Con người luôn có nhu cầu sáng tạo để có cuộc sống tốt hơn. CĐS bắt đầu từ nhu cầu của xã hội, tạo ra sức ép cho DN, cho chính phủ và DN sẽ tạo ra nền tảng để đáp ứng nhu cầu đó. DN phải chủ động, chứ không chờ nhu cầu mới làm", ông Thắng cho hay.
CĐS cần 3 chữ H
Chia sẻ thực tiễn về CĐS, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT cho biết FPT thực hiện CĐS cho chính mình trước, rồi làm cho bên ngoài. Trong hai năm CĐS, FPT triển khai 60 dự án CĐS, tiết kiệm gần 300 tỷ cho FPT. CĐS đầu tiên phải đầu tư hiệu quả.
FPT đã làm CĐS cho Nippon (Nhật Bản), là DN có doanh thu 86 tỷ USD vào năm 2018. DN này làm CĐS mất 6 năm. Sau 6 năm, Nippon tăng doanh thu 4 lần. Như vậy, hiệu quả từ CĐS là rất lớn.
Điển hình thứ hai về hiệu quả từ CĐS là tập đoàn Airbus. DN này đã CĐS, dùng nền tảng phổ biến để xây dựng máy bay Airbus 350 và tiết kiệm 35% thời gian xây dựng.
Đối với FPT, CĐS mang lại 3 giá trị cho DN: Vận hành xuất sắc như trường hợp Airbus là rút ngắn thời gian phát triển máy bay mới; mang lại trải nghiệm thú vị cho khách hàng và tạo ra mô hình kinh doanh kiểu mới như Nippon.
Tóm lại, ông Tú cho rằng mong muốn CĐS thì nhiều nhưng để CĐS thành công phải từ Trái tim (Heart), Tư duy (Head), Làm ra sao (Hand).
Vai trò, sứ mệnh của DN Việt Nam trong CĐS
Theo ông Nguyễn Thế Nghĩa, Viettel, DN có 2 vai trò. Cụ thể, DN phải có tính sẵn sàng đáp ứng với nhu cầu của chính phủ, xã hội trong CĐS. Dựa trên nhu cầu đó, DN phải đáp ứng tốt về hạ tầng, con người, công nghệ. Thứ hai, DN cũng phải có tính dẫn dắt bởi nền kinh tế mới có những thứ nền kinh tế cũ không có như tính kết nối, xử lý dữ liệu lớn. Do đó DN lớn phải tạo ra các nền tảng, đào tạo cho thị trường và xã hội. "Tôi cho rằng Chính phủ cũng cần tham gia cùng để đẫn dắt thị trường".
Ông Vũ Anh Tú cho rằng từ mong muốn của Chính phủ về CĐS, FPT đặt ra mục tiêu nhỏ cho mình đó là đến 2030 trở thành công ty lọt vào top 50 toàn cầu về CĐS. CĐS còn quá mới và cách thức của chúng tôi là đồng hành cùng các DN Việt Nam và người dân trong CĐS. Nhiều quốc gia đã hình thành được công dân số.
Theo ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng giám đốc VNPT-IT, trong Chương trình CĐS quốc gia, VNPT cũng đặt ra các mục tiêu trước hết là đồng hành cùng các bộ, ngành địa phương trong việc CĐS hoặc các cơ quan tổ chức trong việc truyền thông về nhận thức số.
"Là DN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, VNPT cho rằng để CĐS thì hạ tầng có vai trò quan trọng. VNPT đầu tư mạnh cho hạ tầng nhất là mạng 5G, hệ thống lõi để phục vụ cho IoT", ông Bảo cho hay.
VNPT cũng tập trung đầu tư phát triển các công nghệ mới để phát triển các nền tảng, giải pháp khác nhau. Trong đó về nền tảng, VNPT chỉ phát triển những hệ thống lõi để các DN công nghệ khác hoặc các DN chuyên ngành trong lĩnh vực y tế giáo dục cùng tham gia để có thể đẩy nhanh CĐS.
Một điểm nữa trong chiến lược của VNPT đó là cung cấp các nền tảng, dịch vụ phần mềm dễ dàng tiếp cận, đẩy nhanh thời gian giúp các bộ, ngành DN nhanh chóng đưa các giải pháp trong công tác quản lý điều hành chỉ đạo của mình, ông Bảo cho hay.