Trong quá trình học tập nói chung thì học liệu có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của mỗi người học cho dù học với thầy hay tự học. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng số hiện nay, cùng với phương thức học trực tuyến, học liệu số dần lấn át học liệu truyền thống với nhiều lợi thế như lợi thế về âm thanh, hình ảnh sinh động trực quan, về chia sẻ dễ dàng rộng khắp, về lưu trữ, tìm kiếm, sắp xếp nhanh chóng tức thời và nhiều lợi thế khác.
Bài viết này tìm hiểu tổng quan về học liệu số, phân tích thực trạng phát triển nội dung học liệu số cũng như những khó khăn thách thức trong phát triển nội dung học liệu số hiện nay ở nước ta; từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển nội dung học liệu số trong thời gian tới.
Học liệu số - tài nguyên số phục vụ dạy và học trong CĐS GDĐT
Thuật ngữ học liệu số (Digital Learning Material, Digital Educational Resources hay Digital Learning Resources - DLR) hiện được dùng theo nhiều cách khác nhau song hành cùng với các thuật ngữ gần như học liệu điện tử, học liệu mở.
Có tác giả mô tả DLR là phương tiện dùng cho mục đích dạy - học thông qua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin - truyền thông (ICT); học liệu này có thể gắn âm thanh, hình ảnh và dùng được cho các dạng thức học tập khác nhau. Theo định nghĩa này học liệu số gồm nội dung số và công cụ số (ví dụ như các nền tảng số hay thiết bị phần cứng) - mặc dù trên thực tế nhiều khi nội dung số được tích hợp sẵn (inbuilt) vào các công cụ số ngay từ khâu chế tạo, phát triển [3].
Cũng có tác giả định nghĩa DLR là tổng hợp các nguồn học liệu khác nhau dùng trên mạng máy tính, bao gồm tất cả các nguồn học liệu dưới dạng dữ liệu điện tử lưu trữ âm thanh, hình ảnh, văn bản và được lưu trữ bằng các cách khác nhau như đĩa từ, đĩa quang học, thẻ nhớ (USB) cũng như các dạng lưu trữ phi giấy tờ khác; được truyền đưa hoặc tái tạo nhờ máy tính, thông qua môi trường mạng hoặc thiết bị đầu cuối. Hoặc là, DLR là các nguồn thông tin đa phương tiện được sắp xếp phù hợp với các đối tượng người học khác nhau, chạy trên môi trường máy tính hoặc môi trường mạng, có thể chia sẻ rộng rãi [6].
Bài viết này xem xét thuật ngữ DLR từ góc độ là tập hợp các tài nguyên số phục vụ dạy và học, tập trung vào nội dung số (nội dung học liệu số).
So với học liệu truyền thống, học liệu số có nhiều ưu điểm vượt trội như có thể tích hợp âm thanh, hình ảnh hay các đoạn phim, trò chơi điện tử, đoạn clip mô phỏng sinh động với nhiều màu sắc và hiệu ứng phong phú; dễ dàng chia sẻ đến các đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau thông qua môi trường mạng, xóa bỏ rào cản về không gian, giúp người học dễ dàng tiếp cận từ đó thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, miền núi, hải đảo; có thể lưu trữ, sắp xếp, tìm kiếm, tái sử dụng dễ dàng, nhanh chóng chính xác; cùng với sự phát triển của công nghệ các học liệu số, bài giảng elearning có tính tương tác ngày càng cao và cá nhân hóa cho nhiều đối tượng người học khác nhau.
Ngày nay, công nghệ thực tế ảo (AR/VR) - là 1 trong 12 công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - đang hỗ trợ tạo ra những học liệu số mới, cho phép nhận thức dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, học liệu số cũng bộc
lộ một số yếu điểm về an toàn thông tin như có thể bị phá hủy, bị thay đổi nội dung hoặc bị lộ lọt do tin tặc tấn công và các vấn đề về sở hữu dữ liệu cũng như lệ thuộc vào các điều kiện đảm bảo như hệ thống kỹ thuật (nguồn điện, máy chủ, đường truyền).
Người ta thường phải sử dụng các công cụ số (phần mềm, nền tảng) để sản xuất ra học liệu số. Có thể tạo ra học liệu số từ các phần mềm thông dụng, đơn giản như tạo các tệp văn bản, tệp trình chiếu, bảng tính, hình ảnh, âm thanh, video phục vụ dạy-học, cho đến các phần mềm chuyên dụng hoặc kết hợp nhiều công cụ khác nhau để tạo ra học liệu số.
Chẳng hạn việc xây dựng một bài giảng elearning bao gồm nhiều công đoạn, sử dụng kết hợp nhiều phần mềm từ ghi âm, ghi hình cho đến các ứng dụng trình chiếu, tạo hiệu ứng, câu hỏi tương tác và đóng gói. Thực tế có nhiều nền tảng giúp xây dựng và quản lý học liệu số chuyên dụng như các LCMS (Learning Content Management System) cung cấp kho “nguyên liệu” và công cụ để xây dựng bài giảng số hoàn chỉnh theo nhu cầu, đáp ứng chuẩn chung dùng trong các hệ thống quản lý học tập LMS phổ biến (như MozaLearn).
Học liệu số không chỉ được tạo ra tuần tự từ bước đầu tiên đến bước cuối cùng mà có thể được tạo ra một cách thứ cấp từ các học liệu số có sẵn. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu, mua (gồm cả mua quyền truy cập), mượn học liệu số từ các kho học liệu, các thư viện số nước ngoài cũng góp phần tạo ra các học liệu số trong nước (nhiều học liệu số được Việt hóa từ kho học liệu do nước ngoài cung cấp).
Thực trạng phát triển nội dung học liệu số ở nước ta hiện nay
Từ góc độ cá nhân mỗi nhà giáo, giảng viên, giáo viên hiện nay đều đang hàng ngày sản xuất ra học liệu số phục vụ công việc giảng dạy của mình ở những mức độ khác nhau, đơn giản nhất là các tệp bài giảng trình chiếu, tệp bảng tính, tệp văn bản cho đến các bài giảng tích hợp âm thanh, hình ảnh, clip có thiết kế khoa học và tính tương tác cao (như các bài giảng elearning). Ngay như mỗi người học, học sinh, sinh viên cũng liên tục tạo ra các học liệu số để tự học, tự ôn tập hoặc để trao đổi với nhau trong từng nhóm học tập; học liệu có thể đơn giản là các tệp tổng kết, phân loại, sắp xếp các kiến thức đã học trên lớp hay tự đọc phục vụ việc ôn tập, kiểm tra, thi cử.
Bằng cách đó mỗi người học đều có thể tạo ra cho riêng mình một kho học liệu số nhỏ. Khó có thể đánh giá được chính xác về quy mô (số lượng) cũng như về chất lượng, chủng loại học liệu số cá nhân nói trên nhưng có thể khẳng định rằng số lượng và chất lượng học liệu số cá nhân ngày càng tăng cùng với sự phát triển của công nghệ và trình độ tin học của người dân nói chung những năm gần đây.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, từ góc độ tổ chức, mỗi tổ nhóm, bộ môn cũng đều đang xây dựng những kho học liệu số riêng ở những quy mô khác nhau, chia sẻ dùng chung trong tổ chức của mình phục vụ công việc dạy, học, kiểm tra, đánh giá. Ở mức độ quy mô lớn hơn, mỗi nhà trường, mỗi phòng giáo dục, mỗi sở giáo dục ở nơi này hay nơi khác, với các mức độ khác nhau cũng xây dựng các kho học liệu số của trường mình, địa phương mình.
Các kho học liệu này thường được cấu trúc, phân loại và sắp xếp theo những cách không hoàn toàn giống nhau, phù hợp với mục đích riêng của mỗi đơn vị, tổ chức. Hầu hết cơ sở giáo dục đại học triển khai kho học liệu số, thư viện số, trong số đó một số nhóm trường cùng chia sẻ dùng chung (như nhóm các trường kinh tế, nhóm các trường nông – lâm - ngư). Một số cơ sở giáo dục đại học xây dựng các khóa học đại chúng mở (MOOCs) chia sẻ học liệu với cộng đồng cũng như huy động sự đóng góp của cộng đồng để cùng khai thác sử dụng chung (như VMOOC của trường Đại học Mở TP. HCM).
Ở phạm vi cả nước, Bộ GDĐT đã phối hợp với Hệ tri thức Việt xây dựng kho học liệu số miễn phí dùng chung. Học liệu đóng góp vào kho được tuyển chọn từ các cuộc thi thiết kế bài giảng elearning, tuyển chọn từ các địa phương và các nhà trường. Đến nay kho học liệu số này đã có khoảng 5000 bài giảng elearning các môn học và dư địa chí, khoảng 30.000 câu hỏi trắc nghiệm, 7.000 luận văn tiến sĩ, khoảng 2000 bài giảng truyền hình, khoảng 200 bản điện tử sách giáo khoa và đang tiếp tục được bổ sung.
Mặc dù vậy, do công tác truyền thông nên chưa nhiều thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và người dân biết, vì vậy số lượng truy cập hiện còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, hàng loạt các học liệu số được phát triển dưới dạng các chương trình phát thanh - truyền hình, phim tài liệu; điển hình như trên kênh VTV7 của Đài truyền hình Việt Nam hoặc chương trình học ngoại ngữ, chương trình dạy học trên truyền hình do các đài phát thanh truyền hình địa phương và Trung ương sản xuất nhiều năm qua.
Trong xã hội, có nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) nội dung số, cơ sở đào tạo cung cấp dịch vụ học tập trên môi trường mạng đều có kho học liệu của riêng mình, các học liệu này chủ yếu được chia sẻ cho các học viên sử dụng dịch vụ. Đó là các bài giảng số, giáo trình, tài liệu được cung cấp bởi hocmai.vn, moon.vn, Topica, Violet.vn, Olm.vn, 789.vn, 123doc.org hay từ điển trực tuyến được cung cấp bởi Vdict.com, tratu.soha.vn.
Trong đó tiêu biểu là kho học liệu số của một số DN lớn như Viettel (Viettelstudy, K12online), VNPT (vnEdu), MISA (Misa EMIS), Topica, FPT (VioEdu), VTC Intecom (IOE). Theo thống kê sơ bộ số trường đã được cấp tài khoản sử dụng Viettelstudy đạt khoảng 25.500 trường còn VNPTedu khoảng 15.500 trường. Ngoài ra cũng còn có cả chương trình giáo dục trên mạng viễn thông di động và cố định được cung cấp bởi các nhà điều hành mạng viễn thông.
Về phía cá nhân nhiều bài giảng số thu hút hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt tham gia trên mạng (như các bài giảng của TS. Lê Thẩm Dương...). Bên cạnh đó, hệ thống rất phong phú các trung tâm cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn cũng xây dựng các học liệu số đa dạng, khác nhau. Một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp phát triển nội dung số cho giáo dục cũng liên tục cho ra các sản phẩm đa dạng như phim lịch sử, trò chơi điện tử học tập...
Mặc dù phát triển tương đối phong phú như vậy nhưng đối chiếu với chương trình giáo dục phổ thông thì học liệu số còn thiếu ở nhiều bài, nhiều môn, nhiều lớp học (đa số hiện nay tập trung cho các lớp cuối cấp như lớp 9 và lớp 12, tập trung nhiều vào 3 môn Toán, Văn, Anh).
Có thể thấy rằng, xuất phát từ yêu cầu của thực tế của bối cảnh CĐS, việc phát triển học liệu số ở nước ta thời gian qua rất nhộn nhịp. Cùng với sự phát triển của công nghệ, kỹ năng sử dụng công nghệ được dần cải thiện thì học liệu số (gồm cả kho học liệu số) đang phát triển rất nhanh về số lượng và chất lượng vừa để từng bước đáp ứng yêu cầu của thực tế vừa để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đó là chất lượng của các học liệu số lan tràn trên không gian mạng chưa thể kiểm soát, chưa thể đánh giá được mức độ đáp ứng nhu cầu học tập của người học; đó là việc phát triển tự phát “trăm hoa đua nở” chưa có quy hoạch, định hướng dẫn đến tình trạng trùng lắp, lãng phí, học liệu số sản xuất tập trung nhiều vào một số lĩnh vực, một số môn học, một số bậc học - chưa phát triển đồng đều - dẫn đến nơi thừa nơi thiếu cục bộ; đó là thiếu quy định pháp luật, thiếu chế tài mạnh xử lý vi phạm quyền tác giả, vì vậy chưa khuyến khích việc phát triển học liệu số vì học liệu số sáng tạo ra có thể bị sao chép, bị đánh cắp dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong bối cảnh CĐS mạnh mẽ, bối cảnh sự phát triển của công nghệ số và sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số GDĐT, không để ai bị bỏ lại phía sau (ai cũng có cơ hội học tập) cũng như dưới áp lực hội nhập quốc tế sẽ là thời cơ và là cơ hội tốt để phát triển học liệu số trong thời gian tới. Về thách thức, đó là kinh phí sản xuất học liệu số tốn kém hơn nhiều so với học liệu truyền thống; công nghệ phát triển nhanh liên tục khiến sản phẩm làm ra dễ lạc hậu (không tương thích với hệ thống mới) và đòi hỏi người sản xuất phải thường xuyên cập nhật công nghệ; với đặc tính của môi trường mạng là trực tiếp và “không biên giới“ nên sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường học liệu số.
Khó khăn trong việc phát triển nội dung học liệu số ở nước ta
Trong phát triển nội dung học liệu số ở nước ta, một số khó khăn chính là rào cản cho việc triển khai thực hiện như sau:
Một là, với tốc độ phát triển nhanh, vòng đời công nghệ ngắn, sản xuất học liệu số cần khoản chi phí đầu tư lớn cho việc đào tạo cập nhật công nghệ, tiếp thị và tìm kiếm mở rộng thị trường.
Hai là, bên cạnh kinh phí lớn thì thời gian sản xuất và hoàn thiện học liệu số thường dài hơn so với sản xuất học liệu truyền thống; đó là chưa kể thời gian hội đồng chuyên môn thẩm định, kiểm duyệt cả về kỹ thuật và nội dung trước khi được cấp phép phát hành thông qua môi trường số.
Ba là, mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng việc triển khai trên thực tế và chế tài còn hạn chế, tỉ lệ vi phạm bản quyền nói chung và học liệu số nói riêng ở nước ta còn ở mức cao; Thiếu quy định, hướng dẫn về thiết kế, bố cục, thời lượng đặc thù đối với các bài giảng số, học liệu số nên nhiều học liệu thiếu khoa học, thiếu tính sư phạm làm cho hiệu quả dạy học chưa cao; Thiếu quy định hướng dẫn thống nhất về kỹ thuật, định dạng dữ liệu, chuẩn chia sẻ kết nối dẫn đến khó khăn trong việc đưa vào các nền tảng quản lý học tập, khó khăn trong việc chia sẻ, khai thác chung học liệu số.
Bốn là, chưa có hệ thống đánh giá, kiểm duyệt chất lượng học liệu số công khai minh bạch dẫn đến khó khăn cho người học trong quá trình tìm kiếm, khai thác sử dụng; chưa khích lệ, động viên được phía sản xuất học liệu tập trung đầu tư.
Năm là, thị trường học liệu số cạnh tranh khốc liệt và trực tiếp trên môi trường mạng không chỉ giữa các cơ sở trong nước mà còn với các cơ sở nước ngoài có tiềm lực lớn (thông qua các dịch vụ xuyên biên giới). Trong khi đó phần lớn cơ sở sản xuất học liệu số trong nước lại có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nhân lực vừa am hiểu về giáo dục vừa am hiểu về công nghệ (tỉ lệ các trường đào tạo chuyên ngành học liệu số còn khiêm tốn).
Sáu là, các nguy cơ mất an toàn an ninh mạng, tăng nguy cơ xâm phạm đời tư và những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của con người trong việc sử dụng nội dung số (bao gồm cả học liệu số) tác động tiêu cực đến việc phát triển học liệu số.
Giải pháp phát triển nội dung học liệu số ở nước ta trong thời gian tới
Để phát triển nội dung học liệu số ở nước ta trong thời gian tới được thiết thưc, hiệu quả, một số giải pháp chính đề xuất như sau:
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển học liệu số, (có thể xây dựng đề án phát triển học liệu số) trong đó tập trung vào:
(i) Xây dựng quy hoạch trong phạm vi toàn quốc về phát triển học liệu số (như quy hoạch theo vùng, theo lĩnh vực, theo trình độ, kho học liệu số dùng chung và các kho học liệu số dùng riêng) tránh phát triển trùng lắp, lãng phí; Quy định về phân loại và tiêu chí đánh giá chất lượng của học liệu số (đặc biệt là tiêu chí về sự phù hợp giữa nội dung học liệu với chương trình giáo dục đào tạo, đối với giáo dục phổ thông là chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiêu chí về sự hài lòng của người học - lấy người học làm trung tâm); ban hành tiêu chuẩn đối với học liệu số, chuẩn chương trình học trực tuyến, chuẩn bài giảng số nhằm nâng cao chất lượng học liệu, kích cầu sử dụng, qua đó tạo động lực phát triển học liệu số;
(ii) Quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, về chia sẻ học liệu số (nội dung chia sẻ, đối tượng chia sẻ, mức độ chia sẻ), phân cấp kiểm duyệt nội dung học liệu số và kèm theo các chế tài nghiêm khắc;
(iii) Quy định kỹ thuật của các học liệu số (chuẩn học liệu số, chuẩn kết nối chia sẻ học liệu số), quy định việc kết nối chia sẻ giữa các kho học liệu số (thư viện số), quy định việc đóng góp học liệu số của cá nhân (nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm), cơ chế khai thác sử dụng chung;
(iv) Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển học liệu số như ưu tiên sử dụng học liệu số sản xuất trong nước, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển nội dung học liệu số;
(v) Xây dựng quy định tạo sự cạnh tranh công bằng giữa học liệu số sản xuất trong nước và học liệu số nước ngoài, tránh tình trạng “bảo hộ ngược”, đặc biệt là các học liệu môn ngoại ngữ.
Thứ hai, xây dựng và triển khai cơ chế tài chính khuyến khích phát triển học liệu số, bao gồm:
(i) Cơ chế khuyến khích, hỗ trợ (mồi) của Nhà nước (như thông qua phát động các phong trào thi đua, tôn vinh, khen thưởng);
(ii) Cơ chế huy động sự đóng góp học liệu từ đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học và HSSV (như tạo môi trường để cộng đồng đánh giá - ratting, cơ chế trả phí khi sử dụng học liệu chất lượng cao);
(iii) Cơ chế huy động nguồn lực đầu tư của các cơ sở GDĐT, nhất là các cơ sở giáo dục đại học;
(iv) Cơ chế huy động nguồn xã hội hóa từ các tập đoàn, DN tham gia phát triển học liệu số, xây dựng duy trì vận hành các nền tảng, hạ tầng thu thập, lưu trữ, chia sẻ học liệu số.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát triển nội dung học liệu số, trong đó: (i) Nhập khẩu học liệu số trực tiếp hoặc gián tiếp từ nước ngoài; (ii) Triển khai các hình thức kết nối, truy cập khai thác kho học liệu số của các cơ quan, tổ chức nước ngoài; (iii) Việt hóa các học liệu số nước ngoài từ nhiều thứ tiếng khác nhau đáp ứng yêu cầu người học trong nước.
Thứ tư, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng thiết kế học liệu số và kỹ năng khai thác sử dụng học liệu số, trước hết bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, HSSV làm hạt nhân phát triển học liệu số và tạo thị trường thúc đẩy phát triển học liệu số.
Thứ năm, huy động và hỗ trợ các tập đoàn, DN công nghệ đầu tư phát triển các hệ thống ứng dụng, thúc đẩy tạo học liệu số thứ cấp trên cơ sở kho học liệu số sẵn có, đó là các hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống phân tích dữ liệu lớn (data analytics), hệ thống trợ lý ảo, học máy; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và DN để phát triển nội dung học liệu số sát với yêu cầu đào tạo, bảo đảm tính sư phạm, nâng cao hiệu quả của học liệu số.
Trong bối cảnh CĐS ở nước ta, nhu cầu học liệu số tăng nhanh trong khi đa số các DN phát triển học liệu số đều là DN vừa và nhỏ, lợi nhuận thấp, dễ bị tổn thương khi hội nhập. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN về thủ tục đăng kí kinh doanh, miễn giảm thuế, hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ưu tiên sử dụng học liệu số sản xuất trong nước để tạo điều kiện cho DN tham gia phát triển học liệu số.
Thứ sáu, phát triển kho học liệu số dùng chung quốc gia và khóa học đại chúng trực tuyến mở (MOOCs) từ nguồn lực xã hội hóa, trong đó xây dựng cơ chế huy động sự tham gia đóng góp và cùng khai thác của cộng đồng; thường xuyên tuyên truyển, nâng cao chất lượng học liệu, tạo thuận lợi để nhiều người học
biết, tham gia sử dụng và đóng góp học liệu. Kho học liệu số dùng chung quốc gia do Bộ GDĐT quản lý, ở giai đoạn đầu học liệu được tuyển chọn từ các trường, phòng giáo dục, sở giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học và được chiasẻ dùng cho tất cả các cấp học, ngành học, môn học phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học. Kho học liệu số trước tiên phục vụ toàn ngành GDĐT, tránh phát triển học liệu trùng lắp, lãng phí và đồng thời phục vụ cộng đồng, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập giữa các vùng miền.
Thứ bảy, phát triển hạ tầng số đến các đối tượng người học ở các vùng miền trên cả nước, tạo thị trường góp phần thúc đẩy công nghiệp nội dung số nói chung và học liệu số nói riêng, bao gồm hạ tầng đường truyền và hạ tầng thiết bị đầu cuối (smartphone, máy tính kết nối mạng) cho người học.
Thay lời kết
Trên đây bài viết đã phân tích tổng quan về học liệu số từ khái niệm, đặc điểm đến phương thức sản xuất, đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng phát triển nội dung học liệu số ở nước ta thời gian qua qua các giác độ khác nhau; từ đó đi sâu tìm hiểu một số khó khăn, thách thức cản trở việc phát triển nội dung học liệu số, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp phát triển nội dung học liệu số trong thời gian tới.
Để các giải pháp thúc đẩy phát triển nội dung số nói chung và học liệu số nói riêng trong bối cảnh ở nước ta, hiện nay đạt được kết quả, hiểu quả thiết thực, mỗi giải pháp đề xuất trên cần được các cơ quan quản lý, các cơ sở GDĐT nghiên cứu sâu và cụ thể hóa thành các kế hoạch để có thể triển khai trong thực tế.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
[2]. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo phân tích hiện trạng ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam, tháng 8/2018.
[3]. Norvegian Centre for ICT in Education, Quality criteria for digital learning resources
[4].https://flexiblelearning.auckland.ac.nz/learning_technologies_online/6/1/html/course_files/1_2.html
[5].https://www.researchgate.net/publication/260392089_How_to_evaluate_the_quality_of_digital_learning_resources
[6]. https://www.researchgate.net/publication/340692804_Research_on_the_Evolution_and Classification_of_Digital_Learning_Resources
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2021)