Chuyển đổi số với thương mại điện tử xuyên biên giới

Bảo Bình| 27/05/2022 05:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi khách hàng có thói quen mua sắm trực tuyến, họ sẽ dần dần khám phá các hoạt động mua sắm xuyên biên giới. Chính vì thế, ngoài các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước, doanh nghiệp (DN) Việt cần tìm hiểu và khai thác các sàn TMĐT xuyên biên giới.

Báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn TMĐT nửa đầu năm 2022 dựa trên nền tảng số liệu của Metric.vn cho biết Việt Nam hiện là thị trường TMĐT lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Thực tế, khi khách hàng đã có thói quen mua sắm trực tuyến, họ sẽ dần dần khám phá các hoạt động mua sắm trực tuyến xuyên biên giới. Chính vì thế, ngoài các sàn TMĐT trong nước, DN Việt cần tìm hiểu và khai thác các sàn TMĐT xuyên biên giới.

TMĐT xuyên biên giới tăng trưởng gấp 2 lần so với TMĐT trong nước

Theo thống kê của e-Marketer, trong năm 2020, tổng doanh số bán lẻ trên toàn cầu đã giảm 2,8%, tuy nhiên, do sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng từ trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online), và do các chính sách phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 nên tổng doanh số bán lẻ TMĐT đã tăng trưởng đến 25,7% và dự kiến tiếp tục tăng mạnh đến năm 2025. 

“Đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường TMĐT, và cũng là thách thức lẫn cơ hội để DN Việt phục hồi và phát triển sau đại dịch”, ông Võ Tòng (Ryan), quản lý tài khoản cấp cao, Amazon Global Selling Việt Nam, nói.

Ông Võ Tòng cho biết thị trường TMĐT xuyên biên giới chiếm 20% thị trường TMĐT toàn cầu và đang tăng trưởng gấp 2 lần so với tốc độ TMĐT trong nước, đây là cơ hội để DN tận dụng lợi ích TMĐT, phát triển mô hình kinh doanh mới, đưa sản phẩm ra cộng đồng quốc tế.

“Việt Nam có nhiều thế mạnh về nội lực xuất khẩu, có nhiều mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng trên thế giới, như các sản phẩm dệt may, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, nông sản… 88% các DN vừa và nhỏ tin rằng TMĐT toàn cầu là cơ hội lớn để họ tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu”, ông Võ Tòng nói.

Theo truyền thống, mô hình kinh doanh sẽ đi từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, sau đó hàng hóa tiếp tục được phân phối đến đơn vị bán sỉ, rồi bán lẻ và sau đó mới đến khách hàng. Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch vừa qua, DN khó kiểm soát các khâu trung gian. Và TMĐT xuyên biên giới chính là một giải pháp mà DN nên xem xét. 

Ông Võ Tòng cho biết nền tảng TMĐT của Amazon là một chuỗi khép kín, giao dịch từ đầu đến cuối trực tiếp đến người tiêu dùng. Amazon có hai hình thức kinh doanh là B2C (DN với khách hàng) và B2B (DN với DN). Mô hình khép kín giúp DN tiếp cận hồ sơ và quản lý khách hàng, thâm nhập các thị trường chưa từng khai thác, phát triển thương hiệu trên thị trường toàn cầu.

Cần có kế hoạch triển khai rõ ràng khi kinh doanh trên sàn TMĐT quốc tế

Tại sự kiện về hướng dẫn CĐS với TMĐT xuyên biên giới do Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giám đốc Công ty CP Eubiz, cho biết kinh nghiệm của Eubiz khi triển khai CĐS là không chỉ bán hàng trên các kênh offline mà cả online, triển khai các chiến lược B2B, B2C. DN sẽ triển khai các chương trình kinh doanh, bán hàng thông qua các nền tảng TMĐT như Shopee, Tiki, và đặc biệt là Amazon - một thương hiệu nổi tiếng làm cầu nối giúp đưa sản phẩm của Việt Nam ra thế giới, giúp DN tiếp cận khách hàng dễ hơn, tạo độ phủ lớn. 

Nhưng để triển khai được chiến lược TMĐT xuyên biên giới qua các nền tảng như Amazon, DN cần có bản phân tích rõ ràng về chiến lược, từ việc minh bạch sản phẩm, làm thương hiệu sản phẩm…. Đó chính là cơ sở, là nền tảng để tiếp cận TMĐT xuyên biên giới, tiếp cận lượng khách hàng lớn. Ngoài ra, lượng đánh giá (review), xếp hạng (ranking) cũng là một kênh để DN truyền thông về chất lượng sản phẩm của mình với khách hàng. 

Theo bà Hoa, để đạt hiệu quả DN phải có bước chuẩn bị, kế hoạch triển khai rõ ràng để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT quốc tế. Thứ nhất là DN phải dự trù về tài chính, không chỉ là tài chính sản xuất sản phẩm, mà cả tài chính cho quảng cáo, phân bổ kế hoạch bán hàng để đảm bảo lượng hàng trong kho. DN cũng cần tính toán xem thời điểm nào cần vận chuyển hàng hóa sang kho Amazon để đủ bán ra cho khách hàng. 

Đặc biệt, DN cần lưu ý về tỷ lệ bán hàng trong từng mùa vụ, vì tại các thị trường nước ngoài, chẳng hạn như ở Mỹ, có những thời gian là cao điểm bán hàng, như những dịp mua sắm cuối năm, những ngày như Black Friday hay Cyber Monday. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng vào những mùa vụ như vậy, DN phải tính toán về lượng hàng vận chuyển đến kho Amazon, đến thời điểm triển khai chiến lược quảng cáo….

Kinh doanh TMĐT xuyên biên giới DN cũng cần tối ưu chi phí. Chẳng hạn khi bán hàng trên Amazon, DN cần lưu ý những thời điểm chi phí logistics tăng cao. Theo kinh nghiệm của bà Hoa, vào thời điểm tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, chi phí logistic thường tăng rất cao, cao hơn so với những tháng trước đó. 

“Vì vậy, DN cần có kế hoạch vận chuyển hàng trước tháng 8, và tính toán thời gian vận chuyển sao cho phù hợp với mùa vụ bán hàng mua sắm cuối năm từ tháng 10 đến tháng 12. Bài toán kinh doanh TMĐT xuyên biên giới đặt ra ở đây mà DN cần lưu ý là chi phí logistics, kho bãi, hay việc lựa chọn sản phẩm nào, có kích thước, cân nặng sản phẩm ra sao để tiết kiệm chi phí nhiều nhất có thể”, bà Hoa chia sẻ.

Một kinh nghiệm nữa được bà Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ khi làm TMĐT xuyên biên giới là để tạo hiệu ứng bán hàng tốt, DN cần tiến hành bảo hộ thương hiệu tại nước đó. Có như vậy, khi đưa sản phẩm lên hệ thống, DN mới có thể chạy các chương trình quảng cáo như treo banner hay quảng cáo YouTube hoặc đưa hình ảnh, video để tăng tỉ lệ mua hàng.

Chuyển đổi số với thương mại điện tử xuyên biên giới - Ảnh 1.

Có khoảng 1,9 triệu DN vừa và nhỏ bán trên cửa hàng Amazon.

3 lưu ý đặc biệt khi DN kinh doanh trên Amazon

Theo chuyên gia của Amazon, có 3 điều lưu ý đặc biệt khi DN kinh doanh trên Amazon. Thứ nhất là về nhân sự chuyên trách. “Mỗi DN cần ít nhất 2 nhân sự chuyên trách. Một người đảm nhận các công việc về quản lý tồn kho, hệ thống, vận hành và một nhân sự đảm trách các công việc bán hàng, quảng cáo, tiếp thị số (digital marketing)”, ông Tòng nói.

Lưu ý thứ hai mà DN cần làm khi kinh doanh TMĐT xuyên biên giới là triển khai chiến lược sản phẩm và xây dựng thương hiệu. 

Thứ ba, DN cần tuân thủ các quy định của thị trường mục tiêu. Amazon là nền tảng để DN bán hàng, vì vậy khi xuất khẩu hàng qua quốc gia nào, ví dụ bán các mặt hàng thực phẩm tại Mỹ, DN cần tìm hiểu và đảm bảo các yêu cầu của thị trường Mỹ đối với mặt hàng mình kinh doanh, chẳng hạn về giấy chứng nhận hữu cơ hay các quy định thông quan….

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa của Eubiz cho biết Eubiz hiện là một DN bán hàng trên Amazon và là một “best seller” với một số sản phẩm nông sản của Việt Nam. Ngoài những nỗ lực CĐS của chính DN với phương thức kinh doanh trên sàn TMĐT quốc tế, Eubiz cũng nhận được nhiều hỗ trợ của Cục Phát triển DN, chẳng hạn như trong khâu truy xuất nguồn gốc.

“Khi kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, minh bạch hóa sản phẩm là một việc làm rất quan trọng. Cần để khách hàng nhìn ra lịch sử, nguồn gốc của hàng hóa, từ việc DN đã nhập nguyên liệu ở đâu, quy trình sản xuất, sản xuất số lượng bao nhiêu, đạt tiêu chuẩn chất lượng gì, xuất hàng ở cảng nào…. Khi có mã QR code đó để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khách hàng sẽ tin tưởng vào sản phẩm, vào DN hơn, nhất là trong môi trường quốc tế”, bà Hoa nói và cho rằng việc tối ưu các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc sẽ giúp DN minh bạch hóa, giảm chi phí nhân công. 

Sử dụng công nghệ điện tử để kiểm soát thông tin, theo bà Hoa cũng là một bước làm CĐS “rất hữu ích” mà DN cần áp dụng.

Hiện nay, Cục Phát triển DN đang phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam triển khai chương trình “Bệ phóng 90 ngày cùng Amazon” thuộc gói hỗ trợ Go Digital - Go Global cho các DN có định hướng xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, phụ trách văn phòng CĐS, Cục Phát triển DN, cho biết chương trình cung cấp kiến thức và hướng dẫn chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trên các sàn TMĐT xuyên biên giới, mở rộng kênh xuất khẩu cho DN. 

Amazon đang dẫn đầu về thị trường TMĐT xuyên biên giới, tiếp cận khách hàng ở 200 quốc gia và lãnh thổ, hơn 300 triệu khách hàng hoạt động tích cực trên toàn cầu và có 27 ngôn ngữ đã được hỗ trợ trên nền tảng Amazon. Mảng kinh doanh TMĐT do đối tác bán hàng phụ trách trên Amazon đang bùng nổ, với 1,9 triệu DN vừa và nhỏ bán trên cửa hàng Amazon./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số với thương mại điện tử xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO