Đẩy mạnh DVC trực tuyến (DVCTT)
Theo báo cáo của Công an Hà Nội, tính từ 4/10/2021 đến nay, hệ thống thông tin Một cửa điện tử thử nghiệm của TP đã tiếp nhận 466.772 hồ sơ trong đó đã xử lý 448.672 (đạt 96.1%), hồ sơ tiếp nhận cao nhất trong 1 ngày đạt 7.000 hồ sơ.
Về triển khai 25 nhóm DVC thiết yếu theo Đề án 06, đến nay Hà Nội đã hoàn thành triển khai 21/25 DVC với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng DVC.
Trong đó, các DVC được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực cư trú của Công an TP Hà Nội với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết từ đầu năm đến nay là trên 100.000 hồ sơ. Đối với 4 DVC còn lại, gồm: cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận; Liên thông Đăng ký khai sinh và Liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí... Hà Nội đã chủ động đề xuất phương án đồng thời sẵn sàng phối hợp thực hiện triển khai theo hướng dẫn của các Bộ, ngành chủ quản.
Về nhóm phát triển công dân số, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp trên 35.000 Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp kèm định danh điện tử cho các cháu học sinh (sinh năm 2004 và 2007) phục vụ cho việc đăng ký dự thi; tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân.
Hà Nội cũng rà soát, làm sạch 3 cấp với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5); đã ký xác nhận được hơn 13 triệu mũi tiêm (đạt 74%), đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong cở sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; cập nhật vào nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia.
Tháo gỡ vướng mắc
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, song trong quá trình thực hiện đề án 06 cũng gặp phải một số vướng mắc. Do đặc thù của TP Hà Nội có sự phân chia khu vực đô thị và nông thôn nên tính chất và đặc điểm dân cư cũng có sự khác biệt, đặc biệt việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận nhân dân còn có hạn chế nhất định nên việc hướng dẫn và vận động nhân dân tham gia sử dụng các DVC còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các khu vực.
Trong số nhiều nguyên nhân có nguyên nhân về tâm lý của người dân đối với việc thực hiện các DVCTT còn e ngại và do thói quen của người dân muốn đến tận nơi, muốn được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp. Việc sử dụng các thiết bị thông minh hỗ trợ cho việc thực hiện đối với một bộ phận người dân (người cao tuổi, công dân trên địa bàn vùng nông thôn) còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, việc cung cấp các DVCTT chưa linh hoạt và đơn giản cũng như việc phát sinh thêm một số chi phí như phí dịch vụ bưu chính, thanh toán trực tuyến cũng là một nguyên nhân làm giảm tỷ lệ tham gia của người dân. Đến nay, Công an Thành phố đã thu nhận trên 2,2 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào có kết quả cấp tài khoản định danh điện tử nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền tới người dân...
Để giải quyết vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo đề án 06 TP Hà Nội kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm ban hành và hướng dẫn các đơn vị trong việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa để chia sẻ giữa Cổng DVC Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và các Hệ thống thông tin khác.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo, kết nối, chia sẻ CSDL chứng sinh, báo tử, sức khỏe với CSDL hộ tịch, dân cư, bảo hiểm xã hội, lao động - thương binh và xã hội; Chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bệnh viện ký số giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe bản điện tử gửi vào tài khoản giao dịch điện tử, kho quản lý dữ liệu điện tử, thư điện tử của công dân; giảm việc công dân phải trực tiếp đến cơ quan chứng thực để chứng thực sao y bản giấy và chứng thực sao y bản điện tử, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân, khuyến khích, tạo điều kiện cho công dân thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, từ nay đến cuối năm, Công an Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai giấy chứng sinh điện tử, giấy báo tử điện tử, giấy khám sức khỏe điện tử phục vụ việc kết nối, đơn giản hóa trong quá trình triển khai các DVC thiết yếu có kết nối với CSDL quốc gia về dân cư; Tập trung và đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của Đề án đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô; huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức là những tuyên truyền viên trong việc vận động, hướng dẫn người dân, tổ chức tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, DVC kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư.../.