Diễn đàn

Công nghệ phát triển không thể bỏ qua sự “kiềm toả”

Nhật Minh 22:48 23/03/2024

Trong xu thế số hoá toàn cầu, các công nghệ mới đã ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống, ngành, lĩnh vực và đó là một “làn sóng” mạnh đầy uy lực. Và trong “làn sóng” này, những “hy vọng” về tương lai của nhân loại đang mở ra, tuy nhiên, trong gam “sáng” vẫn hiện hữu, “lành ranh” về mối nguy hại tiềm tàng nếu như con người không chủ động, làm chủ làn sóng đó.

Đó là những đánh giá của chuyên gia, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), ông Mustafa Suleyman khi nói về “làn sóng” và những thách thức này trong thế kỷ 21.

Con người cần chế ngự, kiểm soát thế giới công nghệ

Tại một toạ đàm về AI diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhà nghiên cứu người Anh chuyên về AI và doanh nhân, ông Mustafa Suleyman cho rằng, muốn làm chủ các công nghệ, sử dụng hiệu quả các công nghệ, điều nhất thiết phải “kiềm toả” tốt công nghệ, vì đây là cách duy nhất duy trì, kiểm soát đối với các công nghệ mạnh mẽ, một cách thức cần thiết của thời đại chúng ta.

1694348650057.jpeg
Ông Mustafa Suleyman. Ảnh: Inflection AI

Nói về sự “kiềm toả”, theo ông Mustafa Suleyman, ý nội hàm chính là cần phải có "khả năng” giám sát, cắt giảm, kiểm soát, các quy định, an toàn kỹ thuật tốt hơn, mô hình quản trị, quyền sở hữu mới, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và thậm chí có thể đóng cửa các công nghệ …

Chúng ta cũng có thể đóng cửa các công nghệ, bởi lẽ các công nghệ mới ra đời nhanh, trong khi đó các quy định hiệu quả cần một thời gian dài để phát triển, và công nghệ chỉ đơn giản là đi quá nhanh so với pháp luật.

“Kiềm toả là giải pháp, chiếc khóa tổng thể cho công nghệ an toàn và cần được kết hợp kỹ thuật tiên tiến, các giá trị đạo đức và các quy định của chính phủ…”, chuyên gia Mustafa Suleyman nhấn mạnh.

Cũng theo quan điểm của ông Mustafa Suleyman, để “kiềm tỏa” hiệu quả các công nghệ cần đảm bảo 10 bước: An toàn (cần nhiều tài trợ và tập trung hơn cho nghiên cứu về an toàn AI); kiểm toán (các cơ quan chính phủ bên ngoài đáng tin cậy có quyền truy cập vào các công ty xây dựng AI, với quyền điều chỉnh chúng); tiến trình (làm chậm quá trình triển khai mới và kiểm soát các điểm thắt nút như sản xuất chip); chuyên gia đánh giá AI; kinh doanh (khuyến khích sự an toàn, không chỉ là lợi nhuận); chính phủ (có các quyết định pháp luật rõ ràng, chặt chẽ); liên minh (các quy định chung quốc tế); văn hóa (sự minh bạch về những thất bại và đảm bảo sẵn sàng ngừng phát triển nếu mọi thứ trở nên quá rủi ro); phong trào (công nghệ gắn với các hoạt động phong trào); con đường hẹp (quá trình kiềm tỏa diễn ra liên tục, duy trì 09 bước trước đó).

Và ở góc nhìn khác, ông Mustafa Suleyman còn cho rằng, nếu chúng ta trói buộc các công nghệ mới nổi nhiều đến mức “đổ khuôn” chúng và đảm bảo chúng thích nghi theo nhu cầu của chúng ta thì nên áp dụng cách làm buộc các công nghệ này phải chịu sự giám sát và tuân thủ các quy tắc có thể thực thi (bao gồm kiểm toán và đánh giá bởi bên thứ ba).

Đồng thời, ông Mustafa Suleyman ủng hộ một "môi trường được cấp phép nhiều hơn" (more licensed environment), nơi các hệ thống AI tinh vi nhất sẽ được sản xuất "chỉ bởi các nhà phát triển được chứng nhận có trách nhiệm".

Cũng trong quan điểm khi nói về công nghệ, ông Mustafa Suleyman cho rằng, mỗi “làn sóng” công nghệ xảy ra từ trước tới nay đều tạo ra những thay đổi mà trước đó chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi: Chuyển từ thủ công - sức người sang động cơ, máy móc; từ trí tuệ con người sang AI siêu thông minh; sinh học sang công nghệ sinh học; hoá học sang công nghệ hoá học…

Với sự phát triển và những thay đổi đó, cho đến nay, công nghệ đã giúp con người tạo ra nhiều giá trị và thế thế giới đã đổi thay mạnh mẽ, nhanh chóng. Tuy nhiên, trước khi có thể phát huy hết tiềm năng vô biên của công nghệ mới trong làn sóng sắp tới, thế “lưỡng nan” do làn sóng này tạo ra, con người cần phải chủ động để chế ngự, kiểm soát, hiểu biết toàn diện đối với toàn bộ thế giới công nghệ.

“Điều này cần quyết tâm cao độ trong cả quá trình liên tục, lâu dài và đây sẽ là “thách thức” mang tầm trọng đại mà hệ quả sẽ quyết định chất lượng, bản chất cuộc sống hàng ngày trong thế kỷ này và thế kỷ sau nữa”, ông Mustafa Suleyman nhấn mạnh.

AI là sự kết tinh của trí tuệ con người được gửi gắm qua công nghệ số

Ông Vũ Trọng Đại, Đồng sáng lập, Giám đốc Công ty CP Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời đại (TIMES) đánh giá cao quan điểm và những nhận định của ông Mustafa Suleyman và cho rằng, làn sóng công nghệ mới mạnh mẽ, tân tiến sẽ tạo ra sự thịnh vượng to lớn, nhưng cũng đe dọa tới nền tảng của trật tự toàn cầu. Việc xác định thách thức tất yếu của thời đại chúng ta đang sống, chính là “vấn đề ngăn chặn”, mà ở đó nhiệm vụ duy trì quyền kiểm soát các công nghệ mạnh mẽ chính là điều bắt buộc.

cn.jpg
Ông Vũ Trọng Đại nhận định AI sẽ luôn là sự khởi đầu cho các vấn đề mới của nguồn trí thức hiện tại cũng như trong tương lai.

Hơn nữa, ông Vũ Trọng Đại đưa ra nhận định cá nhân, công nghệ hay AI sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc: Định hình lại nguồn lao động xã hội, tư duy số của thế giới và AI sẽ luôn là sự khởi đầu cho các vấn đề mới của nguồn trí thức hiện tại cũng như trong tương lai…

Ở quan điểm khác, TS. Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Times School cũng cho rằng, AI sẽ cạnh tranh với con người trong mọi lĩnh vực và ít hay nhiều, những tác động, sự cạnh tranh này vô hình sẽ làm con người phải đối mặt với những thuận lợi và cả khó khăn…

Do đó, TS. Giáp Văn Dương lưu ý, chúng ta cần nhìn AI như một chủ thể, mà ở đó vấn đề cần quan tâm là khung pháp lý nhằm ngăn chặn sự sai lệch trong đối xử với các sản phẩm công nghệ số (robot). Vì vậy, vấn đề giá trị, tiêu chuẩn đạo đức khi sử dụng AI cần những góc nhìn thấu đáo, toàn diện, khách quan, công minh.

Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, AI đang là một xu thế không thể thiếu của những công nghệ số. Trong sự phát triển này, hiểu theo nghĩa đơn giản, đây chính này là kết quả, sản phẩm, kết tinh của trí tuệ con người được gửi gắm qua các công nghệ số.

Tuy nhiên, để công nghệ này trở thành công cụ số hiệu quả, người dùng cũng như các đơn vị phát minh cần có điểm chung về giá trị, nhất là những giá trị đạo đức, chuẩn mực về lợi ích phát triển.

Cũng để công nghệ này phát triển, Việt Nam cần đẩy mạnh, thúc đẩy thông qua cơ chế, chính sách giúp các công ty, tập đoàn công nghệ nghiên cứu, ra đời các sản phẩm về AI.

Đặc biệt, Việt Nam cần tiếp nhận, chủ động trong “làn sóng” công nghệ mới và luôn phải thường xuyên gắn công tác đào tạo nguồn nhân lực số có trình độ, chất lượng cao.

“Hơn nữa, phía các chuyên gia, nhà quản lý cũng cần phải có các kiến thức, hiểu biết chuyên sâu về công nghệ, từ đó giúp sử dụng, quản lý, vận dụng vào ngành, nghề để tạo sự phát triển toàn diện, bền vững”, ông Hoàng Văn Huây nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ phát triển không thể bỏ qua sự “kiềm toả”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO