Chuyển động ICT

Công nghệ số đang góp phần thúc đẩy thị trường dịch vụ hàng không

Anh Minh 18:06 24/09/2024

Thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng hơn gấp đôi giá trị từ mức 52 tỷ USD hiện nay lên 129 tỷ USD vào năm 2043.

Tốc độ số hóa nhanh chóng đang là một trong những yếu tố lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không. Các công nghệ mới đang tạo ra những thay đổi đáng kể, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa chi phí.

hinh-1.jpg
Công nghệ số đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không, giúp tối ưu hóa hoạt động bay, hoạt động kỹ thuật và hoạt động mặt đất.

Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) đang được áp dụng để tự động hóa nhiều quy trình, từ quản lý hành lý đến kiểm tra an ninh. Trong khi đó, các ứng dụng di động và hệ thống giải trí trên chuyến bay được cải tiến, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho hành khách. Việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) cũng giúp các hãng hàng không cá nhân hóa dịch vụ cho từng khách hàng.

Không chỉ những kết nối về mặt công nghệ, mà kết nối giữa các cộng đồng hợp tác cũng sẽ là nền tảng giúp phá vỡ các rào cản và cải thiện hiệu quả chung của ngành. Theo Dự báo dịch vụ toàn cầu (GSF) mới nhất của Airbus, đây sẽ là chìa khóa để tối ưu hóa hoạt động bay, hoạt động kỹ thuật và hoạt động mặt đất.

Cụ thể, việc tiếp cận rộng rãi các giải pháp kết nối kỹ thuật số tích hợp và hài hòa sẽ cho phép áp dụng phương pháp tiếp cận linh hoạt lấy người dùng làm trung tâm, với việc sử dụng dữ liệu được cá nhân hóa. Ngoài ra, kết nối được cải thiện sẽ cho phép hành khách có trải nghiệm liền mạch, bất cứ lúc nào, trong các chuyến bay.

Dự báo dịch vụ toàn cầu (GSF) của Airbus cho biết thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng hơn gấp đôi giá trị từ mức 52 tỷ USD hiện nay lên 129 tỷ USD vào năm 2043. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu về khoảng 19.500 máy bay mới và lưu lượng hành khách hàng không trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,81%.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái kết nối này sẽ thu hút ngày càng nhiều nhân sự có năng lực kỹ thuật số vào ngành hàng không. Việc nâng cao kỹ năng theo yêu cầu của môi trường kỹ thuật số sẽ làm tăng sức hấp dẫn của việc làm, do đó giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Airbus dự báo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 999.000 chuyên gia lành nghề mới (gần 45% số nhân lực toàn cầu) trong 20 năm tới, bao gồm 268.000 phi công mới, 298.000 nhân viên kỹ thuật mới và 433.000 tiếp viên hàng không mới.

Đặc biệt, nhờ vào sự gia tăng lưu lượng hàng không hàng năm, các đội bay được mở rộng và nhiều máy bay sẽ được kết nối và hỗ trợ kỹ thuật số hơn. Do đó, nhu cầu về các dịch vụ hàng không cũng sẽ gia tăng, thông qua các giải pháp được triển khai trong tất cả các giai đoạn của máy bay từ khi bàn giao đến khi hết vòng đời sử dụng, bao gồm bảo dưỡng, nâng cấp và đào tạo bay.

Bà Cristina Aguilar Grieder, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Dịch vụ khách hàng của Airbus cho biết khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có ​​quy mô tăng trưởng và hoạt động lớn nhất về dịch vụ hậu mãi, với nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả, đơn giản hóa và vận hành có trách nhiệm.

Trong số các phân khúc khác nhau của mảng dịch vụ tại Châu Á và Thái Bình Dương, giá trị thị trường của phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ tăng hơn gấp đôi từ 43 tỷ USD lên 109 tỷ USD (+5,0% CAGR). Phân khúc Cải tiến và Nâng cấp máy bay dự kiến ​​sẽ tăng trưởng tương tự, từ 5,1 tỷ USD lên 13 tỷ USD (+5,1% CAGR), trong khi phân khúc Đào tạo và Vận hành dự kiến ​​sẽ tăng từ 4,1 tỷ USD trong năm 2024 lên 7,6 tỷ USD vào năm 2043 (+3,3% CAGR).

Đối với các phân khúc này, công nghệ cũng có những tác động đáng kể. Chẳng hạn như công nghệ IoT (Internet of Things) cho phép giám sát tình trạng máy bay theo thời gian thực, giúp phát hiện sớm các vấn đề kỹ thuật và giảm thiểu thời gian bảo trì. Sử dụng dữ liệu thời tiết và các thuật toán tối ưu hóa cũng giúp các hãng hàng không lựa chọn lộ trình bay hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu khí thải./.

Bài liên quan
  • Triển khai AI trong ngân hàng “không dễ dàng”
    Với khả năng phân tích dữ liệu khổng lồ và tự động hóa quy trình, AI giúp các ngân hàng đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác và cá nhân hóa dịch vụ cho từng khách hàng. Tuy nhiên, để thành công, các ngân hàng cần một lộ trình triển khai rõ ràng và bài bản.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ số đang góp phần thúc đẩy thị trường dịch vụ hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO