Sau lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi họp báo quốc tế thông tin về kết quả Hội nghị.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik (Nga) về tác động của đại dịch Covid -19 đối với tốc độ phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số rất nhanh.
"Việt Nam được đánh giá là phát triển nền kinh tế số tương đối nhanh với 72% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh có kết nối với hệ thống 3G, 4G. Theo nghiên cứu và thống kê, kinh tế số của Việt Nam đã đạt mốc 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên gấp 3 lần đạt 9 tỷ USD vào năm 2018, và dự báo sẽ đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2025", Thủ tướng cho biết.
Đặc biệt, sự bùng phát của Covid-19 đã dẫn đến nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng cao. Đại dịch đã trở thành chất xúc tác quan trọng đưa nền kinh tế số Việt Nam đạt mức tăng trưởng 16% trong năm 2020 tương ứng với 14 tỷ USD.
Không chỉ lĩnh vực kinh tế số, một số lĩnh vực xã hội khác cũng phát triển mạnh mẽ hình thức hoạt động trực tuyến như giáo dục, y tế và các hoạt động xã hội. Việt Nam đã và đang nỗ lực tận dụng những thách thức từ dịch Covid-19, biến chúng thành lợi thế, cơ hội phát triển thương mại điện tử và kinh tế số của quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng tôi đã ban hành chương trình quốc gia về kinh tế số. Hiện nay các cấp, các ngành của Việt Nam đang triển khai rất tích cực. Tôi tin rằng với số người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng như vậy nhất định kinh tế số của Việt Nam với hệ thống 5G đang chuẩn bị được thiết lập sẽ có được sự phát triển nhanh nhất".
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nếu muốn duy trì giai đoạn phát triển tích cực này của nền kinh tế số và đạt mức tăng trưởng cao, Việt Nam cũng phải vượt qua nhiều thách thức. Lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong lĩnh vực kinh tế số cần phải nâng cao tay nghề. Nhất là các chính sách, pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và kinh tế số cần được hoàn thiện, điều chỉnh để phù hợp với xu thế phát triển chung trong nước, cũng như khu vực. Trong đó, không chỉ tăng về số lượng, luân chuyển dữ liệu, chất lượng dữ liệu mà còn an toàn cho người sử dụng.
"Đó là những yêu cầu đặt ra theo tinh thần tăng về quy mô nhưng đảm bảo an toàn cho cá nhân, cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.