Đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhiều hoạt động tôn giáo ứng dụng công nghệ số

Trần Sỹ| 21/12/2021 08:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong suốt lịch sử phát triển, tôn giáo đã thích nghi với hoàn cảnh thay đổi và công nghệ mới. Trong đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động tôn giáo đã được phát trực tiếp và diễn ra dưới nhiều hình thức trong không gian ảo.

Theo Financial Times, một số tôn giáo có tổ chức đang sử dụng công nghệ để tương tác với cộng đồng, nhằm cố gắng tạo mối liên hệ giữa những người sùng đạo và tiếp thêm sức mạnh để mọi người tham gia vào tôn giáo. Giáo dục tôn giáo, các mối quan hệ, thói quen và kiến thức cũng đang chuyển đổi khi các phương tiện truyền thông xã hội cho phép giáo dân kết nối với các giáo sĩ và các nhân vật tôn giáo khác.

Đức Giáo hoàng Francis: con người có thể sống trong một thế giới tốt đẹp hơn nhờ sự tiến bộ của công nghệ

Vào tháng 9/2019, Đức Giáo hoàng Francis đã phát biểu tại một hội nghị ở Vatican về “Những lợi ích tốt đẹp trong kỷ nguyên kỹ thuật số”. Giáo hoàng đã nói rằng “con người có thể sống trong một thế giới tốt đẹp hơn nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ, đặc biệt nếu tiến bộ công nghệ đi song song với đạo đức và niềm tin truyền cảm hứng của tôn giáo”.

Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, các quan chức chính phủ và các nhà nhân đạo đã tập trung tại Vatican để tham dự hội nghị kéo dài ba ngày mang tên “The Common Good in the Digital Age”. Mục tiêu của hội nghị là phản ánh công nghệ có thể vượt ra khỏi những mục tiêu sử dụng “chủ yếu vì lợi nhuận” và tiến tới phục vụ lợi ích của tất cả con người.

Tại Hội nghị, Đức Giáo hoàng Francis đã nói rằng: “Nhân loại đã bước vào một kỷ nguyên mới, trong đó năng lực kỹ thuật đưa chúng ta đến ngã rẽ. Khoa học công nghệ, khi được định hướng tốt, có thể tạo ra những phương tiện quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của con người”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Francis cũng lưu ý "những phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo, đặt ra những tác động ngày càng quan trọng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người”.

Đức Thánh cha Francis cho rằng sự tiến bộ của công nghệ cần đi song song với đạo đức. “Không thể chối cãi, nhân loại đang hưởng nhiều lợi ích từ những tiến bộ công nghệ nếu chúng ta sử dụng công nghệ một cách có đạo đức". 

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhiều hoạt động tôn giáo ứng dụng công nghệ số  - Ảnh 1.

Vào tháng 9/2019, Đức Giáo hoàng Francis đã phát biểu tại một hội nghị ở Vatican về “Những lợi ích tốt đẹp trong kỷ nguyên kỹ thuật số”

Tôn giáo đã chấp nhận công nghệ từ lâu

Hugh Davies, một nhà nghiên cứu lịch sử công nghệ tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne, cho biết tôn giáo có tổ chức từ lâu đã chấp nhận công nghệ. Ông cho biết, thông qua việc truyền đạo, tôn giáo đã sử dụng công nghệ truyền thông, sử dụng những nhà điêu khắc, kiến trúc sư, họa sĩ và nhạc sĩ giỏi nhất để tạo ra những lăng kính làm say đắm lòng người.

“Nếu chúng ta coi công nghệ là việc sử dụng khoa học và kỹ thuật để giải quyết các vấn đề và tôn giáo là niềm tin vào tất cả các lực lượng siêu nhiên hùng mạnh, thì có rất nhiều bằng chứng lịch sử về việc tôn giáo và công nghệ không thể tách rời”.

Mạng lưới cầu nguyện trên toàn thế giới của Giáo hoàng, nhà truyền giáo của giáo hoàng đã phát động chương trình “Click to Pray”, coi “phương pháp sư phạm dựa trên công nghệ” là một cơ hội để mở rộng phạm vi tiếp cận của Công giáo trong giới trẻ.

Trong khi đó, Fundación Ramón Pané, một nhóm truyền đạo Công giáo, năm ngoái đã ra mắt Follow JC Go !, một phiên bản trò chơi di động Pokémon Go theo đạo Cơ đốc. Người chơi sẽ “bắt” các vị thánh và các nhân vật trong Kinh thánh, với mục đích thành lập một “đội truyền bá phúc âm hóa”.

Không chỉ Cơ đốc giáo, nhiều tín ngưỡng khác trên thế giới cũng đang được khuyến khích phát triển khía cạnh kỹ thuật số của họ. “Hồi giáo và các tôn giáo khác nói chung, không nên phản đối công nghệ”, Ahmad Fairiz, người sáng lập và giám đốc điều hành của Recite Lab, một nhóm có trụ sở tại Kuala Lumpur, có ứng dụng giúp người Hồi giáo đọc kinh Koran, cho biết.

Ông tin rằng những tiến bộ kỹ thuật số có thể làm sáng tỏ một số quan niệm sai lầm được quy cho các truyền thống tôn giáo.

Các tôn giáo với số lượng ngày càng giảm và các cộng đồng nhỏ đã chuyển sang các ứng dụng mạng, nỗ lực cứu vãn các truyền thống cổ xưa. Năm 2016, người mẫu kiêm diễn viên Ấn Độ Viraf Patel đã ra mắt Aapro, một ứng dụng kết nối xã hội dành cho những người theo đạo Zoroastrianism, một đức tin độc thần của người Parsi.

Tuy nhiên, những tiến bộ trong công nghệ tôn giáo không phải là không có cạm bẫy. Bởi vì, cũng giống như bất kỳ ứng dụng công nghệ nào khác, ứng dụng công nghệ trong tôn giáo cũng không tránh khỏi những điều tiêu cực như bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin cá nhân. Hồi tháng 10/2019, các lỗi bảo mật đã được phát hiện trong thiết bị eRosary. eRosary là một phương pháp cầu nguyện phổ biến và quan trọng của Giáo hội Công giáo Rôma. Bài kinh này bao gồm một bộ tràng hạt và các câu kinh cầu theo mẫu. Fidus Information Security, một tập đoàn bảo mật của Anh, đã trích xuất dữ liệu khách hàng như địa chỉ email, số điện thoại và số đo cơ thể. 

Ahmad Fairiz, người sáng lập và giám đốc điều hành của Recite Lab, một nhóm có trụ sở tại Kuala Lumpur, có ứng dụng giúp người Hồi giáo đọc kinh Koran, cho rằng bất chấp những thách thức này, các tôn giáo sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ. “Tiến bộ trong công nghệ là điều không thể tránh khỏi. Công nghệ mang lại giải pháp cho sự mất kết nối với tôn giáo trong xã hội ngày nay”, ông nói.

Nhiều hoạt động tôn giáo diễn ra trong môi trường trực tuyến vì dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều người phải ở nhà, trong khi các nhà thờ, giáo đường Do Thái, nhà thờ Hồi giáo, đền thờ phải đóng cửa.

Nhưng đời sống đạo vẫn không dừng lại. Các cộng đồng tôn giáo đã khám phá những cách mới để đáp ứng cuộc sống tôn giáo trên nhiều nền tảng video trực tuyến. Theo phản ánh của trang The Conversation, các lệnh tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa "cầu nguyện" đã tăng vọt trong những tháng phong tỏa hồi năm ngoái, rõ ràng là để phản ứng với sự bùng phát của COVID-19.

Thủ tướng Scott Morrison của Australia cho biết “đầu gối cầu nguyện của ông đã tập luyện rất tốt” khi ông cầu nguyện cho đất nước và cho các cộng đồng tôn giáo đang phải đóng cửa mọi không gian hội họp linh thiêng do đại dịch.

Không chỉ các cộng đồng tôn giáo truyền thống mới tiếp tục hoạt động tôn giáo của mình trên không gian ảo, mà các hoạt động tâm linh và trị liệu, chẳng hạn như yoga, thiền, võ thuật cũng đang phát triển trên môi trường trực tuyến.

Trong năm 2020, một buổi thiền toàn cầu đã được tổ chức thông qua YouTube, để gửi sự chữa lành và yêu thương đến những người đang phải vật lộn chống chọi với đại dịch. 

Nhiều hoạt động tôn giáo cũng đã được diễn ra trên các phương tiện xã hội. Điều đó để thấy rằng tất cả các tôn giáo đều thích nghi theo bối cảnh văn hóa của họ. Trong suốt lịch sử, tôn giáo đã thích nghi với hoàn cảnh thay đổi và công nghệ mới. Những hoạt động phát trực tiếp và hội nghị truyền hình của tôn giáo cũng chính là để thích nghi với hoàn cảnh mới, với những tiến bộ công nghệ.

Trên thực tế, trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có lúc đi trước các nhà lãnh đạo chính trị. Chẳng hạn, trong khi các nhà lãnh đạo ở Vương quốc Anh đang tranh luận về việc có nên áp dụng chiến lược “miễn dịch cộng đồng” cho đất nước hay không, tổng giám mục của Canterbury, Justin Welby, đã đưa ra lời kêu gọi hủy bỏ các buổi lễ trực tiếp tại nhà thờ và thay vào đó chuyển sang phát trực tiếp.

Các nhà thờ lớn ở Úc, chẳng hạn như Hillsong và Gracepoint, cũng đã chuyển sang phát trực tiếp các buổi lễ của họ một cách tương đối dễ dàng.

Nhiều tín ngưỡng khác cũng đang làm như vậy. Hiệp hội Phật giáo Victoria đã phát trực tiếp các buổi nói chuyện vào Chủ nhật của mình trong vài năm nay và gần đây đã chuyển các bài thiền có hướng dẫn trực tuyến.

Tương tự như vậy, Giáo đường Do Thái Đông Melbourne đã biến các lớp học Do Thái vào giờ trưa Thứ Hai vào không gian ảo, trong khi nhiều ngôi đền Hindu, chẳng hạn như Melbourne’s Durga và International Society for Krishna Consciousness, đã chuyển các buổi họp hàng tuần của họ lên mạng.

Có thể tận dụng công cụ kỹ thuật số để kết nối là một may mắn lớn trong cuộc khủng hoảng này. Nhưng thật khó để thay thế sự kết nối giữa con người với nhau khi chúng ta đang ở trong thời điểm dễ bị tổn thương nhất. Công nghệ đang phần nào giúp xây dựng kết nối này. Các kỹ năng số mới và những buổi sự kiện phát trực tuyến sẽ tác động đến cách mọi người tương tác với tôn giáo và tâm linh trong tương lai. Công nghệ thực sự đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, và tôn giáo cũng vậy. Sự kết hợp giữa công nghệ và tôn giáo sẽ mang lại tiến bộ cho mọi người.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhiều hoạt động tôn giáo ứng dụng công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO