Đẩy mạnh phát triển CPS nhằm cải thiện dịch vụ của chính phủ đối với người dân và doanh nghiệp (DN) bằng dữ liệu và công nghệ số. Chính phủ Đài Loan sử dụng dữ liệu làm cơ sở, ứng dụng tốt công nghệ số để tăng cường hiệu quả hoạt động của chính phủ và an ninh quốc gia, đồng thời kết hợp các dịch vụ của chính phủ với nhu cầu của người dân để tối ưu hóa chất lượng của việc ra quyết định quản trị.
Tối ưu hóa các dịch vụ phục vụ người dân
Khi môi trường thay đổi cùng với toàn cầu hóa và sự gia tăng của quyền công dân trên môi trường số, việc tạo ra giá trị công từ CNTT-TT thông qua các dịch vụ đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của một chính phủ sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việc phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) ở Đài Loan đã có những kết quả ấn tượng và được các tổ chức quốc tế khẳng định trong những năm qua. Giờ đây, Đài Loan đang chuyển giao CPĐT sang CPS và hướng tới chính phủ thông minh với các công nghệ mới nổi trong thập kỷ tới.
Nhằm hiện đại hóa các dịch vụ công (DVC) phục vụ người dân, Đài Loan đã đẩy mạnh mở rộng các dịch vụ trên Cổng dịch vụ chính phủ (MyeGov, https://www.gov.tw) với việc tập trung vào nhu cầu của người dùng, mở rộng với các dịch vụ cần thiết trong cuộc sống (sinh nở, giáo dục, việc làm, chăm sóc gia đình…), tích hợp với các ứng dụng, dịch vụ của từng cơ quan chính phủ trực thuộc trung ương và cung cấp giao diện người dùng nhất quán cho người dân để tìm hiểu các dịch vụ cần thiết.
Cổng dịch vụ này cũng kết nối và đề xuất các dịch vụ chuyên đề giữa các cơ quan và tổng hợp các chủ đề quan trọng về thông tin dịch vụ, giúp người dùng có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về các dịch vụ của chính phủ.
Bên cạnh đó, Cổng DVC cũng cung cấp các thông tin dịch vụ chính xác và tin cậy (chẳng hạn như các bước của quy trình đăng ký, danh sách cần thiết chuẩn bị cho việc đăng ký, liên hệ với những người cung cấp dịch vụ và liên kết bản đồ cho các địa điểm nộp đơn,...) để giúp người dân chuẩn bị đầy đủ trước khi đăng ký dịch vụ.
Để thúc đẩy một chính phủ cởi mở, Hội đồng Phát triển Quốc gia Đài Loan (NDC) đã thành lập một nền tảng tham gia chính sách công (https://join.gov.tw) từ năm 2015 như một kênh để công dân có thể tham gia thường xuyên vào các vấn đề công, cho phép công dân thảo luận và đưa ra góp ý về các vấn đề chính sách trong giai đoạn soạn thảo và thực hiện.
Nền tảng trực tuyến này bao gồm 4 phần: "Nói chuyện (Talk)", phần thảo luận về chính sách để người dân hỏi về các chính sách đang được xây dựng; "Giám sát (Supervise)", phần mà công chúng có thể theo dõi các chính sách và chương trình chính của chính phủ đang thực hiện; "Đề xuất (Propose)", phần mời công dân gửi ý tưởng về các chính sách mới; "Liên hệ (Contact)", phần phản hồi để người dân có thể gửi email trực tiếp đến người đứng đầu các cơ quan chính phủ.
Nhằm thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu cá nhân một cách tự chủ, để mọi người có thể tự tải xuống và sử dụng dữ liệu được cá nhân hóa và đồng ý chuyển chúng cho bên thứ ba để có được các dịch vụ kỹ thuật số chính xác, NDC đã thành lập nền tảng "MyData" (https://mydata.nat.gov.tw). Khi mọi người truy cập vào nền tảng này, sau khi xác minh danh tính và được sự đồng ý của cá nhân, họ có thể tải xuống dữ liệu cá nhân của mình từ các cơ quan chính phủ có liên quan.
Nền tảng MyData.
Để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, nền tảng này không lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng. Người dùng chỉ đồng ý một lần để tải xuống, nhưng không đồng ý vĩnh viễn để truy cập dữ liệu. Họ cũng có thể truy vấn lịch sử sử dụng dữ liệu cá nhân trên nền tảng để biết luồng dữ liệu cá nhân của họ.
Trong khi đó, để nâng cao khả năng bảo vệ an ninh dữ liệu, dữ liệu cá nhân truyền giữa nền tảng này và các cơ quan, tổ chức khác được mã hóa trong quá trình truyền và tạo tệp dữ liệu. Nền tảng này cũng đáp ứng ISO27001 và ISO27701 để đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thông tin quốc tế.
Đặc biệt, quan tâm đến các nhóm yếu thế, bình đẳng về cơ hội số từ lâu đã trở thành trọng tâm trong việc thúc đẩy xây dựng nền tảng thông tin và truyền thông và cung cấp các dịch vụ của chính phủ. Kể từ năm 2004, Đài Loan đã thúc đẩy một loạt các chương trình chính sách trong nước như "Thu hẹp khoảng cách số", "Tạo cơ hội bình đẳng về kỹ thuật số", "Mở rộng ứng dụng số đến các vùng sâu vùng xa",... Các chương trình này được thiết kế để sử dụng các nguồn lực của khu vực công và tư nhân nhằm cung cấp cơ hội công bằng về kỹ thuật số cho tất cả mọi người, không phân biệt khu vực, nhóm hoặc ngành, qua đó tối ưu hóa lợi ích của việc sống trong xã hội số.
Bên cạnh đó, NDC cũng thực hiện khảo sát về cơ hội tiếp cận số hàng năm cho các cá nhân và hộ gia đình để xác định sự phát triển kỹ thuật số trong nước. Cuộc khảo sát này tập trung vào các cơ hội tiếp cận số, thu thập dữ liệu về khả năng tiếp cận thông tin hiện tại, và ứng dụng của các cá nhân, hộ gia đình trong môi trường làm việc, học tập và sinh sống.
Thông qua trao quyền, hòa nhập và loại bỏ các trở ngại, chính phủ có thể hiểu rõ hơn về các cơ hội và nguy cơ trong việc tiếp cận và ứng dụng số trong xã hội thông tin, từ đó tạo cơ sở để chính phủ có thể quan tâm tốt hơn đến các nhóm yếu thế.
Hướng tới chính phủ thông minh
Để hiện thực hóa mục tiêu đặt người dân là cốt lõi của các dịch vụ "chính phủ thông minh", chủ động phát hiện và giải quyết các vấn đề của người dân, đồng thời tạo ra giá trị công cộng thông qua tầm nhìn dựa trên "sự thuận tiện, hiệu quả và 24 giờ/ngày", NDC đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Quản trị điện tử nhằm tìm cách phát triển một cách có hệ thống các chỉ số đánh giá và cơ sở dữ liệu về lập kế hoạch liên quan đến CPĐT/CPS, cũng như đẩy mạnh một loạt các hợp tác quản trị điện tử, hợp tác quốc tế. Cách tiếp cận này nhằm thúc đẩy tính năng động của nền hành chính và định hình lại các quy trình phục vụ của CPS, từ đó nâng cao lòng tin và sự hài lòng của người dân.
Dự án Quản trị Điện tử của Đài Loan. (Ảnh: ndc.gov.tw)
NDC cũng đã xây dựng "Chương trình CPS 2.0 của Đài Loan (2020-2025)" để đẩy nhanh quá trình CĐS của chính phủ và thể hiện quyết tâm trong việc thúc đẩy quản trị kỹ thuật số trong tương lai.
NDC đề ra các kế hoạch để phối hợp thực hiện các bộ, ngành nhằm tăng cường chuyển đổi các quy trình dịch vụ đa miền theo nhu cầu của người dân, đồng thời sử dụng nền tảng truyền dữ liệu an toàn và tin cậy để chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan. Theo đó, chính phủ Đài Loan sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Tăng cường cơ sở hạ tầng số xung quanh tất cả các cơ quan chính phủ: Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ Internet cũng như việc phổ biến và ứng dụng mạng 5G, chính phủ Đài Loan sẽ tiếp tục cung cấp nguồn lực để tăng cường cơ sở hạ tầng số và hỗ trợ các hoạt động dịch vụ sáng tạo của chính phủ.
Tăng cường ứng dụng dữ liệu: NDC sẽ tích cực thúc đẩy các biện pháp quản lý dữ liệu của các cơ quan công quyền, ưu tiên tăng cường các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn giao diện dữ liệu,... và chú trọng phát hành dữ liệu có giá trị cao, chẳng hạn như thông tin bản đồ, giao thông vận tải và các tập dữ liệu khác. Thiết lập cơ chế quản lý để người dân sử dụng, đồng thời nêu rõ quy định về các quyền và nghĩa vụ của việc sử dụng dữ liệu.
Thực hiện các quyết định quản trị dựa trên bằng chứng: CĐS của chính phủ được thể hiện trong quá trình ra quyết định chính sách sử dụng dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản trị của chính phủ. Trong tương lai, các ứng dụng của phân tích dữ liệu lớn trong các vấn đề quản trị sẽ được thực hiện để nhanh chóng ứng phó với các thách thức bên ngoài.
Xây dựng quản trị công dựa trên dữ liệu: Thông qua phân tích dữ liệu để xem nhu cầu của người dân, đồng thời tích hợp các nguồn lực của chính phủ để hỗ trợ người dân giải quyết các vấn đề của cuộc sống, chủ động đề xuất các biện pháp cho người dân. Trong tương lai, các ứng dụng số sẽ sử dụng dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi dịch vụ, biến dữ liệu trở thành cốt lõi của dịch vụ.
Việc sử dụng các công nghệ mới nổi để tối ưu hóa quy trình phục vụ của chính phủ, đổi mới phong cách phục vụ và đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân đã trở thành hướng đi tất yếu trong kỷ nguyên số và Đài Loan đang nỗ lực tận dụng sức mạnh công nghệ nhằm hướng tới một chính phủ thông minh lấy người dân làm trung tâm phục vụ./.