Hội thảo "Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phối hợp tổ chức chiều 9/12, tại Thành phố Đà Nẵng.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch biển, đảo là một trong những loại hình sản phẩm chủ đạo được định hướng chú trọng phát triển. Với chiều dài đường bờ biển hơn 3.000 km cùng hàng trăm bãi biển và nhiều đảo đẹp còn nguyên sơ ở 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam có thể phát triển trở thành một trong những điểm đến du lịch biển, đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 22/12/2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045".
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, cho biết, thời gian vừa qua, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010-2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho biết: "Tôi thấy là dư địa cho phát triển du lịch biển rất lớn mà chưa được khai thác, phát huy. Phát triển các sản phẩm thì vẫn còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo nên khách du lịch tới khu vực ven biển thì thời gian lưu trú vẫn còn thấp. Rõ ràng sản phẩm chưa đáp ứng, cách thức tổ chức phục vụ làm cho khách du lịch không có điều kiện để tiêu tiền, để ở lại".
Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo cho rằng, du lịch biển, đảo ở Việt Nam chưa thực sự được phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước. Với đường bờ biển dài, đến nay, Việt Nam chưa có đội tàu du lịch biển nào, cơ sở hạ tầng như các cảng tàu du lịch còn rất thiếu thốn. Do vậy, phát triển du lịch biển đảo nói chung và phát triển du lịch tàu biển nói riêng ở Việt Nam trở thành một nhu cầu cấp bách.
Để phát triển du lịch biển đảo Việt Nam, cần sớm xây dựng và triển khai các chính sách du lịch biển, đảo ở Việt Nam, qua đó, các địa phương sẽ khai thác và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch biển đảo phù hợp. Tăng tính liên kết và phát huy thế mạnh của du lịch Việt Nam, khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo của Việt Nam trong thời gian tới./.