Đào tạo ngành TMĐT tại Việt Nam: những con số ấn tượng

Ngọc Diệp| 24/08/2022 13:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Báo cáo "Đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2022 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố đã đưa ra một cái nhìn tổng thể về tình hình đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT tại các cơ sở đào tạo, các trường đại học (ĐH) tại Việt Nam. Theo đó, đến tháng 5/2022 đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và gần 60 trường đào tạo học phần TMĐT.

Sáng ngày 24/8/2022, VECOM đã phối hợp cùng Trường ĐH Thương mại tổ chức họp báo công bố báo cáo “Đào tạo TMĐT tại các trường ĐH 2022". Báo cáo được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát trên 130 cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước, phản ánh khách quan hiện trạng đào tạo TMĐT, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực đang phát triển nhanh này.

TMĐT "khát" nhân lực chất lượng cao

Từ năm 2015, VECOM đã dự đoán giai đoạn 10 năm 2016 - 2025 TMĐT nước ta sẽ bước vào giai đoạn phát triển nhanh và ổn định. Trên thực tế nửa đầu của giai đoạn đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của lĩnh vực này. Trong hai năm 2020 - 2021 nước ta trải qua đại dịch COVID-19 với những tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong 4 năm tới (2022 - 2025) nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai của TMĐT.

Việt Nam hiện đang trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia. Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2021 của VECOM, trong nhiều năm liền, nguồn nhân lực cho TMĐT, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT trong nước. Kết quả khảo sát của VECOM cũng cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, xu hướng doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng tăng. Theo dự đoán của VECOM, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực TMĐT chất lượng cao sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn nữa trong giai đoạn 2021 - 2025.

Với tốc độ phát triển nhanh của ngành TMĐT, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này là những vấn đề lớn cần được quan tâm trong giai đoạn tới. Trong đó, kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường ĐH.

Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra hai mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT. Mục tiêu thứ hai là 1 triệu lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.

Đào tạo ngành TMĐT: thực trạng và thách thức

Năm 2022, VECOM đã tiến hành khảo sát tình hình đào tạo TMĐT tại 132 trường ĐH và xây dựng báo cáo "Đào tạo TMĐT tại các trường ĐH 2022". Kết quả cho thấy có những bước tiến rất lớn của lĩnh vực này trong những năm gần đây.

Trước hết, số trường đào tạo ngành TMĐT trình độ ĐH (mã ngành 7340122) liên tục tăng nhanh và tới nay đã lên tới 36 trường, trong đó, 14 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 17 trường ở miền Nam.

Thứ hai, gần 40 trường ĐH đã đào tạo chuyên ngành TMĐT. Tương tự như ngành TMĐT, các trường đào tạo chuyên ngành này phân bố chủ yếu ở khu vực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thứ ba, có tới 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, CNTT, tiếp thị số, tài chính - ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh thương mại hay du lịch.

Thứ tư, phần lớn các trường được khảo sát đã giảng dạy các học phần liên quan trực tiếp tới TMĐT như tiếp thị số (digital marketing), công nghệ tài chính (fintech), logistics và quản lý chuỗi cung ứng, v.v..

Thứ năm, chương trình đào tạo TMĐT càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên CNTT và truyền thông (ICT). Điều này dẫn tới càng ngày càng nhiều trường giao cho các khoa kinh tế - thương mại giảng dạy ngành này.

Thứ sáu, đội ngũ giảng viên TMĐT đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước.

Nhiều bước tiến lớn khác được thể hiện rõ ràng qua cuộc khảo sát liên quan tới chương trình đào tạo, học liệu, nghiên cứu khoa học, thực tập - kiến tập và hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo TMĐT, v.v… Phần lớn sinh viên ngành TMĐT đã có việc làm từ năm thứ tư hoặc vài tháng sau khi tốt nghiệp với thu nhập khá.

Tuy đạt được những bước tiến lớn như trên nhưng hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường ĐH còn gặp nhiều thách thức cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa.

Đội ngũ giảng viên TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Trong khi số trường ĐH mở ngành TMĐT hay chuyên ngành TMĐT tăng nhanh, số lượng giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu. Trong khi đó số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ không thể tăng nhanh. Ngoài ra, giảng viên TMĐT phải liên tục cập nhật sự thay đổi mau lẹ của ICT cũng như các mô hình, giải pháp kinh doanh trực tuyến mới. TMĐT không còn là một lĩnh vực độc lập mà đã hòa quyện vào kinh doanh số, kinh tế số và chuyển đổi số.

Đào tạo ngành TMĐT tại Việt Nam: những con số ấn tượng  - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, học liệu phục vụ đào tạo TMĐT chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập. Với lĩnh vực thay đổi nhanh và liên tục như TMĐT, bên cạnh các giáo trình và tài liệu tham khảo dạng in cần có các phiên bản điện tử để có thể cập nhật kịp thời sự tiến bộ về công nghệ cũng như thực tiễn kinh doanh. Hơn nữa, cơ sở vật chất và phần mềm phục vụ giảng dạy và học tập của phần lớn các trường có chất lượng chưa cao.

Việc hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường ĐH, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với DN.

Mặt khác, các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bao gồm hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp hay các câu lạc bộ sinh viên chưa thường xuyên và hấp dẫn. Tới nay một số trường đã tổ chức khá đều đặn các cuộc thi về TMĐT nhưng trên phạm vi toàn quốc cần có một cuộc thi chung. Rõ ràng, cuộc thi TMĐT toàn quốc sẽ mang lại nhiều giá trị không chỉ cho sinh viên mà cho tất cả các bên liên quan, từ trường ĐH tới các DN đang khát khao tuyển dụng nhân sự được đào tạo chính quy và am hiểu thực tiễn kinh doanh.

Đồng thời cần có dự báo khách quan về nhu cầu học TMĐT với chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm tới, đảm bảo số lượng chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội.

Cũng theo báo cáo, hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến, tuyên truyền về học TMĐT chưa mạnh mẽ. Một mặt, đây là nhiệm vụ của mỗi trường, nhưng mặt khác đây cũng là nhiệm vụ chung của tất cả các trường, các cơ quan, tổ chức và DN liên quan tới lĩnh vực này.

Cuối cùng, số lượng các trường ĐH đào tạo ngành TMĐT tăng nhanh chưa tương xứng với chất lượng của chương trình đào tạo. Tỷ lệ các trường có chương trình đào tạo chính quy trình độ ĐH ngành TMĐT đã được kiểm định chất lượng và đạt yêu cầu còn rất thấp.

Một số đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng đào tạo TMĐT

Căn cứ vào kết quả khảo sát, kiến nghị của các trường, tình hình hiện tại và xu hướng phát triển TMĐT giai đoạn tới năm 2025 và trung hạn tới năm 2030, VECOM đề xuất cần triển khai ngay 10 hoạt động sau.

Thứ nhất, khảo sát định kỳ tình hình đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai, xây dựng Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT.

Thứ ba, bồi dưỡng giảng viên TMĐT. Thứ tư, tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo TMĐT. Thứ năm, đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần TMĐT. Thứ sáu, tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên TMĐT.

Thứ bảy, tổ chức cuộc thi toàn quốc về TMĐT. Thứ tám, nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu TMĐT. Thứ chín, đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành TMĐT. Thứ mười, chú trọng hơn đến kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành TMĐT.

Một số đề xuất này đã được các trường ủng hộ mạnh mẽ. Chẳng hạn, tới tháng 8/2022 đã có 28 trường đào tạo ngành TMĐT đã cùng VECOM thành lập Mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo TMĐT. Các thành viên sáng lập Mạng lưới đang tích cực tổ chức hội thảo khoa học lần đầu tiên chuyên sâu về đào tạo TMĐT trong thời gian tới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo ngành TMĐT tại Việt Nam: những con số ấn tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO