Đẩy mạnh CĐS, Bình Phước tăng tốc hướng tới xây dựng chính quyền số

AD| 21/11/2022 06:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, Bình Phước đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trên cả 3 trụ cột: chính quyền số (CQS), kinh tế số, xã hội số và đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo Chỉ số đánh giá CĐS (DTI) năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ TT&TT công bố, tỉnh Bình Phước xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 25/63).

Điểm số DTI năm 2021 của Bình Phước ấn tượng nhất là Chỉ số hoạt động CQS, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, kế đến là hạ tầng số 8/63, thể chế số 10/63, hoạt động xã hội số 11/63, nhân lực số 13/63. Về xếp hạng 3 trụ cột, CQS của Bình Phước xếp thứ 8/63, kinh tế số xếp 14/63, xã hội số xếp 15/63.

Đây là kết quả bứt phá ấn tượng, cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp (DN) trên toàn tỉnh.

Là địa phương gần như không có nền tảng ban đầu để triển khai CĐS, tỉnh Bình Phước xác định mục tiêu "đi trước, đón đầu" bằng việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng CQS, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới CĐS toàn diện.

Kết quả đạt được cũng đã minh chứng rõ nét về chủ trương đúng đắn và quyết tâm cao của Bình Phước trong công cuộc CĐS. Đồng thời, chứng minh quan điểm, mục tiêu mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về CĐS đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước là hết sức nhạy bén, biện chứng, cụ thể, bám sát thực tiễn.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chiến dịch cụ thể; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện; ưu tiên bố trí, phân bổ đủ nguồn lực để triển khai, xây dựng các nền tảng số dùng chung của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ TT&TT; ký kết hợp tác với các tập đoàn, DN cung cấp nền tảng số, giải pháp số, công nghệ số. Đặc biệt, trong đó có sự hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel nhằm đẩy mạnh công cuộc CĐS toàn diện.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Viettel và tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn 2016 - 2022, Viettel đã cùng tỉnh Bình Phước triển khai thành công nghiên cứu ứng dụng CNTT, quản lý hành chính, triển khai trung tâm điều hành IOC, hệ thống hành chính công cũng như camera giám sát giao thông, an ninh. Việc cung cấp các hạ tầng, hệ thống CNTT phục vụ hành chính công đã giúp tỉnh Bình Phước trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu đất nước về dịch vụ hành chính công.

Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng tốc xây dựng chính quyền số - Ảnh 1.

UBND tỉnh Bình Phước và Viettel ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Viettel cam kết đồng hành cùng tỉnh Bình Phước thực hiện khát vọng số 

Từ những kết quả đạt được đó, mới đây UBND tỉnh Bình Phước và Viettel đã thống nhất tiếp tục hợp tác giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các nhiệm vụ trọng yếu, gồm: Hợp tác phát triển hạ tầng, nền tảng số; tư vấn, hợp tác phát triển CQS; tư vấn, hợp tác phát triển xã hội số; tư vấn, hợp tác phát triển kinh tế số; tư vấn, hợp tác đảm bảo an toàn thông tin.

Theo đó, Bình Phước và Viettel phối hợp xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông đáp ứng yêu cầu CĐS toàn diện của tỉnh Bình Phước, đồng bộ hiện đại, công nghệ mới nhất, mở rộng vùng phủ băng thông rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, CNTT; Phát triển mạng 5G tại các địa bàn trọng yếu, ưu tiên phủ sóng tại các khu vực, địa điểm trung tâm, các khu, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Viettel ưu tiên triển khai hạ tầng đám mây (cloud) đối với các hệ thống thông tin quan trọng. Đồng thời, hỗ trợ, phối hợp với tỉnh Bình Phước trong tiến trình xây dựng để trở thành mô hình điểm trong toàn quốc về CĐS, duy trì giữ vững thứ hạng DTI của tỉnh, trong đó ưu tiên đẩy mạnh việc CĐS lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, tài nguyên môi trường và các dịch vụ đô thị thông minh...

Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác giai đoạn 2022 - 2025, Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng bày tỏ mong muốn Viettel là đối tác chiến lược quan trọng và đáng tin cậy của tỉnh Bình Phước, bởi Viettel có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính và con người. Riêng đối với lĩnh vực CĐS, với sứ mệnh là đơn vị tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của quốc gia, đồng thời sở hữu hệ sinh thái CĐS toàn diện, Viettel sẵn sàng dành mọi nguồn lực tốt nhất để hiện thực hóa sớm nhất, hiệu quả nhất các yêu cầu về CĐS của tỉnh Bình Phước./.

Bài liên quan
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh CĐS, Bình Phước tăng tốc hướng tới xây dựng chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO