Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Ánh Dương| 22/03/2021 09:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Cách mạng số đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, và lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) cũng không đứng ngoài vòng xoáy thay đổi đó.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý về lĩnh vực ATTP đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc quản lý các sản phẩm thực phẩm xuất, nhập khẩu, ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm... nhằm góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Hệ thống đăng ký Dịch vụ công ATTP quốc gia.

Ngay từ năm 2014, Bộ Y tế đã là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực ATTP một cách hoàn chỉnh, số hóa tất cả các khâu công việc, từ nộp, bổ sung, xử lý hồ sơ, chuyển kinh phí, trả kết quả đều thực hiện trên môi trường số, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số về lĩnh vực ATTP là một trong những hoạt động ưu tiên của Cục ATTP trong thời gian qua.

Theo đó, lĩnh vực ATTP cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 100% cán bộ công chức Cục ATTP đã thực hiện xử lý văn bản điều hành công việc trên hệ thống phần mềm dùng chung của Bộ Y tế; Công văn đi đến của các tổ chức, cá nhân được Cục ATTP số hóa đưa lên hệ thống quản lý văn bản điện tử; Văn bản đi được Lãnh đạo Cục ATTP ký số trên hệ thống quản lý văn bản gửi tới các tổ chức cá nhân.

Cục ATTP đã triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 27 thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP, các bước thực hiện được triển khai hoàn toàn qua mạng từ bước nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí, thẩm định hồ sơ, trả kết quả.

Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng đã tiến hành số hóa các tiêu chuẩn phụ gia thực phẩm để người dân và doanh nghiệp tra cứu các chất phụ gia được phép dùng trong thực phẩm và hàm lượng sử dụng.

Dữ liệu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (GMP), Giấy tiếp nhận công bố sản phẩm thực phẩm, quảng cáo thực phẩm đều được công khai để người dân, doanh nghiệp, các các cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu các sản phẩm đã được Cục ATTP thẩm định.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực ATTP, Cục ATTP cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới như: Đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp 100% lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung bảo mật); Triển khai hệ thống thông tin ATTP quốc gia.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. (Ảnh: plo.vn)

Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ngộ độc thực phẩm; hệ thống xếp hạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm an toàn và cảnh báo về ATTP; Ứng dụng CNTT trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cấp đăng ký sản phẩm thực phẩm (nhận dạng, so sánh các sản phẩm cùng tên, cùng thành phần..., tra cứu các chỉ tiêu được phép, không được phép sử dụng trong thực phẩm, công dụng của sản phẩm đã được đăng trên các sách, tạp chí uy tín...); Ứng dụng CNTT trong việc phát hiện các sản phẩm quảng cáo trên các phương tiện truyền thông (Facebook, Zalo, Internet...) có nội dung không đúng so với nội dung được Cục ATTP cấp phép.

Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu chỉ định các phòng kiểm nghiệm đạt chứng nhận ISO: 17025 và các chỉ tiêu được chỉ định.

Hình thành nền tảng dữ liệu lĩnh vực ATTP cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở y tế dựa trên kết nối Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan Nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền hoạt động bảo đảm ATTP trên trang web Cục ATTP, Facebook, Zalo... về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực ATTP. Đồng thời, thiết lập hệ thống tiếp nhận, phản ánh, giải đáp về công tác ATTP từ Trung ương tới địa phương; Triển khai đào tạo trực tuyến công tác bảo đảm ATTP.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO