Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số để đối thoại tại nơi làm việc giúp DN phát triển bền vững

Hoàng Linh| 23/02/2022 20:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Đối thoại tại nơi làm việc là công cụ góp phần đảm bảo chất lượng, hiệu quả và năng suất lao động, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra.

Với mục tiêu đẩy mạnh đối thoại tại nơi làm việc góp phần tạo ra điều kiện làm việc tốt hơn và tăng năng suất, ngày 23/2, Đại sứ quán Thụy Điển, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP) phối hợp tổ chức hội thảo "Đối thoại tại nơi làm việc đóng góp như thế nào tới kinh doanh bền vững trong và sau đại dịch".

Tích cực sử dụng nền tảng số để đối thoại

Chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Thị Nam Phương, Giám đốc quan hệ lao động và phát triển bền vững, Công ty Crystal Martin Vietnam (CMVN), nhà cung ứng cho H&M cho biết nơi làm việc là nơi để chúng ta trao đổi, cởi mở với nhau và CMVN tích cực đẩy mạnh đối thoại tại nơi làm việc. CMVN tổ chức đối thoại với người lao động (NLĐ) hàng tháng, có đại diện của công đoàn.

Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số để đối thoại tại nơi làm việc giúp DN phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Nam Phương: CMVN đẩy mạnh sử dụng các kênh, nền tảng số như Facebook, Zalo, Whatapps, Viber, ứng dụng CMVN để đối thoại tại nơi làm việc

CMVN đẩy mạnh sử dụng các kênh, nền tảng số như Facebook, Zalo, Whatapps, Viber, ứng dụng (app) của công ty để đối thoại. Kênh Facebook của CMVN có 8000 thành viên, là nền tảng tốt để truyền đạt thông điệp của công ty. Công ty cũng tối ưu kênh Zalo - kênh giao tiếp số phổ biến ở Việt Nam. Ngoài ra, CMVN cũng sử dụng đường dây nóng (hotline), tổ chức phỏng vấn trực tiếp với NLĐ để lắng nghe các ý kiến nhằm giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh. Việc này đã tạo đạt được sự tín nhiệm hơn của NLĐ đối với công ty.

Công ty nhận thức rõ sự minh bạch qua trao đối thoại chính là cốt lõi hoạt động khi công ty công bố kết quả cuộc đối thoại thông qua các kênh online, các nền tảng số, bảng tin.

Công đoàn của CMVN có sự tham gia của 79% người lao động, là tổ chức rất mạnh, độc lập và có tính hợp tác cao. Ngoài môi trường phúc lợi tốt của công ty cho nhân viên, CMVN thúc đẩy sự tự do trong trao đổi, theo đó, có những nhân viên gắn bó làm việc hơn 5 năm.

Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số để đối thoại tại nơi làm việc giúp DN phát triển bền vững - Ảnh 2.

Ứng dụng của CMVN giúp tăng hiệu quả của giao tiếp tại nơi làm việc

Theo bà Phương, CMVN cũng có khó khăn như yêu cầu kỹ thuật cao, chặt chẽ trong tuyển dụng. Ở Bắc Giang, thị trường lao động rất cạnh tranh vì có rất nhiều nhà tuyển dụng lớn như Samsung. CMVN có khoảng 10.000 lao động nên đã triển khai một app và hiện có 90% NLĐ sử dụng, truy cập thường xuyên đáp ứng đáp ứng các trao đổi thông tin giữa công ty và NLĐ.

"Ứng dụng này rất hữu ích, giúp quản trị công ty hiệu quả, đặc biệt việc trao đổi, truyền thông nội bộ là vấn đề quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khi NLĐ phải làm việc từ xa, ở nhà trọ. Ứng dụng sẽ giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề, vượt qua những khó khăn. Trên ứng dụng cũng có mục học trực tuyến (elearning) dành cho NLĐ", bà Phương cho hay.

Trong tuần đầu giãn cách tại Bắc Giang từ 19 – 26/5/2021, CMVN còn chạy một chiến dịch trên Facebook/ứng dụng/Zalo và nhận được sự ủng hộ 25.000 USD. CMVN đã sử dụng số tiền này để mua được 24.000 túi thực phẩm hỗ trợ cho NLĐ ở trong các khu nhà trọ gần nhà máy.

Đối thoại tại nơi làm việc: yếu tố then chốt cho một nền kinh tế thị trường vận hành tốt

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Thị Hà cho biết hai năm qua dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và tác động tiêu cực tới đời sống, kinh tế - xã hội trên quy mô toàn thế giới. Đại dịch cũng gây tắc nghẽn các chuỗi giá trị toàn cầu, làm giá nguyên liệu sản xuất tăng đáng kể và thách thức không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các quốc gia.

Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số để đối thoại tại nơi làm việc giúp DN phát triển bền vững - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: đối thoại tại nơi làm việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thiết thực trong thực hiện việc triển khai các chính sách kinh tế - xã hội

Số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng lên trong khi số DN thành lập mới giảm, dẫn đến số lượng lao động có quan hệ lao động giảm, tình trạng việc làm bị ảnh hưởng như giãn, nghỉ, mất việc, giảm và mất thu nhập và diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Việc sắp xếp lại lao động, ngưng việc, giãn việc thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động, cho lao động thôi lao động với số lượng lớn, trong đó nhiều trường hợp chưa đảm bảo được quy trình, quy định lao động của pháp luật lao động.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Thị Hà nhấn mạnh đối thoại tại nơi làm việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thiết thực trong thực hiện việc triển khai các chính sách kinh tế - xã hội, hoạch định chính sách, đặc biệt chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động khắc phục khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe nhấn mạnh: "Đại dịch cũng cho thấy sự cần thiết phải cân nhắc về cách thức kinh doanh để chúng ta triển khai làm việc đó theo cách bền vững hơn. Theo quan điểm của chúng tôi, đối thoại tại nơi làm việc là yếu tố then chốt cho một nền kinh tế thị trường vận hành tốt, thúc đẩy một xã hội gắn kết hơn, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kinh doanh bền vững. NLĐ có thêm ảnh hưởng và đạt được điều kiện làm việc tốt hơn; các công ty hưởng lợi nhờ việc tăng năng suất; và cả xã hội hưởng lợi từ sự ổn định chung xã hội''.

Đối thoại tại nơi làm việc hiện đang là chủ đề nóng. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam. EVFTA bao gồm một chương lấy tính bền vững làm cốt lõi tổng hòa cả nghĩa vụ về môi trường cũng như các khía cạnh liên quan đến yêu cầu đối với NLĐ. 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết đối thoại tại nơi làm việc chính là chìa khóa để cân bằng lợi ích giữa NLĐ và chủ DN trong các mối quan hệ lao động, đồng thời tôn trọng các chuẩn mực của văn hóa, ứng xử chung tại nơi làm việc. ''Đối thoại tại nơi làm việc là công cụ góp phần đảm bảo chất lượng hiệu quả và năng suất lao động. Đối thoại giữa người sử dụng lao động và NLĐ sẽ giúp tháo gỡ, giải quyết các vấn đề hoặc các tranh chấp và sẽ giúp thu hút các khoản đầu tư mới cũng như đảm bảo việc làm ổn định".

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, đối thoại tại nơi làm việc đã được đưa vào trong Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021. Đây là công cụ tốt để chia sẻ thông tin của NLĐ và tổ chức, tạo nên môi trường minh bạch, công khai xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, nhất là trong bối cảnh đại dịch do NLĐ được chia sẻ thông tin, tăng năng suất lao động, giúp DN tăng uy tín, phát triển.

Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số để đối thoại tại nơi làm việc giúp DN phát triển bền vững - Ảnh 4.

Các đại biểu dự trực tuyến

Hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quyền lao động đã và vẫn là một khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác 52 năm qua giữa Thụy Điển và Việt Nam. Ngày nay, sự hỗ trợ được thực hiện thông qua các tổ chức đa phương như UNDP và ILO để đóng góp hơn nữa vào sự bền vững và phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, gần nhất là sự khởi động của Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP) tại Việt Nam trong năm 2020. SWP được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Hội đồng Công nghiệp Thụy Điển (NIR) và Công đoàn Kim khí Thụy Điển (IF Metall). Chương trình được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida).

Bà Alessandra Cornale, Giám đốc toàn cầu Chương trình của SWP tin rằng sự hợp tác mạnh mẽ tại nơi làm việc giúp thu được các giải pháp kinh doanh sáng tạo và bền vững. ''Đối thoại tại nơi làm việc giúp xây dựng các mối quan hệ bền chặt giữa quản lý và nhân viên. Mối quan hệ tốt hơn dẫn đến việc các nhân viên gắn bó và làm việc hiệu quả hơn và việc kinh doanh cũng bền vững hơn. Đối thoại tại nơi làm việc cũng là một công cụ để các công ty xác định và giảm thiểu rủi ro cũng như thiết lập một phương pháp cụ thể để xử lý các thách thức nảy sinh tại nơi làm việc''.

Ông Giafar Safaverdi, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ IKEA Việt Nam cho biết đối thoại tại nơi làm việc đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy điều kiện lao động tốt và kinh doanh hiệu quả. "Chúng tôi tin rằng đó vừa là điều đúng đắn cần làm, vừa là điều sẽ mang lại thêm sức mạnh cho DN. Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra một cuộc sống ngày càng tốt hơn cho nhiều người dân".

Cũng là một công ty Thụy Điển, ông Christer Horn af Åminne, Giám đốc chi nhánh Văn phòng H&M Campuchia và Việt Nam chia sẻ các mối quan hệ lao động là nền tảng tự nhiên của việc tạo ra tương tác và tác động tích cực cho NLĐ.

Kinh nghiệm của Thụy Điển cho chúng ta thấy việc áp dụng mô hình đối thoại tại nơi làm việc và cải thiện điều kiện làm việc sẽ giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng lao động. Không ai có thể tránh khỏi đại dịch nhưng với các công cụ phù hợp thì tỷ lệ thất nghiệp và mất thu nhập có thể được giảm thiểu, đồng thời có thể duy trì các điều kiện làm việc tốt và an toàn tại nơi làm việc.

Đối thoại tại nơi làm việc là trọng tâm để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), cụ thể là SDG 8 - đảm bảo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt, thỏa đáng cho tất cả và SDG 5 - Bình đẳng giới./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số góp phần phát triển bền vững cuộc sống người dân miền núi
    Có thể nói mục tiêu tổng quát của Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến nhiều vấn đề, nội dung quan trọng, tất cả vì sự tiến bộ, phát triển, tăng trưởng bền vững cuộc sống cho mọi đối tượng đồng bào, người dân.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số để đối thoại tại nơi làm việc giúp DN phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO