Chuyển đổi số

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh

Nhật Minh 08:47 08/01/2024

Thời gian qua, ngành Xây dựng đã có những nỗ lực, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) và chính điều này đã giúp Ngành thúc đẩy phát triển các đô thị thông minh, thành phố thông minh (TPTM/ĐTTM) tại Việt Nam có chiều sâu, thực chất.

Để hiểu rõ hơn về những nội dung quan trọng này, người đứng đầu ngành Xây dựng, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chia sẻ những quan điểm bao quát cho những nội dung nêu trên.

Đẩy mạnh việc triển khai, xây dựng hệ thống thông tin địa lý GPS

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, ngành Xây dựng luôn ý thức, nỗ lực tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS, góp phần thúc đẩy chính phủ điện tử, tạo môi trường xã hội số, kinh tế số bền vững.

bt-nguyen-thanh-nghi.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: ngành Xây dựng luôn ý thức, nỗ lực tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS.

Lĩnh vực CĐS ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả cụ thể bao gồm: Hoàn thành khung quản lý dữ liệu số, dữ liệu thông tin ngành Xây dựng; triển khai kho dữ liệu, thông tin dùng chung; nâng cấp hệ thống thông tin (HTTT) về nhà ở, thị trường bất động sản; xây dựng và quản lý hệ thống quản lý thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

“Đặc biệt thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện, triển khai Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành hướng dẫn, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) trên nền GPS để phục vụ cho việc phát triển ĐTTM và Trung tâm tham chiếu ĐTTM”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đến nay, có 05 thành phố và 38 Sở Xây dựng địa phương trên toàn quốc đã triển khai, xây dựng HTTT địa lý GPS để quản lý, lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, phát triển ĐTTM.

Hơn nữa, Bộ Xây dựng cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình và Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.

Cụ thể hơn về các lợi ích khi áp dụng công nghệ BIM, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mô hình thông tin công trình BIM là việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hoá các thông tin công trình thông qua mô hình không gian 3D nhằm hỗ trợ việc thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình.

Đặc biệt, mô hình thông tin công trình BIM đóng vai trò quan trọng, có tính cốt lõi trong việc thiết lập quy trình làm việc, phối hợp sản xuất sản phẩm công trình xây dựng một cách hiệu quả thông qua CSDL số sản phẩm công trình xây dựng, trong đó, có quá trình thi công xây dựng, áp dụng quản lý để nâng cao chất lượng của dự án, thiết kế thi công xây dựng, giúp điều chỉnh thiết kế dự án, tiết kiệm đáng kể các chi phí vật tư, vật liệu, nhân công xây dựng.

Và khi áp dụng BIM đã giúp giảm chi phí (12%) đối với các cấu phần xây dựng; rút ngắn thời gian thi công xây dựng từ 12% - 15% so với tiến độ xây dựng. Chính vì thế, mô hình thông tin công trình BIM có tính chất đột phá trong công tác CĐS của ngành Xây dựng trong những năm tới, và việc áp dụng thành công các mô hình thông tin công trình, dự án công trình xây dựng tại Việt Nam đúng với lộ trình, yêu cầu của các văn bản được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Khi áp dụng BIM chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế số, xã hội số của ngành Xây dựng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghi nhấn mạnh.

xd-3-170445.png
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã hoàn thành khung quản lý về dữ liệu số, dữ liệu thông tin ngành Xây dựng (Ảnh minh hoạ)

Cần sự phối hợp để thúc đẩy, xây dựng trung tâm dữ liệu lớn ngành Xây dựng

Khi nói về những yếu tố tạo nên giá trị, kết quả tích cực nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, trong thời gian qua, Bộ TT&TT luôn hộ trợ Bộ Xây dựng thực hiện hiệu quả việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các HTTT của Bộ với các HTTT, CSDL quốc gia và các bộ ngành, địa phương dựa trên nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung.

Đặc biệt, Bộ TT&TT đã phối hợp tích cực, mạnh mẽ cùng Bộ Xây dựng trong việc triển khai các nhiệm vụ của đề án xây dựng, vận hành ĐTTM/TPTM, và đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm xây dựng, vận hành các ĐTTM/TPTM như kỳ vọng, mong muốn.

Cùng với đó, Bộ TT&TT đã hỗ trợ tích cực, thường xuyên việc kiểm tra, đánh giá phương án bảo đảm, an toàn thông tin mạng cho các HTTT, CSDL ngành Xây dựng. Từ đó, Bộ Xây dựng đã hoàn thành viêc đánh giá an toàn HTTT của Bộ, đáp ứng tốt nhu cầu kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành Xây dựng cũng cho biết kế hoạch tương lai và trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ phát huy hơn nữa những kết quả đạt được của việc thực hiện nhiệm vụ CĐS và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành chặt chẽ, hiệu quả từ Bộ TT&TT trong công tác CĐS ngành Xây dựng.

Và từ việc thực hiện các trụ cột CĐS, Bộ Xây dựng sẽ đề suất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách ưu đãi để thúc đẩy xây dựng, phát triển các nền tảng, hệ sinh thái để ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực Xây dựng, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

“Trọng tâm hơn, Bộ Xây dựng sẽ thúc đẩy, xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn, đáp ứng việc xây dựng CSDL phục vụ việc quản lý, quy hoạch đô thị, phát triển đô thị tại các vùng kinh tế trọng điểm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, công nhận ĐTTM, coi đây là yêu cầu cấp bách cần thực hiện. Bởi lẽ, hiện nay chúng ta chưa có bộ tiêu chí thống nhất để xây dựng ĐTTM đầy đủ và chuẩn quốc tế, và nếu có cũng chỉ nặng tính kỹ thuật đặc thù và giữa các địa phương có sự khác biệt, khoảng cách lớn…

“Cùng với đó, Bộ TT&TT hỗ trợ, phối hợp với Bộ Xây dựng để có hướng dẫn cụ thể thực hiệu hiệu quả Luật An toàn an ninh mạng, nhất là phục vụ việc sử dụng dữ liệu dùng chung ngành Xây dựng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • ITU ban hành hướng dẫn về đô thị thông minh bền vững
    Hướng dẫn về đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ban hành cung cấp cho các lãnh đạo thành phố những hướng dẫn thiết thực về cách lập kế hoạch, phát triển và thực hiện các sáng kiến ĐTTM bền vững.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO