Theo sở TT&TT TP. Cần Thơ, 10 lĩnh vực trọng điểm được nhắc tới để xây dựng Cần Thơ phát triển thành ĐTTM, bao gồm: Hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) và nền tảng dữ liệu trong ĐTTM; Chính quyền số trong ĐTTM; Lĩnh vực an ninh an toàn trong ĐTTM; Quy hoạch ĐTTM; Du lịch thông minh; Y tế thông minh; Giáo dục thông minh; Nông nghiệp thông minh; Quản lý môi trường thông minh; Giao thông thông minh (GTTM).
Chìa khóa xây dựng ĐTTM: cơ sở dữ liệu dùng chung
Theo các chuyên gia, để triển khai tốt 10 lĩnh vực trọng điểm nói trên, nhằm xây dựng Cần Thơ phát triển thành ĐTTM thì việc khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu (CSDL) đồng bộ (đặc biệt là dữ liệu người dân, dữ liệu hạ tầng không gian), phân tích dữ liệu lớn, dự báo hỗ trợ ra quyết định để hướng đến phục vụ người dân, du khách tốt hơn là nhiệm vụ cấp bách/đầu tiên để tiến tới phát triển thành ĐTTM.
Được biết, hiện nay, TP. Cần Thơ đã và đang xây dựng 43 CSDL dùng chung thuộc sự quản lý của các sở, ban, ngành thuộc Thành phố trong các lĩnh vực thiết yếu với cuộc sống người dân, tiêu biểu có thể kể đến như: Sở Tài nguyên và Môi trường có 4 CSDL, gồm: Bản đồ nền (GIS); Đất đai; Quy hoạch sử dụng đất và Tài nguyên môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư có 2 CSDL: Doanh nghiệp (DN) và Thông tin dự án; Công an TP. Cần Thơ có 4 CSDL gồm: Dân cư; Phòng cháy chữa cháy; Camera an ninh trật tự và dữ liệu lưu trú...
Theo ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc FSI - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số và xây dựng các giải pháp cho ĐTTM: "Một trong những vấn đề hóc búa của việc xây dựng CSDL dùng chung và kho lưu trữ dữ liệu tập trung là không ảnh hưởng đến các ứng dụng, hệ thống đang hoạt động hiện tại của các đơn vị. Đặc biệt, nhiều đơn vị hiện nay đang sử dụng hệ thống dữ liệu được xây dựng bằng các giải pháp truyền thống, do đơn vị nước ngoài thực hiện. Thách thức đặt ra khi hệ thống thực hiện kết nối CSDL phát sinh vấn đề. Sự hỗ trợ thường trực của đội ngũ chuyên gia công nghệ trong nước sẽ góp phần giải quyết nhanh nhất, triệt để nhất các trục trặc khi vận hàng hệ thống kết nối dữ liệu".
Vẫn theo đại diện Sở TT&TT TP. Cần Thơ, các CSDL chung của của từng sở, ban, ngành tại Thành phố đang được các đơn vị liên quan hoàn thiện. Tuy nhiên, để Cần Thơ có thể trở thành một ĐTTM, điều kiện tiên quyết là chính quyền Thành phố phải xây dựng thành công nền tảng tích hợp để dữ liệu có thể được chia sẻ nhanh chóng, thuận tiện nhất giữa các hệ thống thông tin hợp nhất của các sở, ban, ngành trong toàn Thành phố.
Việc CSDL mở có thể kết nối góp phần tạo một hệ thống tài nguyên quan trọng cho các đô thị. Ứng dụng đúng công nghệ để xây dựng CSDL thống nhất toàn đô thị chính là chìa khóa vàng đa năng, mở cửa các CSDL thông tin riêng biệt; tận dụng và phát huy tối đa dữ liệu tổng thể về TP. Cần Thơ.
Cần sự chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, và DN
Được biết, đề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành ĐTTM được cơ quan chức năng tại Thành phố phê duyệt với kinh phí thực hiện là 1.011 tỷ đồng (vốn ngân sách hơn 868,4 tỷ đồng, còn lại là các nguồn huy động khác).
Ngoài kinh phí thực hiện, trao đổi về kế hoạch xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành ĐTTM giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố đã đề nghị các ngành, địa phương chủ động phối hợp trao đổi với các chuyên gia về hiện trạng, khó khăn, vướng mắc và mục tiêu hướng tới để xác định lộ trình, giải pháp, hướng đi cụ thể, hiệu quả, bền vững.
"Thành phố rất mong các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp công nghệ số tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng thành phố trong quá trình xây dựng thành phố Cần Thơ thành ĐTTM trong thời gian tới", ông Dương Tấn Hiển cho biết ý kiến.
Từ phía DN, quan tâm đến việc xây dựng TP. Cần Thơ trở thành ĐTTM, bà Bùi Thị Hải Yến, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Hanel đã cho biết: "Hanel sẵn sàng cung cấp cho TP. Cần Thơ dịch vụ quản lý GTTM được cập nhật chi tiết theo đặc thù riêng của địa phương (đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Đây là một thành phần không thể thiếu của ĐTTM".
Không chỉ đường bộ, Cần Thơ với đặc thù là trung tâm của Đồng bằng Sông Cửu Long, với hệ thống sống nước dày đặc, giao thông thuỷ tương đối phát triển. Hanel cũng đã đề xuất cung cấp hệ thống quản lý GTTM cho hệ thống giao thông thủy nội địa vốn là một ưu thế của TP. Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu giao thông vận tải phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế vùng, từ cấp thành phố đến các quận/huyện, và xã/phường.
Bà Hải Yến cho biết thêm: "Hệ thống GTTM trên nền bản đồ số của Hanel là hệ thống quản lý giao thông với kiến trúc mở, cho phép phát triển mở rộng theo cả chiều dọc nghiệp vụ của ngành giao thông lẫn chiều ngang về quy mô hạ tầng. Hệ thống hiện kết nối với hơn 1 triệu phương tiện; truyền dữ liệu về trung tâm với tần suất 25 giây/lần và xử lý hàng tỷ gói thông tin với dung lượng lên tới hàng trăm GB mỗi ngày. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 63 Sở Giao thông Vận tải các tỉnh/thành phố, hàng trăm đơn vị dịch vụ giám sát hành trình và 100% DN vận tải được kết nối trên nền tảng này".
Trong khi đó FSI đã tỏ ý mong muốn được tham gia vào quá trình xây dựng Cần Thơ phát triển thành ĐTTM bằng việc cung cấp và tích hợp nền tảng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn VLAKE - nền tảng giúp giải quyết bài toán kết nối dữ liệu.
Ông Cao Hoàng Anh cho biết: "Đây là nền tảng công nghệ mới do chính FSI đầu tư nghiên cứu và phát triển dựa trên 15 năm kinh nghiệm triển khai hàng nghìn dự án lớn cho khối bộ, ban, ngành và các tập đoàn, DN lớn trong lĩnh vực khai thác dữ liệu. FSI cho rằng để tập trung xây dựng 10 lĩnh vực trọng điểm như nói ở trên thì bài toán CSDL dùng chung chính là chìa khoá và TP. Cần Thơ nên tập trung giải quyết thật tốt bài toàn này./.