Dạy và học trực tuyến: Nỗ lực tối đa để học sinh học tập thuận lợi nhất

Ánh Dương| 12/09/2021 09:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, năm học 2021 - 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định sẽ chú trọng vào việc chuyển đổi trạng thái hoạt động, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý giáo dục.

Tình thế phải "chuyển trạng thái" được Bộ GD&ĐT xác định vừa là thách thức, cũng là cơ hội để linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, công nghệ, công cụ để tổ chức việc dạy và học, đồng thời thay đổi cách quản trị của nhà trường bằng ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng với điều kiện dịch bệnh còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.

Đa dạng, linh hoạt hình thức dạy và học nhằm thích ứng với tình hình mới

Khởi đầu năm học 2021 - 2022 với nhiều khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã phải thực hiện các biện pháp linh hoạt để năm học được diễn ra hợp lý với phương châm là dù khó khăn đến đâu cũng phấn đấu dạy tốt và học tốt, tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện. Những nơi có điều kiện dạy học trực tiếp thì các nhà trường tổ chức để học sinh, sinh viên theo học trực tiếp, nơi nào không có điều kiện thì dạy và học trực tuyến hoặc qua truyền hình.

Tại buổi làm việc ngày 8/9 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương… bàn giải pháp đẩy mạnh dạy học trực tuyến, trên truyền hình và các phương thức giáo dục khác trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các văn bản hướng dẫn cho năm học mới đã được ban hành. Trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; bổ sung bài giảng, học liệu phục vụ học trực tuyến, học trên truyền hình.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, với tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất, "lớp 1, lớp 2 thì dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm".

Để dạy trên truyền hình, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức xây dựng video bài giảng cho môn học các lớp 1, 2 và 6. Riêng đối với lớp 1 có video hỗ trợ bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh đầy đủ, các bài giảng và video này cũng được phát trên truyền hình. Với những học liệu đó, nếu nơi nào không đủ điều kiện, thầy cô có thể gửi cho học sinh qua email, Zalo… để các em học ở nhà và kèm theo đó là tài liệu hướng dẫn. Đối với các lớp còn lại, Bộ GD&ĐT cũng lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng. Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ thẩm định bài giảng.

Dạy và học trực tuyến: Nỗ lực tối đa để học sinh học tập thuận lợi nhất  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 (năm học 2021 - 2022) làm quen với việc học trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, trên truyền hình, các nhà trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Đối với bậc học mầm non, Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng ngân hàng video clip để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.

Đặc biệt, đối với giáo dục tiểu học, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021 - 2022 với yêu cầu chủ động khắc phục tác động của dịch COVID-19, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Dạy và học trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn

Năm học mới đã bắt đầu, nhiều địa phương tổ chức cho học sinh học trực tuyến. Tuy nhiên, sau một tuần triển khai, một trong những vấn đề khó khăn và nan giải dễ nhận thấy nhất là thiếu thiết bị học và đường truyền chưa đảm bảo.

Theo khảo sát nhanh của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều nơi tổ chức dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập... Chẳng hạn theo thống kê sơ bộ, TP. HCM còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; nhiều vùng khó khăn có từ 50% - 70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến; nhiều thôn bản không có mạng Internet…

Chia sẻ về những khó khăn trong việc dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết có 2 khó khăn lớn nhất trong việc dạy và học trực tuyến là thiếu thiết bị và dung lượng đường truyền. Với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo được.

Theo phản ánh của nhiều bậc phụ huynh và học sinh, chỉ sau một tuần triển khai năm học mới 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến, không chỉ phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy mà ngay cả giáo viên cũng cảm thấy khó khăn về đường truyền Internet hay bị ngắt quãng. Nhiều phụ huynh cho rằng, đường truyền không ổn định, nghe bập bõm chữ được chữ không. Học sinh liên tục nhắn tin hỏi giáo viên nên giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung giảng dạy.

Dạy và học trực tuyến: Nỗ lực tối đa để học sinh học tập thuận lợi nhất  - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Trần Minh)

Bên cạnh đó, sự chuẩn bị và sẵn sàng của giáo viên và học sinh cũng là vấn đề lớn. Năm học trước, nhiều tỉnh, thành cũng đã có giai đoạn ngắn dạy và học theo hình thức trực tuyến nên không còn lạ lẫm, bỡ ngỡ với hình thức này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc học và dạy được trơn tru. Dạy học trực tuyến không phải là hình thức được thực hiện thường xuyên. Vì thế khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng về kỹ thuật thực hiện. Có nhiều nguyên nhân, song, chủ yếu vẫn là khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả.

Ngoài ra, mặc dù các em học sinh khá năng động trong việc ứng dụng CNTT để khai thác các bài giảng nhưng trên thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình cũng sẽ chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Hơn nữa, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nề nếp, ý thức học tập của học sinh không được trực tiếp nên cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập của học sinh.

Đặc biệt, việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.

Nỗi lo này không chỉ của riêng phụ huynh mà còn là trăn trở của các nhà trường, thầy cô giáo. Nhiều thầy cô giáo cho rằng, một trong những việc khó khăn nhất khi dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 đó là rèn sự tập trung và nề nếp bởi các em vừa ở bậc mầm non lên nên vẫn giữ thói quen cũ, chưa có sự quy củ, tự giác. Chưa kể với hình thức học trực tuyến, giáo viên không thể kiểm soát học sinh có thật sự hiểu bài và làm được đúng theo hướng dẫn hay không.

Dù đã chủ động xây dựng các phương án cho việc dạy học trực tuyến nhưng làm sao để việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 đạt hiệu quả khi mà các con chưa hề biết mặt chữ, chưa từng được đến trường, chưa làm quen với cô giáo và bạn bè vẫn là điều khiến nhiều giáo viên trăn trở.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới

Năm học mới bắt đầu đã có nhiều giải pháp được áp dụng linh hoạt nhằm đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT cũng cần phải xác định đây không phải là giải pháp tình thế mà sẽ là giải pháp lâu dài và ổn định. Đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, thì hình thức học trực tuyến kết hợp học trực tiếp sẽ là xu hướng tất yếu của thời đại.

Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em", hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Trước đó, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến; Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) viễn thông, CNTT nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; Chỉ đạo các DN viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

Ngoài ra, nhằm bảo đảm để học sinh được học tập thuận lợi nhất có thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT làm việc trực tiếp với các đài truyền hình, kênh truyền hình của Trung ương để rà soát lại độ bao phủ, khả năng dành thời lượng phát sóng các bài giảng truyền hình, các đài địa phương có phương án tiếp sóng để có diện bao phủ tốt nhất, đến nhiều học sinh nhất, kể cả những em có điều kiện học trực tuyến.

"Tinh thần là một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày, nhất là bậc tiểu học", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế các chương trình học trực tuyến, học trên truyền hình, nhất là ở bậc tiểu học theo hướng "học mà chơi, chơi mà học"; có hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giờ giảng trực tuyến tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng; lồng ghép, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho các phụ huynh, nhất là các kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch trong môi trường giáo dục và trong xã hội.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm công bằng trong giáo dục, không chỉ giữa các vùng miền mà cả những nơi có dịch và không có dịch, nhất là đối tượng học sinh nghèo ở vùng có dịch; vận động, kêu gọi cộng đồng, xã hội hỗ trợ trang thiết bị, công cụ học tập cho học sinh nghèo trong điều kiện có dịch bệnh.

Về phía nhà trường, các trường học cần tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Nhà trường, các thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh học tập tại nhà.

Để bảo đảm chất lượng dạy và học, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Rõ ràng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, dạy và học trực tuyến có thể giúp hiện thực hóa việc "ngừng đến trường nhưng không dừng học". Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, chúng ta không nên coi đây là giải pháp tạm thời nhằm ứng phó với dịch bệnh mà cần coi đây là nền tảng cơ bản để hướng tới CĐS mạnh mẽ ngành Giáo dục vì thực tế mô hình học trực tuyến kết hợp học trực tiếp sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai.

Như PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã chia sẻ với VOV: "Chúng ta cần nhận thức dạy học trực tuyến không phải giải pháp tình thế trong mùa dịch mà phải là phương thức dạy học bắt buộc, đồng hành với dạy học trực tiếp để phát triển năng lực người học trong thời đại ngày nay".

"Ngành giáo dục nói riêng và hệ thống chính trị nói chung cần có sự đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt để xây dựng hạ tầng, dữ liệu, nâng cao năng lực số cho đội ngũ, thay đổi mô thức quản trị để CĐS thực sự được diễn ra và trở thành nguồn lực quyết định sự tiến bộ về chất cho giáo dục Việt Nam", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Dạy và học trực tuyến: Nỗ lực tối đa để học sinh học tập thuận lợi nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO