ĐBSCL có nhiều tiềm năng để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

PV| 24/11/2022 09:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025 được triển khai sẽ nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại, nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Nhiều dư địa để phát triển sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất nông nghiệp, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước. Thời gian qua, nông nghiệp vùng liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả, đóng góp tỉ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. ĐBSCL có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ĐBSCL có lợi thế to lớn để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, với trên 2,4 triệu ha đất nông nghiệp và gần 700.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, toàn vùng đã đóng góp 54% sản lượng lúa, cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu; 70% lượng thủy sản (gần 100% sản lượng cá tra xuất khẩu; 80% sản lượng tôm chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước) và 36,5% sản lượng trái cây của cả nước.

Nông nghiệp ĐBSCL đóng góp khoảng 35% GDP nông nghiệp toàn ngành và chiếm khoảng 33% GDP vùng. Tổng kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực đạt khoảng 8,5 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, ĐBSCL cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), của nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, việc suy giảm lượng nước ngọt và chất lượng nguồn phù sa. Dự báo, các hiện tượng này ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn, dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và đời sống người dân, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của vùng.

Để thích ứng với BĐKH thông qua các biện pháp phi công trình, cũng có nhiều cách làm, nhiều phương thức đa dạng, việc xây dựng các cộng đồng người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thông qua việc phát triển các hợp tác xã (HTX) và cộng đồng dân cư ở nông thôn được coi là phù hợp hơn cả. ĐBSCL hiện có trên 2.500 HTX nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản... Việc chuyển đổi sản xuất các HTX thành công sẽ thúc đẩy phát triển vùng.

Các hoạt động thích ứng của các HTX nông nghiệp thời gian qua còn mang tính tự phát, số lượng HTX và thành viên HTX chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng chưa nhiều. Trong bối cảnh BĐKH và ảnh hưởng tiêu cực của nó đến sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng, các HTX vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn trong thích ứng với BĐKH như: nhận thức, hiểu biết của người dân và HTX về BĐKH chưa cao; chưa tổ chức áp dụng đồng bộ các giải pháp hiệu quả thích ứng với BĐKH; chưa lồng ghép được giải pháp thích ứng với BĐKH trong xây dựng và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) của HTX; thiếu nhân lực, thông tin, phương tiện, máy móc, dụng cụ quan trắc BĐKH.

Do đó, để thúc đẩy sự tham gia của các HTX nông nghiệp và người sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL thích ứng với BĐKH một cách hiệu quả, đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp phi công trình thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL thời gian tới thì việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025" là hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn trong phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội, môi trường nói chung vùng ĐBSCL.

Đưa hợp tác xã thành chủ thể của sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL - Ảnh 1.

ĐBSCL hiện có trên 2.500 hợp tác xã nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản... với nhiều mô hình cho giá trị sản xuất cao.

Nâng cao năng lực thích ứng của các hợp tác xã nông nghiệp

"Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021-2025" ra đời sẽ góp phần xây dựng chiến lược bài bản, dài hơi hơn cho nông nghiệp vùng ĐBSCL trước áp lực của BĐKH. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đề án này là một trong những nội dung nằm trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL với hai nội dung cơ bản là: nâng cao năng lực của hợp tác xã thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng, sau đó nhân rộng các mô hình hợp tác xã hiệu quả.

Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL. Đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.

Mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn để nghiên cứu, học tập và nhân rộng.

100% HTX nông nghiệp trong các lưu vực hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bình quân các HTX trong lưu vực tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp từ 10% trở lên.

Đẩy nhanh đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao"

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề khó nhưng cần phải triển khai.

ĐBSCL chính là "vựa lúa" và chiếm đến 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Nhưng về cơ cấu giống, chất lượng gạo, sản xuất an toàn thực phẩm vẫn chưa ổn định, vì vậy đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao" là hết sức cần thiết để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và nâng cao khả năng cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam.

Dự kiến 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Cần Thơ... khi những nơi này phải là vùng ít chịu tác động nặng nề của xâm nhập mặn và các hình thái thiên tai khác. Tập trung vào 3 phân khúc chính là gạo trắng hạt dài, gạo thơm hạt dài, gạo tròn hạt ngắn. Và luôn dự phòng 3 - 5 giống lúa khác để đáp ứng nếu như thị trường có sự thay đổi.

Dựa trên xu hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, dựa trên nhu cầu thị trường và thị hiếu của người nông dân vùng ĐBSCL, nên tập trung sản xuất các loại gạo có thương hiệu, gạo đặc sản, gạo thơm... Song song với đó là các doanh nghiệp cần có hướng đầu tư để chế biến sâu; tận dụng các phế, phụ phẩm từ gạo; tham gia mạnh vào chuỗi liên kết và xa hơn là nghiên cứu chuyên sâu về khẩu vị của người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL có nhiều tiềm năng để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO