Để ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam thực sự lan tỏa trong xã hội

27/04/2022 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội loài người, trong tiến trình văn minh nhân loại. Bởi lẽ, sách cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi phương diện của đời sống, giúp con người có thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, lao động, học tập và trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, tư duy.

Tóm lại, sách góp phần giúp “con người sống người hơn” (Karl Marc) trong một xã hội luôn phức tạp và đầy biến động. Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại, ở nhiều nước trên thế giới, thư viện và việc tổ chức đọc sách báo cho các tầng lớp nhân dân đã xuất hiện từ hàng nghìn năm nay.

Khoảng hơn 100 năm trở lại đây, ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á, những ngày đọc sách, lễ hội đọc sách mang tầm vóc quốc gia đã xuất hiện như một biểu trưng về văn hóa, như lễ hội đọc sách, tuần lễ đọc sách ở các nước: Pháp, Đức, Italia, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Singapore... nhằm tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng, đồng thời khẳng định giá trị, vai trò của văn hóa đọc, khuyến khích và đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thư viện tại các nước đó.

Nhìn trên bình diện quốc tế, những lễ hội đọc sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực và giá trị to lớn. Hàng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… ở mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, văn hóa nghe nhìn từ nhiều năm nay đã và đang lấn át văn hóa đọc, thì việc tổ chức các ngày hội đọc sách, lễ hội đọc sách đã góp phần khẳng định văn hóa đọc mãi mãi trường tồn và không có gì có thể thay thế được.

Ở Việt Nam, từ năm 2006 - 2013, hưởng ứng Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4) hằng năm, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức và phát động Ngày hội đọc sách, dần trở thành nền nếp và đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa rộng rãi từ Trung ương tới khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Không chỉ tôn vinh văn hóa đọc, khẳng định tầm quan trọng của sách, báo trong đời sống xã hội - một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần và truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam - ngày hội đọc sách ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hoạt động này đã tôn vinh văn hóa đọc bằng các hình thức phong phú, đa dạng như: triển lãm, trưng bày sách báo, giao lưu giữa tác giả với bạn đọc, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền giới thiệu sách, viết cảm nhận về sách, vẽ tranh theo sách...

Ngày hội đọc sách ở nước ta đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả về vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc. Công tác xã hội hóa hoạt động thư viện đã thu được nhiều kết quả to lớn. Đặc biệt, từ năm 2014, theo Quyết định 284/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam (sau đó, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam).

Có thể nói, từ đó đến nay, Ngày sách và Văn hóa đọc ở nước ta đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng, sự quan tâm chú ý, tài trợ ngày càng tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với hàng nghìn, hàng vạn cuốn sách và nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất có giá trị. Chỉ tính riêng tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, từ năm 2010 đến năm 2020, mỗi năm thư viện đã nhận được hàng nghìn cuốn sách từ Cục Xuất bản, In và Phát hành và các nhà xuất bản lớn ở Trung ương; các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước ủng hộ với tổng giá trị lên tới vài trăm triệu đồng và các trang thiết bị phục vụ công tác thư viện..., để giúp đỡ cho các thư viện, tủ sách ở các địa phương còn nhiều khó khăn như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị...

Để ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam thực sự lan tỏa trong xã hội - Ảnh 1.

Những lễ hội đọc sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực và giá trị to lớn. (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn)

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số người tham gia ngày hội đọc sách tại tất cả 63 tỉnh, thành cũng như số tiền, hiện vật, tư liệu sách, báo nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước cho việc duy trì và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, nhưng có thể thấy rõ số lượng người tham gia rất lớn và số tiền, hiện vật, sách báo, tư liệu nhận được có thể ước lượng giá trị lên tới hàng tỷ đồng/năm. Đặc biệt, số sách báo quyên góp được thông qua ngày hội đọc sách ở các tỉnh khu vực: Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên đã nhanh chóng được đưa tới các điểm đọc sách báo, tủ sách, thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi người dân đang “thiếu đói sách, báo” và “khát khao tri thức”.

Đây có thể coi là kết quả khả quan, có ý nghĩa xã hội mà ngành Thư viện Việt Nam nói chung, của Hội Thư viện Việt Nam nói riêng đã nỗ lực để thúc đẩy văn hóa đọc và công tác thư viện. Để không ngừng nâng cao văn hóa đọc cho toàn dân, để Ngày Sách và Văn hóa đọc ở Việt Nam ngày càng thu hút đông đảo bạn đọc, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và để ngành Thư viện nước ta ngày càng phát triển, tôi xin đề xuất một số nội dung sau:

1. Đề nghị Bộ VHTT&DL và các Bộ, Ban, ngành chức năng, các địa phương trong cả nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và Thông báo số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; đồng thời tích cực triển khai Luật Thư viện và các văn bản pháp quy về công tác thư viện, nhằm từng bước xây dựng và phát triển một xã hội học tập, xây dựng môi trường văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân.

2. Đối với hoạt động xuất bản, xin đề nghị:

Cần có chiến lược nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, để có kế hoạch xuất bản những cuốn sách hay, sách tốt, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt chú ý đến chất lượng nội dung của xuất bản phẩm.

Cần hạn chế tối đa việc xuất bản ra những cuốn sách vô bổ, nội dung nhạt nhẽo, vừa làm tốn tiền của độc giả, lại vừa làm mất thì giờ của họ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có nhiều ấn phẩm sách điện tử, sách nói, phục vụ nhân dân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục nghiên cứu để đề ra phương án giảm giá sách, sao cho giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người lao động và trí thức ở nước ta. Nói phải giảm giá sách, bởi lẽ hiện nay mỗi cuốn sách thường in với số lượng thấp (có cuốn chỉ in vài trăm bản), nên giá thành khó có thể hạ, nhưng điều chủ yếu là ở một số nhà xuất bản, nhà in do chưa quản lý tốt khâu in ấn, nên một số “đầu nậu” đã lén lút in nối bản, rồi phát hành với chiết khấu khá cao (có trường hợp lên tới 50%), làm ảnh hưởng đến thị trường phát hành sách trong cả nước.

Việc quảng bá sách (tuyên truyền giới thiệu sách) cần được tăng cường và thường xuyên hơn. Là một sản phẩm văn hóa - cũng là hàng hóa - song tôi có cảm giác là chi phí dành cho quảng bá sách còn khiêm tốn, còn ít hơn rất nhiều so với việc quảng bá các sản phẩm khác. Những bài giới thiệu sách trên báo còn chưa nhiều, lại tản mạn, chưa thành một chiến lược kinh doanh như nhiều hàng hóa khác. 

Theo tôi nghĩ, trên truyền hình đã có mục điểm báo hàng ngày, thì cũng nên có mục điểm sách hàng ngày, hàng tuần và có thể miễn phí hoặc ưu đãi giảm giá phát tin… Ngoài ra, các nhà xuất bản trước khi phát hành cũng nên có kế hoạch quảng bá sách rộng rãi hơn, đa chiều hơn, thiết thực hơn. Có như thế mới mong thu hút sự chú ý và quan tâm hơn của người đọc.

3. Đối với hoạt động phát hành sách, xin đề nghị:

Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 100 công ty phát hành sách của Nhà nước và gần 10.000 đơn vị phát hành sách (gồm cửa hàng, đại lý, nhà sách, trung tâm, công ty cổ phần, công ty TNHH…). Thực tế đó cho thấy, hệ thống phát hành sách của Nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện nước ta đang bị teo lại trước sự cạnh tranh quyết liệt của hệ thống phát hành sách khác. 

Vì thế, việc đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống phát hành sách Nhà nước, trong đó xác định tỷ lệ chiết khấu hợp lý, tạo điều kiện cho ngành thư viện khai thác có hiệu quả nguồn sách, báo phục vụ mọi đối tượng là một yêu cầu tất yếu và khách quan, có như vậy mới cạnh tranh lành mạnh với các cơ sở phát hành sách thuộc các thành phần kinh tế khác.

4. Đối với hoạt động thư viện, xin đề nghị:

Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giới thiệu sách, báo và giúp ngành xuất bản điều tra thị hiếu đọc để định hướng văn hóa đọc cho toàn xã hội. Tăng cường bổ sung sách, báo, tài nguyên thông tin, xây dựng kho tư liệu ngày càng phong phú với phương châm bám sát nhu cầu bạn đọc, bổ sung kịp thời các loại tài liệu, bộ sưu tập số có giá trị, có tác dụng tốt với việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Cần đổi mới phương thức phục vụ trong thư viện: từ phục vụ kho đóng sang phục vụ kho mở, kho tự chọn, để bạn đọc có điều kiện tiếp cận nhanh sách báo, tài nguyên thông tin. Ngoài ra cũng cần tổ chức tốt việc hướng dẫn bạn đọc, ứng dụng CNTT phục vụ việc đọc, tra cứu tài liệu nhanh chóng, thuận tiện. Tăng cường luân chuyển sách báo xuống cơ sở, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, thiểu số; đa dạng hóa các loại hình thư viện như "Điểm Bưu điện -Văn hóa xã", Tủ sách pháp luật, Tủ sách đồn biên phòng, Thư viện trường học v.v…

Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Không có gì thay thế được văn hóa đọc”. Cố Thủ tướng còn nhiều lần nhắc nhở các cán bộ có trách nhiệm củng cố hệ thống thư viện và công tác phát hành để sách, báo có thể đến tay những người đọc ít tiền. Rất mừng là mươi, mười lăm năm trở lại đây, được sự quan tâm và đầu tư của Đảng và Chính phủ, hệ thống thư viện cả nước đã và đang từng bước phát huy được tác dụng của mình - trong đó có việc tích cực tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam - để lan tỏa tri thức, tuyên truyền thông tin đến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Cho dù hôm nay và mai sau, khi xã hội phát triển, con người có thể đọc sách trong các thư viện điện tử hay qua mạng Internet thì vẫn chắc chắn một điều là: Sách và văn hóa đọc vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó. Đơn giản bởi sách và văn hóa đọc đã gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và nó vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể sánh được.

Còn nếu quả thật, tivi, video, Internet và các phương tiện nghe nhìn khác đã và đang vươn lên để đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu hưởng thụ tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ của con người, của thời đại, thì đó cũng là niềm vui không chỉ của riêng ai, của chung tất cả chúng ta. Nói hết sức thanh thản như thế để thấy rằng: Sách và văn hóa đọc lo mà không lo trước sự bùng nổ và lấn át mạnh mẽ của phương tiện nghe nhìn, của Internet ngày hôm nay, mà chỉ là vấn đề tương hợp giữa đặc trưng các loại hình với nhu cầu thực tế luôn luôn biến động trong xã hội.

Dù Ngày sách Việt Nam/Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam mới chỉ được hình thành và tổ chức cách đây chưa lâu, song có thể khẳng định rằng: Tất cả những gì mà chúng ta đã đạt được, những tình cảm và trách nhiệm của bạn đọc, của nhân dân, của nhiều tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước đối với Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong những năm tháng qua, luôn là một “nguồn sữa mẹ” trong lành nhất, bổ dưỡng nhất và quý giá nhất, để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển và tôn vinh văn hóa đọc ở Việt Nam - một nước có truyền thống ham học, ham đọc sách và có nền văn hiến lâu đời./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Hình ảnh chiến thắng Điện Biên phủ qua tem bưu chính Việt Nam
    Ngày 07/5/1954, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
  • Sân chơi English Beat 2024 mùa 2 thành công tốt đẹp
    Sau hơn 2 tháng tổ chức, English Beat 2024 mùa 2 do mobiEdu phối hợp cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã chính thức thành công tốt đẹp tại 6 tỉnh trải dài trên toàn quốc.
  • Bia Trúc Bạch một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa
    Từ Hoa Bia Saaz quý tộc vùng Zatec một kinh nghiệm bậc thầy tạo ra hương vị tinh túy bậc nhất đẳng cấp vượt thời gian, trải nghiệm đỉnh cao hoàn mỹ. Bia Trúc Bạch một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Để ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam thực sự lan tỏa trong xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO