“Dẹp loạn” trang thông tin điện tử tổng hợp: Cần một cái nhìn hài hòa!

12/04/2022 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, các trang thông tin điện tử (TTĐT) tổng hợp, cùng với hệ thống báo điện tử, trang TTĐT nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân... và các dạng thông tin khác trên Internet đã góp phần làm cho nguồn thông tin trên nền tảng mạng phong phú, đa dạng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, cùng với sự phong phú đa dạng, nhiều vấn đề bất cập đã kéo theo khiến các nhà quản lý đau đầu. Tuy nhiên, đang có một cái nhìn thiên lệch, định kiến về các trang TTĐT tổng hợp…

Nhận diện Trang TTĐT tổng hợp

Khoản 20 Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 định nghĩa: "Trang TTĐT tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN), cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăng đường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ".

Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ viết: "Trang TTĐT tổng hợp là trang TTĐT của cơ quan, tổ chức, DN cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó".

Các định nghĩa trên chứa hai nội hàm quan trọng để xác lập các vị trí vai trò của trang TTĐT.

Thứ nhất, ngoài các cơ quan, tổ chức thì các DN cũng có thể là cơ quan chủ quản của các trang TTĐT tổng hợp. Nội hàm này rất quan trọng, vì khi xác định các DN cũng có thể tham gia cung cấp thông tin tổng hợp thì sẽ "mở đường" cho việc chính các thông tin trên trang TTĐT tổng hợp được sử dụng như một loại hàng hóa để kinh doanh. Chức năng của DN là hoạt động kinh doanh. Thật khó khi cho các DN quyền được đăng ký hoạt động cung cấp thông tin mà yêu cầu họ phải thực hiện chức năng như một sản phẩm thuần "tính chất báo chí".

Thứ hai, thông tin trên trang TTĐT tổng hợp là thông tin "trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức". Nội hàm này xác định việc các trang TTĐT tổng hợp không được phép tự sản xuất tin, bài như báo điện tử và một số hình thức TTĐT khác.

Về thẩm quyền cấp phép trang TTĐT tổng hợp, cần lưu ý một điểm: Các Sở TT&TT chịu trách nhiệm cấp phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp cho tổ chức, DN ngoài các đơn vị cấp trung ương mà Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) thuộc Bộ TT&TT đã phụ trách.

Một dạng thông tin dễ trở thành hàng hóa kinh doanh hoặc phục vụ cho việc kinh doanh lại được giao cho các Sở TT&TT quyền cấp phép, theo thiển ý của cá nhân chúng tôi, sẽ tạo ra nhiều "kẽ hở", đơn cử như sự trùng lặp về nội dung, chức năng giữa các trang khác nhau do các Sở TT&TT khác nhau cấp phép. 

Bên cạnh đó, số lượng các trang TTĐT tổng hợp sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với các dạng trang TTĐT khác (1). Ngay cả việc cho phép các đơn vị đã có các dạng TTĐT khác như báo điện tử được lập trang TTĐT tổng hợp cũng là một quy định dẫn tới thực trạng nhiều báo có thêm các trang "tay trái" và gây ra không ít hệ lụy. Rất may, quy định này sau đó đã được sửa đổi, bổ sung (và cũng rất nhiều cơ quan báo chí đã kịp xin phép lập các trang TTĐT tổng hợp!).

Cần một cái nhìn hài hòa?

Vậy, vai trò, mục tiêu của các trang TTĐT tổng hợp là gì? Cần lưu ý là trước khi Nghị định số 72/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng ngày 15/07/2013 ra đời (năm 2013) thì thông tin trên Internet chưa đa dạng và phức tạp như hiện nay. Sự xuất hiện của các trang TTĐT tổng hợp nói riêng và các trang TTĐT nói chung đã đáp ứng nhu cầu của công chúng và DN về các dạng thông tin tổng hợp đặc thù theo từng ngành, lĩnh vực chuyên biệt mà trên báo điện tử chưa có một cách hệ thống. Các tạp chí điện tử cũng chưa phát triển. 

Nói cách khác, ở khía cạnh nhu cầu thông tin thì trang TTĐT tổng hợp ra đời giống như một trợ lý "điểm báo" cho công chúng. Ở góc tiếp cận của các báo điện tử thì trang TTĐT tổng hợp như một "trợ lý" nối dài của các báo để tiếp cận công chúng theo dạng chuyên biệt.

Cùng với sự phát triển của Internet và khoa học công nghệ, các thiết bị truy cập Internet cũng nở rộ và nhanh chóng phổ cập trong đời sống xã hội. Theo báo cáo "Thị trường ứng dụng di động 2021" do Appota phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ), trong đó có 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet cũng chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng Internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và trung bình họ 3 giờ 18 phút để sử dụng Internet qua di động.

“Dẹp loạn” trang thông tin điện tử tổng hợp: Cần một cái nhìn hài hòa! - Ảnh 1.

Thời gian trung bình mỗi ngày sử dụng di động của người dùng năm 2019 và 2020. Nguồn: Báo cáo của Appota.

Sự phát triển này đã dẫn tới kết quả tất yếu là nhu cầu thông tin của công chúng tăng cao. Khi "cầu" tăng thì hiển nhiên, "cung" cũng tăng theo. Các nguồn thông tin hàng ngày ngoài báo chí và mạng xã hội, các trang TTĐT cũng vì vậy "chạy đua" theo việc đáp ứng nhu cầu đa dạng về thông tin của công chúng. Sự phát triển này có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là làm cho "thị trường" thông tin trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tiêu cực là bắt đầu xuất hiện các hiện tượng vi phạm pháp luật của các trang thông tin.

Những tiêu cực của các dạng trang TTĐT, từ báo điện tử đến các trang điện tử cá nhân xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là sự sụt giảm nguồn thu của báo chí do sự bão hòa các nguồn tin tức trên Internet. Thứ hai là sự gia tăng của vai trò thông tin trong đời sống xã hội nói chung. Nếu như nguyên nhân thứ nhất làm giảm đáng kể vai trò, vị trí của báo chí dưới góc độ là nguồn cung cấp thông tin cho công chúng thì nguyên nhân thứ hai lại khiến báo chí có vai trò ngày càng quan trọng trong việc duy trì sự minh bạch, dân chủ trong đời sống xã hội. Và chính hai nguyên nhân này cũng là nguồn cơn sâu xa của việc các trang TTĐT có cơ hội cố tình "báo hóa" hoặc hoạt động như báo chí bởi sự gia tăng của quyền lực thông tin trong xã hội hiện đại.

Hẳn nhiên, việc "báo hóa" trang TTĐT tổng hợp hay cắt xén, chỉnh sửa thông tin hoặc không dẫn nguồn thông tin và các biểu hiện vi phạm quy định về trang TTĐT tổng hợp khác là những hành vi cần phải được chấn chỉnh và "dẹp loạn".

Nhưng, dưới một góc nhìn khác, nếu coi báo chí và trang TTĐT như hai thực thể độc lập, cùng thực hiện chức năng cung cấp thông tin cho công chúng thì có nhiều vấn đề cần thảo luận thêm.

Việc “báo hóa” trang TTĐT tổng hợp hay cắt xén, chỉnh sửa thông tin hoặc không dẫn nguồn thông tin và các biểu hiện vi phạm quy định về trang TTĐT tổng hợp khác là những hành vi cần phải được chấn chỉnh và “dẹp loạn”.

Trên thực tế, nhiều trang TTĐT tổng hợp hiện nay thu hút được lượng công chúng truy cập mà rất nhiều trang báo điện tử mơ ước (2). Thực trạng này có phải hoàn toàn xuất phát từ việc "báo hóa" các trang điện tử như nhiều quan điểm đã nhận định? Và ngay cả việc các trang TTĐT "báo hóa" thành công như vậy, thì chúng ta lý giải thế nào về việc rất nhiều trang báo, tạp chí có chức năng báo chí lại không thu hút được công chúng?

Dưới góc độ là một trang web cung cấp tin tức phục vụ công chúng, thật không công bằng khi "than thở" rằng công chúng không đọc các báo điện tử "chính thống" mà chăm chú đọc các trang TTĐT là một thực trạng cần phải được báo động như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) từng phát biểu khi thảo luận về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

“Dẹp loạn” trang thông tin điện tử tổng hợp: Cần một cái nhìn hài hòa! - Ảnh 3.

Một thống kê đáng suy ngẫm là con số các sạp báo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều giảm hơn và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. (Ảnh: Internet)

Nếu coi mâu thuẫn và cạnh tranh là động lực của sự phát triển thì việc cạnh tranh trong thông tin sẽ là cơ hội để chính các cơ quan báo chí tự thay đổi để thích nghi với thị trường, từ đó, với các "quyền năng" của mình, sẽ không thể có loại hình truyền thông nào cạnh tranh được với báo chí trong việc đưa tin.

Việc tham gia không giới hạn các loại hình truyền thông xã hội đã dát mỏng miếng bánh kinh tế báo chí, đẩy các tờ báo truyền thống thêm khó khăn. Một thống kê đáng suy ngẫm là trong hơn 1 năm qua, con số các sạp báo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều giảm hơn một nửa và xu hướng này đang tiếp diễn”.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)

Coi báo chí là miền "chính thống", phải được ưu tiên trong "miếng bánh kinh tế báo chí" sẽ tạo ra tư duy ỷ lại của báo chí, cho dù báo chí ở Việt Nam luôn được coi là một lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quan trọng trong hướng dẫn dư luận xã hội (3). Trên thực tế, rất nhiều trang báo, tạp chí điện tử hiện nay chỉ tồn tại vật vờ, sống bám vào "bầu sữa mẹ" là ngân sách của cơ quan chủ quản mà không chịu thay đổi để thích ứng với thực tiễn đa dạng, phức tạp của "thị trường" thông tin. 

Thực trạng này đúng như báo động của ông Nguyễn Thế Kỷ: "Có thể nói, chúng ta đang đứng trước thời điểm bản lề lịch sử của nghề báo mà nếu không nhận thức đúng, đề ra cách thức thay đổi, ứng phó phù hợp sẽ bị tụt hậu, bị thua cuộc dù quá khứ là vẻ vang" (4). 

Một khía cạnh khác cũng cần lưu tâm khi đánh giá thực trạng các trang TTĐT tổng hợp là bản thân các báo điện tử và các dạng TTĐT khác như mạng xã hội, trang TTĐT nội bộ… cũng có những hiện tượng vi phạm quy định về quản lý thông tin như trang tin điện tử tổng hợp. Như vậy, không nên coi tính "phi chính thống" của trang TTĐT tổng hợp là nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng lệch chuẩn của một số trang trong loại hình thông tin này.

Tình trạng "báo hóa tạp chí", tình trạng vi phạm pháp luật của các phóng viên báo điện tử trong quá trình khai thác thông tin, những hiện tượng "đếm tầng", "báo chí đen"… liên tục được báo động trong những năm gần đây. Nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo Điện tử VTV News từng thẳng thắn chỉ ra rằng: "Tôi cho rằng xã hội có lý khi đánh giá uy tín báo chí rất thấp như hiện nay. Quá nhiều nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra ở khắp nơi. Số vụ công an bắt quả tang những kẻ được gọi là phóng viên, nhà báo đang nhận tiền của DN sau nhiều cuộc ngã giá, mặc cả chắc chắn chỉ là rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra hằng ngày. (…) Với những gì chúng ta chứng kiến, không thể nói tình trạng hiện nay là "con sâu làm rầu nồi canh" được. Nhiều, rất nhiều kẻ đội lốt báo chí đang hằng ngày tung hoành ngang dọc, với con mắt cú vọ bới lông tìm vết DN để mặc cả, ngã giá. Tôi cho rằng phần lớn DN không dám tố cáo với cơ quan chức năng bởi rõ ràng họ có sai phạm, nói ra lại sợ "xấu chàng, hổ ai" nên tặc lưỡi đưa tiền với cái nhìn khinh bỉ "nhà báo" nhận tiền": (…) Có những tòa soạn ngay từ đầu được lập ra với mục đích "đánh đấm kiếm tiền". Họ lập ra hàng loạt cái gọi là "văn phòng đại diện", tuyển người nhưng không bao giờ ký hợp đồng làm việc chính thức mà luôn để ở chế độ "phóng viên thử việc" hoặc "cộng tác viên" rồi "tạo cơ chế" cho đi đánh đấm, có tiền ăn chia với tòa soạn. Khi những "phóng viên thử việc" hoặc "cộng tác viên" bị phát giác, toà soạn phủi tay liền" (5).

Bài viết này của chúng tôi hiển nhiên không có ý bênh vực cho những sai phạm của các trang TTĐT tổng hợp hiện nay. Việc "dẹp loạn", chấn chỉnh, xử lý là điều cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, không nên dùng những sai phạm chung của cả hệ thống thông tin để phân biệt, định kiến với các trang TTĐT tổng hợp.

Hai việc cần được xử lý ngay đối với việc quản lý các trang TTĐT tổng hợp, theo chúng tôi là:

Thứ nhất, cần xác định lại định nghĩa của loại hình thông tin này, đặc biệt là các đối tượng có thể được phép mở trang TTĐT tổng hợp. Cần coi sức ảnh hưởng của trang TTĐT tổng hợp như sức ảnh hưởng của báo chí chính thống, bởi hoạt động chính của các trang này là dẫn lại nguyên văn thông tin từ báo chí chính thống.

Thứ hai, cần xem xét lại việc giao cho các Sở TT&TT quyền cấp phép lưu hành các trang TTĐT tổng hợp. Loại hình thông tin này cần được quản lý cấp nhà nước một cách chặt chẽ hơn. Như vậy mới có thể thu hẹp lại số lượng và nâng cao chất lượng quản lý các trang này./.

Tài liệu tham khảo:

(1). Đến ngày 31-7-2019 cả nước đã có 2.722 trang được cấp giấy phép hoạt động báo chí, trong đó 543 trang do Cục Phát thanh, Truyền hình và TTĐT (Bộ TT&TT)

(2). Theo thống kê của similarweb.com, tính đến tháng 10/2021, trong 10 trang web được truy cập nhiều nhất Việt Nam, chỉ có 3 trang báo điện tử và TTĐT là Vnexpres.net (đứng thứ 5), trang TTĐT tổng hợp 24h.com (đứng thứ 9) và trang TTĐT tổng hợp Kênh 14 (đứng thứ 10). Còn lại là các mạng xã hội và trang tìm kiếm thông tin. https://top-10.vn/cong-nghe/10-website-duoc-xem-nhieu-nhat-viet-nam-cap-nhat-2021/

(3). Ở một cách tiếp cận khác, báo chí chỉ có thể hướng dẫn dư luận xã hội khi thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Với một trang báo mà công chúng không đọc thì thật khó có thể nói thông tin trên trang báo ấy có khả năng phản biện xã hội hay hướng dẫn dư luận xã hội!

(4) https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/nghe-bao-neu-khong-nhan-thuc-dung-va-thay[1]doi-phu-hop-thi-se-bi-tut-hau-thua-cuoc-du-qua-khu-ve-vang-112897

(5). https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nha-bao-le-xuan-son-bao-chi-den-dang-o-muc-nghiem[1]trong-663821.html

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
“Dẹp loạn” trang thông tin điện tử tổng hợp: Cần một cái nhìn hài hòa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO