ĐHQG Hà Nội tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn
Đại học Quốc gia Hà Nội là một đại học đa ngành, có thế mạnh lớn về khoa học cơ bản và nghiên cứu công nghệ lõi. Đây là lợi thế lớn khi Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia vào đào tạo nhân lực thuộc ngành chip bán dẫn.
Đây là nhận định của GS. TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 với chủ đề “Thiết kế và Kiểm chứng Vi mạch tích hợp” ICDV 2024 diễn ra từ ngày 6 - 8/6/2024 tại Hà Nội.
Từ ngày 6 - 8/6/2024, tại Hà Nội, Viện CNTT, ĐHQGHN chủ trì tổ chức hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 với chủ đề “Thiết kế và Kiểm chứng Vi mạch tích hợp” ICDV 2024.
Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 về Thiết kế và kiểm chứng vi mạch tích hợp (9th IEEE International Conference on Integrated Circuits, Design, and Verification - ICDV 2024) được đồng tổ chức bởi Trường Quốc tế, ĐHQGHN, Hiệp hội IEEE Circuits and Systems - Vietnam Chapter, Hiệp hội IEEE Solid State Circuits – Vietnam Chapter, IEICE Vietnam Section, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV). Sự kiện cũng nhận được sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo (ĐMST) VINIF và Công ty SIEMENS-Vietbay.
Hội nghị thu hút gần 100 chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực vi mạch từ các cơ sở đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham dự.
Hiện nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên chỉ tập trung ở mô hình lớn, chủ yếu mang lại cơ hội cho các tập đoàn và công ty có quy mô lớn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xu thế xây dựng các ứng dụng AI phân tán, đưa thuật toán AI ra điện toán biên, thiết bị biên, thiết bị IoT… đang dần chiếm ưu thế, tạo ra xu thế công nghệ mới - phát triển chip AI.
Hội nghị ICDV năm nay tập trung thảo luận về phát triển các phần cứng tăng tốc thuật toán AI, hướng đến phát triển chip AI cho điện toán biên nhằm ứng dụng vào đời sống, đặc biệt cho an ninh quốc phòng trong thời gian tới.
Tiềm năng “khổng lồ” của công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam
Ngành bán dẫn là ngành công nghệ lõi của công nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính, và thiết bị di động bằng việc sử dụng chất bán dẫn. Các vi mạch (còn gọi là chip) được sản xuất từ chất bán dẫn có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện.
Đây là một ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu. Đồng thời, là nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp điện tử, tự động hóa, vận tại, xe hơi, thậm chí cả hàng không vũ trụ và an ninh quốc phòng.
Ngành công nghiệp bán dẫn gần đây đã thu hút được sự chú ý với nhiều khoản đầu tư như đạo luật CHIPS (52,7 tỷ USD) ở Hoa Kỳ, chương trình “Chips cho châu Âu” và nhiều khoản đầu tư vào Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương.
Theo báo cáo gần đây của Gartner, doanh thu của ngành bán dẫn sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Các công ty tư vấn dự báo sẽ thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Chính phủ Việt Nam gần đây cũng đã quyết định tăng cường nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu về mạch tích hợp, thiết kế và xác minh.
Nhận định về ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết: Thiết kế vi mạch và công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang trở thành chủ đề nóng trong thời gian gần đây, thu hút được sự quan tâm đầu tư của nhiều DN công nghệ hàng đầu thế giới như Renesas, Marvell, Qrovo, Ampere, Synopsys, Siemen EDA, Cadence, Intel, Amkor, Hana Micron, Lam Research, Coherent… cũng như các DN trong nước như FPT Semiconductor, Viettel, VNchip, Phenikaa Semiconductor…
Với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng trong khu vực, sự hỗ trợ của chính phủ và các cơ quan quản lý, ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn tại Việt Nam đang đứng trước một cơ hội hiếm có để phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng cũng như năng lực nghiên cứu phát triển, ĐMST, triển khai sản xuất.
“Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng, các trường ĐH ở Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực này. Việc hình thành và duy trì các diễn đàn học thuật nhằm mục đích cập nhật công nghệ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm công nghệ là hết sức cần thiết”, ông Sơn nhấn mạnh.
ĐHQGHN tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn
Theo ông Sơn, với bề dày lịch sử phát triển về khoa học cơ bản, ĐHQGHN đang xây dựng đội ngũ các nhà khoa học tuyến đầu có năng lực lãnh đạo các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và phát triển liên quan đến ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.
ĐHQGHN hiện có 6 phòng thí nghiệm và 9 nhóm nghiên cứu mạnh chuyên nghiên cứu bền vững về công nghệ bán dẫn, khoa học vật liệu và thiết kế chip.
Sự kiện ICDV 2024 được tổ chức tại ĐHQGHN đã quy tụ được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và chuyên gia trong ngành trên toàn thế giới thảo luận về những tiến bộ mới nhất trong mạch tích hợp, phương pháp thiết kế, kỹ thuật xác minh, thiết bị vi mạch và ứng dụng của nó. Bên cạnh tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học trong hàng thập kỷ qua về các lĩnh vực liên quan, việc tổ chức Hội nghị chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn cũng khẳng định trách nhiệm quốc gia của ĐHQGHN.
Ngoài ra, ông Sơn cũng cho biết: Bên cạnh việc xây dựng chiến lược quốc gia về công nghệ bán dẫn do Bộ Thông tin Truyền thông triển khai, cũng như đề án đào tạo nguồn nhân lực do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, ĐHQGHN cũng đang tập hợp một số nhóm chuyên gia chuyên sâu để triển khai các công việc liên quan nhằm hiện thực hóa chiến lược và đề án quốc gia về nguồn nhân lực bán dẫn. ĐHQGHN với sứ mệnh và tầm nhìn cũng như thế mạnh của mình, cần tiên phong trong lĩnh vực này.
Hiện nay, ĐHQGHN đang xây dựng chương trình nghiên cứu chip bán dẫn, đồng thời xây dựng đề án đầu tư phát triển trung tâm về công nghệ bán dẫn và vi mạch. Trung tâm này sẽ trở thành Hub kết nối (đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo) nhằm kết nối giữa nhà khoa học với nhà khoa học, nhà trường với DN, người học trong và ngoài ĐHQGHN, chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong tương lai vị thế ĐHQGHN sẽ có tầm nhìn, hành động tổng thể hơn, nâng tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế về lĩnh vực này.
Chia sẻ về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, GS. TS. Trần Xuân Tú cho biết, bán dẫn là một ngành công nghiệp hội tụ đầy đủ tri thức các lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là khoa học cơ bản và công nghệ lõi liên quan. ĐHQGHN xuất thân là một ĐH đa ngành, có thế mạnh lớn về khoa học cơ bản và nghiên cứu công nghệ lõi. Đây là lợi thế lớn khi ĐHQGHN tham gia vào đào tạo nhân lực thuộc ngành chip bán dẫn.
Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN cũng đã bắt đầu đào tạo về thiết kế vi mạch từ rất sớm. Năm 2006, trường đã xây dựng các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu về thiết kế vi mạch, công nghệ vật liệu nano, đồng thời trang bị được công cụ thiết kế hiện đại của các hãng EDA nổi tiếng như Mentor Graphics (Siemens EDA, Synopsys), trang thiết bị cho đào tạo thiết kế và đo kiểm vi mạch.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đã có nhiều năm đào tạo và nghiên cứu về thiết kế vi mạch, chung tay xây dựng và phát triển cộng đồng thiết kế vi mạch tại Việt Nam, từ những năm 2010 đã cùng cộng đồng duy trì hội nghị khoa học ICDV.
Liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, với hơn 20 năm đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, GS. TS. Trần Xuân Tú cho biết, trong thời gian tới, ĐHQGHN cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, tập trung vào công nghệ lõi, là tiền đề phát triển lĩnh vực này trong tương lai.
Trong thời gian gần đây, Viện CNTT - ĐHQGHN đã triển khai đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thiết kế vi mạch cho đội ngũ giảng viên các trường ĐH ở miền Trung và miền Bắc nhằm góp phần vào đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực này.
Cũng chia sẻ tại ICDV 2024, GS. Makoto Ikeda - Giám đốc Trung tâm VDEC, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết: Kể từ lần đầu được tổ chức với tên gọi “IC Design in Vietnam” (Thiết kế vi mạch tại Việt Nam) vào năm 2010, Hội nghị được đổi tên thành Thiết kế và kiểm chứng vi mạch tích hợp (ICDV) vào năm 2013 để có thể tiếp cận được nhiều khía cạnh của Thiết kế vi mạch và Công nghiệp bán dẫn và không chỉ ở Việt Nam mà còn là sự quan tâm của rất nhiều quốc gia.
Ông Makoto Ikeda đánh giá cao tiềm năng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng; đồng thời kỳ vọng trong thời gian tới Nhật Bản cũng sẽ tạo nhiều cơ chế mở để hợp tác cùng đào tạo cũng như phát triển thị trường liên quan lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
Hội nghị ICDV 2024 thu hút gần 100 chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực vi mạch từ các cơ sở đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Bên cạnh 52 công trình khoa học của các học giả đến từ 15 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới trình bày, ICDV 2024 còn có 6 báo cáo trong phiên toàn thể do các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới trình bày như: GS. Oscal Tzyh-Chiang Chen - Đại học Quốc gia Trung Chính, Đài Loan (Trung Quốc); GS. Phạm Công Kha - ĐH Điện tử - Truyền thông, Tokyo (Nhật Bản); GS. Lan-Da Van - ĐH Quốc gia Dương Minh Giao thông, Đài Loan (Trung Quốc); GS. Jiro IDA - Viện Công nghệ Kanazawa (Nhật Bản); GS. Makoto Ikeda - Đại học Tokyo (Nhật Bản); GS. Orazio Aiello - Đại học Genova (Ý)./.