Make in Vietnam

Phát triển công nghiệp bán dẫn, các quốc gia trong khu vực đang đi rất nhanh

Anh Minh 29/05/2024 20:22

Đây được xem là "thời điểm vàng" để các doanh nghiệp bán dẫn Việt Nam nắm bắt cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Ngành công nghiệp bán dẫn đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và tác động lớn đến nhiều quốc gia trên thế giới trong 20 năm qua. Từ năm 2001 - 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng trung bình 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD vào năm 2023.

Dự kiến, doanh thu sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Ước tính, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

Hội thảo với chủ đề “Hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á (Vietnam - Asia DX Summit) 2024 sáng ngày 29/5 tại Hà Nội đã mang lại góc nhìn toàn cảnh về ngành công nghiệp đang thực sự rất hứa hẹn này cho Việt Nam.

tgbinh.jpg
Ông Trương Gia Bình: Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn còn đang đặt ra rất nhiều những vấn đề.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Uỷ ban Công nghiệp bán dẫn VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT, số bán dẫn trên một con chip sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm. Dữ liệu của nhân loại sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 1 năm. Những quy luật ấy đã dẫn dắt con đường của nhân loại.

Tuy vậy, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn còn đang đặt ra rất nhiều những vấn đề. Phát triển công nghiệp bán dẫn “giống như múa ba-lê”, đòi hỏi tổng hòa rất nhiều yếu tố cần thiết.

Giải bài toán nguồn nhân lực bán dẫn

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), nói về nhân lực, hiện nay Việt Nam đang “thiếu cả thầy lẫn thợ”, điều này gây khó khăn cho việc thu hút các tập đoàn nước ngoài tham gia hợp tác. Đây là yếu tố cấp bách đầu tiên về nhân lực mà chúng ta cần phải giải quyết.

Về tổng thể, nguồn nhân lực của Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn. Theo ông Nghĩa, mặc dù chúng ta có một hệ thống đào tạo cơ bản ổn định, nhưng vẫn thiếu hụt các kỹ sư có kinh nghiệm. Trong khi đó, đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm hiện tại không thể phát triển một cách nhanh chóng và đột phá mà cần có quá trình đào tạo và làm việc tuần tự.

Do đó, việc tạo ra một môi trường thuận lợi để thu hút các kỹ sư có kinh nghiệm từ nước ngoài về Việt Nam thành lập công ty và phát triển hệ sinh thái là rất quan trọng.

Trong chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn, chúng tôi rất mong muốn tạo ra một hệ sinh thái thúc đẩy sự khởi nghiệp và sáng tạo”, ông Nghĩa nói.

Nguồn nhân lực cũng là một trong những chính sách trọng tâm của TP. Đà Nẵng trong việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Tại phiên tọa đàm tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang tập trung vào ba nội dung chính: Thứ nhất là vấn đề nhân lực, thứ hai là hạ tầng, và thứ ba là các chính sách liên quan.

Nguồn nhân lực cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, và trong vấn đề này vai trò của nhà nước rất quan trọng”, ông Nguyễn Quang Thanh nói. “Ba bên gồm nhà nước, nhà trường và DN đều có vai trò riêng. Trong đó, nhà nước phải đảm bảo vai trò điều phối trong vấn đề chính sách, và vì vậy, thành phố chúng tôi xây dựng chính sách hỗ trợ cho cả người học và người dạy”.

Trong tham luận tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế vi mạch và Trí tuệ nhân tạo, Sở TT&TT Đà Nẵng, cho biết khi doanh nghiệp (DN) muốn phát triển, điều đầu tiên họ cần là nhân lực. Khi DN muốn đầu tư tại Đà Nẵng, câu hỏi đầu tiên họ đặt ra là về nguồn nhân lực.

danang.jpg
Ông Lê Hoàng Phúc: Đà Nẵng không đào tạo theo phong trào, đào tạo theo cái gì chúng ta có, mà tập trung vào nhu cầu thực tế của DN.

Đặc biệt, ông Lê Hoàng Phúc cho biết trong việc đào tạo, Đà Nẵng không “đào tạo theo phong trào, đào tạo theo cái gì chúng ta có, mà tập trung vào nhu cầu thực tế của DN”. Do đó, sau khi tiến hành các cuộc đàm phán đầu tư với các DN lớn từ Hoa Kỳ, Đài Loan, Đà Nẵng muốn biết nguồn nhân lực của họ đến từ các trường đại học nào. “Dựa trên thông tin đó, chúng tôi phối hợp với các trường đại học để tạo ra các chương trình hợp tác trong đào tạo”.

Bàn thảo nhiều vấn đề cốt lõi nhằm mở đường cho ngành công nghiệp bán dẫn

Theo thông tin được ông Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ, trong ngày 28/5, Bộ TT&TT đã tổ chức lần lấy ý kiến thứ tư về Chiến lược bán dẫn, với sự tham gia của các đại sứ quán Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và nhiều quốc gia khác.

Theo đó, ông Nghĩa cho biết “đại diện các Đại sứ quán đều có chung một nhận định mà tôi rất đắn đo. Đó là các quốc gia trong khu vực đang di chuyển rất nhanh. Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, và thậm chí cả Pakistan đều đang hành động một cách nhanh chóng. Nếu chúng ta không hành động nhanh chóng, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội này. Nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ chỉ diễn ra trong vòng 1-2 năm tới, và chúng ta cần phải nắm bắt thời cơ này ngay lập tức”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, những vấn đề như năng lượng sạch hay cơ sở hạ tầng cũng là những vấn đề cấp bách cần được giải quyết để mở đường rộng lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển. Đối với vấn đề năng lượng, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng tái tạo. Đây được xem là một yếu tố quan trọng trong sự cạnh tranh.

tdam.jpg
Nhiều vấn đề cốt lõi nhằm mở đường cho ngành công nghiệp bán dẫn phát triển đã được các chuyên gia bàn thảo.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng là bài toán cần giải quyết. Bởi vì, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, nếu chúng ta không thể bảo vệ tốt quyền SHTT, việc thu hút hoạt động thiết kế sẽ trở nên khó khăn. Do đó, theo ông Nghĩa, điều này là một yếu tố cơ bản mà chúng ta cần cải thiện và thay đổi nếu muốn thu hút sự chuyển đổi hiện nay.

Yếu tố tiếp theo được đề cập là hạ tầng giao thông và hạ tầng thủ tục xuất nhập khẩu. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam vẫn chưa đạt được tốc độ cần thiết so với thế giới trong việc giải quyết các thủ tục xuất nhập khẩu, khi so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, các yếu tố về chính sách ưu đãi cũng rất quan trọng. Các ưu đãi mà Việt Nam cung cấp cho DN trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn, được đánh giá là khá hấp dẫn. Điều này bao gồm ưu đãi về thuế thu nhập DN, miễn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, và nhiều hỗ trợ khác. Tuy vậy, vẫn cần có những chính sách cụ thể hơn nữa.

Chỉ khi có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết như hệ thống chính trị ổn định, nguồn nguyên liệu phong phú, nhân lực dồi dào, và cơ sở hạ tầng số phát triển…, ngành công nghiệp bán dẫn mới có thể phát triển mạnh mẽ. Sự chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn về chip bán dẫn mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển hạ tầng công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế thu hút đầu tư nước ngoài, các DN cũng cần nâng cao năng lực sản xuất nghiên cứu của mình để có thể tham gia chuỗi cung ứng đầy cơ hội nhưng cũng vô cùng thách thức này. Đây là thời điểm vàng để các DN bán dẫn Việt Nam nắm bắt cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp bán dẫn, các quốc gia trong khu vực đang đi rất nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO