Định hình cách làm mới, tư duy mới, khát vọng đi đầu về chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Thông tin và Truyền thông (ĐTBDCB TT&TT) đã triển khai đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng như phương thức triển khai.
Tóm tắt nội dung:
- Một số đổi mới trong công tác giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng về báo chí tại Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ TT&TT: áp dụng công nghệ trong giảng dạy; lấy học viên làm chủ đạo.
- Định hướng trong việc Dịch chuyển sang môi trường đào tạo, bồi dưỡng số trong đó nổi bật là:
+ Hình thành Platform cho Hệ sinh thái số cho các đối tượng khác nhau.
+ Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phần cứng, phần mềm, giải pháp "Trường đào tạo, Bồi dưỡng số".
+ Triển khai, tổ chức từng bước đưa các khóa đào tạo, bồi dưỡng sang môi trường đào tạo, bồi dưỡng số.
+ Nâng tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ số.
Đẩy mạnh đổi mới trong giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng về báo chí
Đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hai hình thức này đã được Nhà trường áp dụng linh hoạt, hiệu quả cùng với việc triển khai tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại các địa phương, tạo điều kiện cho học viên có thể tham gia học tập mọi lúc và ngay tại cơ quan nơi công tác của học viên.
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng về báo chí đã được Trường tập trung đẩy mạnh đổi mới trong giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng: Đầu tư, nghiên cứu tiếp cận các tài liệu và phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới, áp dụng công nghệ trong giảng dạy; tổ chức học tập theo phương thức trực tuyến, cầu truyền hình; áp dụng phương pháp đào tạo, bồi dưỡng mới trong đó lấy học viên làm chủ đạo, hướng học viên học tập theo phương pháp tăng cường tương tác; tăng cường mời giảng viên thỉnh giảng là công chức, viên chức quản lý thuộc các Bộ, ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.
Năm 2020 và năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, khó lường, nhà trường đã đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến (với tỷ lệ ~ 50%). Triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng phó tình hình dịch COVID-19, giảng viên đã kịp thời tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển đổi, đáp ứng các yêu cầu về giảng dạy trực tuyến, góp phần vào thành công trong công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy của Trường đã kịp thời chuyển dịch phương thức đào tạo, bồi dưỡng, tỷ lệ các lớp và số học viên được bồi dưỡng bằng phương thức trực tuyến trong năm 2021 đã tăng rõ rệt và đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Trường triển khai Dự án "Phát triển Báo chí Việt Nam" với sự đồng hành và tài trợ của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Giai đoạn 2020-2025, Dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của báo chí, và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội.
Ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả cao trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng góp phần chủ động với bài dạy, tài liệu sử dụng công nghệ thông tin từ đó học viên có thể tự học hỏi nghiên cứu bất kể thời gian nào.
Kiện toàn đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn giảng dạy phát triển cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật; có trình độ kiến thức, năng lực sư phạm góp phần xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện.
Dịch chuyển sang môi trường đào tạo, bồi dưỡng số
Để đạt được thành tựu như hiện nay và là địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng được xã hội tín nhiệm cao về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng bao gồm đào tạo lại, đào tạo nâng cao theo phương châm "học gắn liền với hành" trong thực tiễn công tác về các lĩnh vực có liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cho đối tượng cán bộ quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp; Là đơn vị dẫn dắt trong nghiên cứu và tư vấn chuyển giao công nghệ chuyển đổi số cho khối các trường đào tạo, bồi dưỡng của các Bộ/ngành Trung ương và địa phương, thì Trường phải hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2023 - 2025:
Thứ nhất, hình thành Platform cho Hệ sinh thái số các đối tượng: Thư viện - Nhà xuất bản - Chuyên gia - Giảng viên - Mentor - Doanh nghiệp đào tạo - Doanh nghiệp Công nghệ - Doanh nghiệp Nghề - Viện - Trường - Các đơn vị cần nhân sự - Các bộ phận quản lý nhân sự - Các đơn vị quản lý cán bộ.
Thứ hai, hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phần cứng, phần mềm, giải pháp "Trường đào tạo, Bồi dưỡng số" như: Phân hệ Báo cáo thống kê và phân tích dữ liệu; các phân hệ thông tin quản lý (Phân hệ Quản lý người học, đối tác; Phân hệ Quản lý giảng viên, cán bộ; Phân hệ Quản lý tài sản, cơ sở vật chất); các phân hệ quản lý nghiệp vụ (Cổng thông tin điện tử, tuyển sinh; Cổng thông tin điện tử người học, cán bộ, giảng viên; Phân hệ Quản lý đào tạo; Phân hệ Quản lý đào tạo trực tuyến; Phân hệ Quản lý khảo thí; Phân hệ Quản lý nghiên cứu khoa học; Phân hệ Quản lý hành chính).
Thứ ba, huy động nguồn lực từ Ngân sách Nhà nước; nguồn đầu tư, tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; sử dụng hạ tầng dùng chung.
Thứ tư, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, tự thay đổi nhận thức, trau dồi kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số đối với lãnh đạo và toàn thể viên chức, người lao động trong Trường, để từng bước thay đổi cách thức tổ chức, vận hành, sử dụng các nền tảng, công cụ làm việc phù hợp trong môi trường số.
Thứ năm, yêu cầu mỗi viên chức, người lao động thuộc Trường luôn có trách nhiệm tự nâng cao kỹ năng tự học, kỹ năng khai thác và tìm kiếm thông tin, sử dụng hiệu quả các nền tảng, mạng Internet để phục vụ công tác chuyên môn. Đồng thời nâng cao kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin, nhận diện các mối đe dọa an toàn thông tin trên môi trường số.
Đặc biệt, nhiệm vụ, giải pháp thứ sáu, xác định triển khai, tổ chức từng bước đưa các khóa đào tạo, bồi dưỡng sang môi trường đào tạo, bồi dưỡng số. Cụ thể như: Xây dựng khung chương trình, xây dựng kịch bản, quay dựng video, thiết kế đồ họa, đóng gói bài giảng; Mời giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm tham gia giảng dạy, thống nhất nội dung chương trình và biên soạn nội dung bài giảng; Các học liệu số được xây dựng là các bài giảng multimedia có tương tác, được đóng gói theo tiêu chuẩn được đánh giá là tốt nhất hiện nay Scorm/HTML5, được tích hợp nhiều định dạng khác nhau để tạo hiệu ứng cho người học.
Thứ bảy, nâng tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ số trong đó 60% cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 40% cho báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình. Trong đó, nghiên cứu việc biên soạn các chương trình, tài liệu về kiến thức, kỹ năng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số và một số kiến thức, kỹ năng khác liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT và theo nhu cầu của xã hội. Tổ chức các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kiến thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cho đội ngũ viên chức. Phương pháp đào tạo đổi mới theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý gắn với vị trí và trách nhiệm tương ứng của học viên. Tùy theo đặc thù của từng chuyên đề có thể lựa chọn các phương pháp phù hợp, vận dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến kết hợp sử dụng các công cụ, phương tiện dạy học hiện đại.
Đặc biệt, bám sát Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Trường phối hợp Cục Báo chí, Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 3.000 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí theo Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 359/QĐ-BTTTT ngày 25/2/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 146/ QĐ-TTg. Theo kế hoạch, 10.000 lượt học viên tham gia khóa học về chuyển đổi số, công nghệ số trong đó có 4.000 học viên thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản còn 6.000 thuộc lĩnh vực, ngành nghề khác./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022)