Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản xác định những mục tiêu, nội dung phát triển CPĐT, gần đây nhất là Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Kết quả phát triển CPĐT của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc trong 193 quốc gia từ năm 2014 đến năm 2020 tăng 13 bậc, từ xếp hạng thứ 99 lên xếp hạng thứ 86. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần đẩy mạnh triển khai như khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân, DN vẫn còn phải sử dụng nhiều hồ sơ, giấy tờ; số thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến để có thể hoàn toàn thực hiện trên môi trường điện tử còn thấp,...
Trên thế giới, xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với nền tảng cơ bản là các công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu (Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI),... đã tác động không nhỏ tới mô hình, phương thức hoạt động của chính phủ các quốc gia, các tổ chức, DN và cả thói quen, sinh hoạt thường ngày của con người.
Để nắm bắt cơ hội, theo kịp xu thế phát triển trên thế giới, ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu cơ bản là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Chính phủ số là một trong ba trụ cột trong công cuộc CĐS quốc gia.
Đại dịch COVID-19 diễn ra, đã chứng minh vai trò to lớn của việc ứng dụng công nghệ số và thực tế đã chứng minh chính phủ các quốc gia, các DN, tổ chức ứng dụng công nghệ số, CĐS sâu rộng các hoạt động ít bị tác động hơn so với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp còn chần chừ. Đồng thời, giúp chính phủ các quốc gia ứng phó kịp thời và linh hoạt đưa ra các giải pháp chính sách để duy trì hoạt động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để đẩy mạnh CĐS trong các cơ quan nhà nước, đưa hoạt động của Chính phủ, các cơ quan nhà nước lên môi trường số, Bộ TT&TT đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN công nghệ số trong nước xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030.
Chính phủ số và sự khác biệt so với Chính phủ điện tử
Để định hướng và thống nhất trong phát triển, tại dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số, Bộ TT&TT đã xác định rõ quan điểm và cũng chính là nội hàm khái niệm Chính phủ số tại Việt Nam đó là: “Chính phủ số là chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội”.
So sánh CPĐT với Chính phủ số, ta có thể hiểu một cách tổng thể là: CPĐT là Chính phủ ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và DN. Trong khi Chính phủ số giúp cải tiến mô hình hoạt động, vận hành tối ưu hơn dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Bảng dưới đây (Bảng so sánh nội hàm giữa CPĐT và Chính phủ số) sẽ cho chúng ta cái nhìn cụ thể hơn về sự khác nhau giữa CPĐT và Chính phủ số.
Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030
Với quan điểm phát triển Chính phủ số dẫn dắt CĐS quốc gia, thay đổi thứ hạng quốc gia mang tính đột phá, dự thảo Chiến lược xác định mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên dự thảo xác định các nhóm mục tiêu chiến lược gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội (các thủ tục hành chính hướng tới cung cấp hoàn toàn trên môi trường số, cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính nhờ ứng dụng công nghệ và dữ liệu), huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội (cơ quan nhà nước mở dữ liệu để DN tiếp cận, phát triển các dịch vụ sáng tạo, cung cấp dịch vụ mới, tham gia quá trình cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước,...), vận hành tối ưu hoạt động của cơ quan nhà nước (các dịch vụ sẵn sàng cung cấp mọi lúc, mọi nơi theo nhu cầu của người dân, DN; hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số) và Chính phủ số giúp giải quyết các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó mục tiêu tập trung giải quyết một số vấn đề lớn như: phát triển hạ tầng số cho người dân, bảo đảm quyền riêng tư trên môi trường số, các vấn đề về y tế, sức khỏe người dân; giáo dục, cơ hội học tập suốt đời; nông nghiệp; lao động, việc làm; giao thông vận tải; thương mại,...
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Ở quy mô quốc gia, Chính phủ, các bộ, ngành tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau: Hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số, phát triển dữ liệu số, phát triển các ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia và các hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Trong đó, bao gồm một số nhiệm vụ như: Sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử; xây dựng Nghị định của Chính phủ về Chính phủ số; phát triển Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp từ Trung ương đến cấp xã; xây dựng nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia, nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, DN, coi đây là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm; phát triển các dữ liệu chuyên ngành về tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, giáo dục, y tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội,...; phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dữ liệu Quốc gia, xây dựng Hệ thống họp trực tuyến, Hệ thống hỗ trợ làm việc từ xa và các hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số.
Tại các bộ, ngành, địa phương, để phát triển Chính phủ số, chính quyền số, căn cứ nội dung Chiến lược Chính phủ số sẽ được ban hành, các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển bảo đảm đồng bộ với kế hoạch 5 năm dựa trên các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện quy chế, quy định để phát triển chính phủ số, chính quyền số tại các bộ, ngành, địa phương; phát triển hạ tầng số; phát triển các hệ thống, nền tảng, dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ và các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng đối với hạ tầng, nền tảng, dịch vụ tại các bộ, ngành, địa phương.
Thay lời kết
Phát triển Chính phủ số là xu hướng lớn, diễn ra trên bình diện thế giới, mang tính không thể đảo ngược, nhất là trong xu thế CĐS mạnh mẽ, phát triển Chính phủ số càng cần được đẩy mạnh, phát triển, phát huy vai trò Chính phủ kiến tạo để dẫn dắt phát triển kinh tế, xã hội thông qua phát triển kinh tế số và xã hội số.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2021)