Make in Vietnam

DN FDI chuyển đổi thành nhà máy thông minh trên nền tảng công nghệ Việt

Hoàng Linh 16/10/2024 09:43

Theo Tổng giám đốc Orion Food Vina, việc triển khai nhà máy thông minh tại doanh nghiệp FDI là một sự chuyển đổi trên nền tảng công nghệ Việt, đóng góp thêm một điển hình cho công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Triển khai nhà máy thông minh Orion giúp tăng năng suất, tạo lợi thế cạnh tranh

Orion là nhà sản xuất bánh, kẹo nổi tiếng của Hàn Quốc được thành lập năm 1956. Đến nay, Orion đã mở rộng kinh doanh trên quy mô toàn cầu, có mặt ở hầu hết các châu lục. Công ty gia nhập thị trường Việt Nam năm 1995 khi nhận thấy hai nước có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam đã xây dựng một môi trường đầu tư thân thiện, là thị trường lớn và Orion mở nhà máy đầu tiên tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bến Cát, Bình Dương, thuộc Tổng công ty Becamex IDC vào năm 2006.

Sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam, Orion đã trở thành nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Tháng 5/2024, Tổng công ty Becamex IDC cùng Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) và Tập đoàn Orion Hàn Quốc triển khai ký kết hợp tác và khởi động dự án Smart Factory cho nhà máy của Orion Foods Vina tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bến Cát, Bình Dương.

Mục tiêu chính của dự án chính là hỗ trợ thiết kế xây dựng nhà máy Orion Food Vina chuyển đổi trở thành nhà máy thông minh theo mô hình ISA-95, kết hợp ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0; thực hiện số hóa toàn bộ nhà máy, tối ưu quá trình sản xuất thực phẩm, từ đó tăng cường hiệu suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí vận hành.

Dự án nhà máy thông minh Orion Food Vina trở thành hình mẫu chuyển đổi trong ngành thực phẩm tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và hiệu quả sản xuất.

nha-may-thong-minh-orion.jpg
Bên trong nhà máy thông minh. Ảnh minh họa (Nguồn: R&D).

Dự án được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đang thực hiện) bắt đầu từ tháng 4 - 10/2024; giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 1 - 7/2025 và giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 10/2025 đến tháng 3/2026.

Trong giai đoạn 1 đang thực hiện, VNTT triển khai hệ thống giám sát năng lượng tập trung (Smart Energy Management System) cho nhà máy Orion Foods Vina, bao gồm: Xây dựng phòng quản lý tập trung (IOC), lắp đặt thiết bị và kết nối dữ liệu để giám sát được hệ thống năng lượng tiêu thụ của nhà máy và từng dây chuyền sản xuất và xây dựng hệ thống giám sát camera tập trung (VMS) cho nhà máy.

Các giải pháp của VNTT ứng dụng công nghệ Industrial IoT, đám mây và điện toán biên để trích xuất dữ liệu thông qua các thiết bị IoT gateway và cảm biến hiện đại, từ đó giám sát được toàn bộ các hệ thống tiêu thụ năng lượng bao gồm cơ sở hạ tầng, hệ thống mạng, các dây chuyền sản xuất, khối văn phòng và nhiều tiện ích trong khu vực nhà máy.

orion.jpg
Hệ thống giám sát điều khiển quản lý tập trung. Ảnh minh họa (nguồn: R&D).

Tại các giai đoạn 2 và 3, VNTT lần lượt triển khai các hệ thống quản lý sản xuất MES liên kết với ERP và các hệ thống thông minh ứng dụng AI, dữ liệu lớn để giúp nhà máy hoàn thiện chuyển đổi mô hình nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh (smart factory) ứng dụng nhiều công nghệ trong CMCN 4.0.

Tại phòng điều hành IOC, phần mềm quản lý giám sát tập trung cho toàn bộ hệ thống năng lượng sẽ được VNTT triển khai trên các máy tính công nghiệp và hệ thống màn hình chất lượng cao.

Bốn kiến nghị về chuyển đổi sản xuất công nghiệp thông minh

Sau hơn 5 tháng khởi công, ông Park SE Yeol, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Orion Food Vina đã thông tin về một số kết quả triển khai nhà máy thông minh của công ty tại sự kiện Chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024 vừa được Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức tại Hà Nội.

ong-park.jpg
Ông Park SE Yeol: Cần xây dựng một chính sách ở quy mô quốc gia để hỗ trợ, thúc đẩy các DN sản xuất, chuyển đổi sản xuất công nghiệp thông minh.

Theo ông Park SE Yeol, trong gần 30 năm hoạt động tại Việt Nam, công ty không ngừng chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của Việt Nam nhưng song song với quá trình phát triển đó, lợi thế về nhân công giá rẻ không còn là một ưu thế đối với các nhà đầu tư như Orion.

Chính phủ, các Bộ ban ngành như Bộ TT&TT, chính quyền các địa phương như Bình Dương đều nhận thức sâu sắc về vấn đề này và đã xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ các đầu tư FDI cũng như các DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp thông minh.

Tại Bình Dương, hơn 30 năm qua, công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền, đặc biệt từ Tổng công ty Becamex IDC cho quá trình phát triển chuyển đổi sang công nghiệp thông minh. Tổng công ty Becamex IDC đã đầu tư hạ tầng dùng chung, lab nghiên cứu, trung tâm sản xuất và về công nghệ 4.0 để các DN sản xuất, khởi nghiệp, các công ty công nghệ địa phương phát triển các giải pháp công nghệ 4.0 như nhà máy thông minh và thành phố thông.

VNTT là thành viên của Becamex IDC đã đề nghị hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp bằng nền tảng nhà máy thông minh do Becamex và VNTT xây dựng và giới thiệu.

Vượt qua những hoài nghi ban đầu, qua nhiều lần đánh giá, ông Park SE Yeol cho biết đội ngũ chuyên gia của công ty đã đánh giá rất cao giải pháp nhà máy thông minh do Becamex IDC và VNTT phát triển với kiến trúc hiện đại, đầy đủ, thông minh, cùng tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, không thua kém các giải pháp quốc tế nhưng chi phí lại rất phù hợp.

Đặc biệt, cũng theo ông Park SE Yeol, việc nâng cấp nhà máy qua gần 20 năm trở thành nhà máy thông minh ứng dụng các công nghệ như AI, dữ liệu lớn, IoT là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các kỹ sư người Việt tại Becamex cũng như VNTT đã giúp cho công ty thấy được sự tự tin về năng lực và khả năng triển khai rất tốt.

Dự án nhà máy thông minh Orion đang triển khai giai đoạn 1, hướng đến vận hành nhà máy hoàn toàn thông qua dữ liệu, giám sát và tối ưu hoá tiêu thụ năng lượng, các nguyên vật liệu đầu vào, kế hoạch sản xuất và quá trình sản xuất kết nối điều hành tập trung, dữ liệu phân tích, điều hành theo thời gian thực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như ISA-95, an toàn an ninh thông tin, an ninh mạng. Khi dự án hoàn thành theo tính toán sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế như tăng năng suất một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trong giai đoạn tiếp theo, ông Park SE Yeol nhà máy sẽ hoàn thiện hệ thống tự động hoá điều hành và quản lý sản xuất thông qua hệ thống IDS, hay là kết nối, quản trị với mục tiêu cao nhất là xây dựng dây chuyền sản xuất, điều hành, nguồn nhân lực công ty sẽ được đào tạo để giám sát thiết bị thông minh.

Ông Park SE Yeol đánh giá cách tiếp cận của Becamex IDC và VNTT đang là một cách đi đúng đắn giúp Việt Nam chuyển đổi nền tảng sản xuất, làm chủ giải pháp công nghệ, giải quyết bài toán năng suất lao động.

Với những triển khai bước đầu, ông Park SE Yeol cũng nêu 4 kiến nghị:

Đầu tiên cần xây dựng một chính sách ở quy mô quốc gia để hỗ trợ, thúc đẩy các DN sản xuất, chuyển đổi sản xuất công nghiệp thông minh và bao gồm các DN FDI, đặc biệt SME trong nước. Một số cơ quan chuyên trách có thể phối hợp Văn phòng sản xuất thông minh trực thuộc Văn phòng Chính phủ Hàn Quốc.

Thứ hai, cần có nhiều nhà kiến tạo hạ tầng như Becamex IDC đã chủ động kiến tạo các hệ sinh thái, các DN số, hub giải pháp số gắn liền các DN sản xuất công nghiệp như Orion để nắm rõ nhu cầu và tác động trực tiếp vào quá trình chuyển đổi, đồng thời tạo ra thị trường thu hút nhà đầu tư thế hệ mới cũng như hỗ trợ công nghệ giải pháp địa phương.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần quan tâm phát triển các DN trong nước, làm chủ các công nghệ 3.0, 4.0 để tạo ra các phương tiện sản xuất; công nghệ vận hành tự động hoá 3.0 vẫn là linh hồn của nền sản xuất hiện tại và là nền tảng để phát triển công nghệ 4.0.

Thứ tư, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, trong đó công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ để người Việt làm chủ công nghệ và công nghệ Việt là yếu tố sống còn để đổi mới và phát triển.

Cuối cùng, ông Park SE Yeol khẳng định việc triển khai nhà máy thông minh Orion Vina gồm DN FDI chuyển đổi trên nền tảng công nghệ Việt sẽ đóng góp thêm một điển hình cho công nghiệp 4.0 của Việt Nam./.

Bài liên quan
  • BFSI và xu hướng chuyển đổi sang nền tảng công nghệ Việt
    Ngân hàng có lịch phát triển hàng trăm năm với dịch vụ số đầu tiên là dịch vụ sao kê tài khoản ở những năm thập niên 90, tuy nhiên, từ đó đến nay việc chuyển đổi số (CĐS) ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (BFSI) đã diễn ra nhanh chóng với giao dịch điện tử và hàng loạt ngân hàng số ra đời.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
DN FDI chuyển đổi thành nhà máy thông minh trên nền tảng công nghệ Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO