Chuyển đổi số

Đo lường mức độ Chuyển đổi số của Việt Nam

Hương Đặng, Đinh Thanh Hà 24/06/2023 00:00

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Để đánh giá quá trình triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, việc đo lường mức độ CĐS là một nhiệm vụ quan trọng.

Tóm tắt:
* Tình hình đo lường CĐS trên thế giới
* Triển khai đo lường mức độ CĐS của VN trong thời gian qua
- Chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương và của quốc gia (DTI) (từ 2020).
- DTI bao gồm 3 cấp: DTI cấp tỉnh; DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia.
- DTI được cấu trúc theo 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
* Bàn luận và kiến nghị
- Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát sao mức độ chuyển đổi số của mình qua đánh giá DTI hằng năm của Bộ TT&TT.
- Các bộ, ngành, địa phương căn cứ DTI cần thực hiện đánh giá hoạt động CĐS của mình bằng
phương pháp lượng hóa cụ thể.
- Bộ TT&TT xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá tính năng, chức năng kỹ thuật để các bộ, ngành, địa phương triển khai, phát triển.
- Bộ TT&TT nên xem xét điều chỉnh tiêu chí theo định hướng mở để mọi doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể tham gia một cách phù hợp.

Tình hình đo lường CĐS trên thế giới

Thuật ngữ “Chuyển đổi số” được nói đến nhiều trên thế giới vào khoảng năm 2015 và trở nên phổ biến từ năm 2017. Do đó, hiện nay, việc đo lường CĐS cũng mới được thực hiện với các quy mô, mức độ khác nhau. Một số chỉ số có tính phổ biến như sau:

a) Đo lường CĐS thế giới

* Chỉ số trưởng thành công nghệ của chính phủ (GovTech)

Chỉ số trưởng thành công nghệ của chính phủ (GovTech Maturity Index - GTMI) của Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện từ năm 2021 và đã công bố được 2 phiên bản (2021 và 2022). Đây là thước đo toàn diện nhất về CĐS trong khu vực công trong 2 năm 2021 và 2022. GTMI không nhằm mục đích xếp hạng hoặc đánh giá mức độ sẵn sàng hoặc hiệu suất GovTech của một quốc gia mà hướng tới cung cấp công cụ dự đoán dựa trên cơ sở và điểm chuẩn cho sự trưởng thành của GovTech để xác định các lĩnh vực cần cải thiện.

ky-nang-so.jpeg

Báo cáo GTMI năm 2022 thu thập thông tin từ 198 quốc gia trên toàn thế giới và bao gồm sự tham gia trực tiếp của nhiều quan chức chính phủ. GTMI đo lường sự trưởng thành của các quốc gia trong quá trình CĐS của chính phủ tập trung 4 lĩnh vực trọng tâm như sau:

i- Chỉ số Hệ thống Chính phủ Cốt lõi (The Core Government Systems Index - CGSI:) nắm bắt các khía cạnh chính của cách tiếp cận toàn bộ chính phủ, bao gồm đám mây chính phủ, khung khả năng tương tác và các nền tảng khác.

ii- Chỉ số Cung cấp dịch vụ công (DVC) (The Public Service Delivery Index - PSDI) đo lường mức độ hoàn thiện của cổng DVC trực tuyến, trong đó chú trọng đến thiết kế lấy người dân làm trung tâm và khả năng tiếp cận phổ cập.

iii- Chỉ số Tham gia của Công dân số (The Digital Citizen Engagement Index - DCEI) đo lường các khía cạnh của nền tảng tham gia của công dân, cơ chế phản hồi của công dân, dữ liệu mở và cổng chính phủ mở.

iv- Chỉ số Hỗ trợ GovTech (The GovTech Enablers Index - GTEI) nắm bắt chiến lược, thể chế, luật và quy định, cũng như các kỹ năng số cũng như các chính sách và chương trình đổi mới để thúc đẩy GovTech.

Báo cáo GTMI năm 2022 công bố tháng 12/2022 của WB xếp loại 198 quốc gia thành 4 mức độ, bao gồm: 34,8% rất Cao; 23,2% Cao; 26,8% Trung bình; 15,2% Thấp. Việt Nam được xếp ở nhóm Cao.

* Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) (E-Government)

Chỉ số phát triển CPĐT (E-Government Development Index - EGDI) của Liên Hợp Quốc thực hiện từ năm 2001 và đã công bố được 12 phiên bản. Báo cáo năm 2022 với chủ đề Tương lai của Chính phủ số nhấn mạnh đến những đóng góp ngày càng tăng của CĐS, chính phủ số trong việc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong thời đại kỹ thuật số. Đồng thời, khẳng định trong tương lai chính phủ số sẽ tiếp tục hỗ trợ con người giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác như các cuộc khủng hoảng đối với hòa bình, an ninh, ổn định xã hội, sức khỏe cộng đồng, khí hậu... để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đặt ra đến năm 2030.

Báo cáo EGDI năm 2022 khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu trên cơ sở đánh giá chỉ số phát triển, được cấu thành bởi 3 chỉ số chính như sau:

i- Chỉ số Hạ tầng Viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index - TII) được đánh giá dựa trên dữ liệu do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cung cấp, và là tổng hợp trung bình của 4 chỉ số thành phần như sau: Tỷ lệ người dùng Internet, trọng số 25%; Số thuê bao di động trên 100 dân, trọng số 25%; Số thuê bao băng rộng di động đang hoạt động trên 100 dân, trọng số 25%; Số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân, trọng số 25%.

ii- Chỉ số Nguồn nhân lực (Human Capital Index - HCI): được đánh giá dựa trên dữ liệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) cung cấp, và là tổng hợp của 4 chỉ số thành phần như sau: Tỷ lệ người lớn (từ 15 tuổi trở lên) biết đọc, biết viết (chiếm 1/3); Tỷ lệ đăng ký nhập học (chiếm 2/9); Số năm đi học dự kiến (chiếm 2/9); Số năm học trung bình (chiếm 2/9).

iii- Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (Online Service Index - OSI): được Liên Hợp Quốc tính toán dựa trên dữ liệu thu thập thông qua phiếu khảo sát gửi tới các quốc gia thành viên và phiếu khảo sát ý kiến chuyên gia được thực hiện độc lập bởi Cơ quan về các vấn đề Kinh tế và Xã hội (UNDESA).

Chỉ số Dịch vụ trực tuyến năm 2022 được đánh giá dựa trên 5 nhóm tiêu chí: Khung thể chế (chiếm 10%), Cung cấp nội dung (chiếm 5%), Cung cấp dịch vụ (chiếm 45%), Công nghệ (chiếm 5%) và Tham gia điện tử (chiếm 35%); mỗi nhóm tiêu chí đều sẽ gồm các tiêu chí chi tiết.

Năm 2022 còn là năm đầu tiên Liên Hợp Quốc đánh giá về mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến thay vì chỉ đánh giá có cung cấp dịch vụ trực tuyến. Mức độ hoàn thành dịch vụ trực tuyến tức là khả năng thực hiện toàn bộ giao dịch của dịch vụ trên môi trường (tương đương với DVC trực tuyến (DVCTT) toàn trình theo quy định của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước (CQNN) trên môi trường mạng) hay chỉ thực hiện trực tuyến một phần và người dân vẫn phải hiện diện để hoàn thành hầu hết các giao dịch (DVCTT một phần).

Ngoài ra, Báo cáo còn khảo sát và đánh giá thêm 3 chỉ số phụ khác, gồm Chỉ số Tham gia điện tử, Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương và Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ.

b) Đo lường CĐS cấp khu vực

* Đo lường Chính phủ số của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)

Chỉ số Chính phủ số (Digital Government Index - DGI) được OECD đánh giá dựa trên Khuyến nghị về Chiến lược chính phủ số mà OECD đưa ra năm 2014, đến nay mới công bố 1 lần vào năm 2020 (kết quả đánh giá của năm 2019).

Mục tiêu của DGI là đo lường mức độ trưởng thành của chiến lược Chính phủ số ở các quốc gia thành viên và đối tác của OECD dựa trên bằng chứng thu thập được thông qua Khảo sát về Chính phủ số gửi đến các thành viên, từ đó hỗ trợ các chính phủ thúc đẩy quá trình CĐS, cung cấp các dịch vụ và chính sách tốt hơn, đóng góp cho người dân nhiều hơn, nâng cao năng lực của khu vực công để đối mặt với những thách thức và các vấn đề mới nổi trên thế giới.

DGI được đánh giá thông qua 6 khía cạnh (dimensions) gồm: Kỹ thuật số theo thiết kế (Digital by design); Khu vực công dựa trên dữ liệu (Data-driven public sector); Chính phủ như một nền tảng (Government as a platform); Mở theo mặc định (Open by default); Hướng đến người dùng (User-driven); Tính chủ động (Proactiveness).

Để đánh giá và đo lường, OECD gửi phiếu khảo sát đến email đầu mối được chỉ định của các quốc gia và thực hiện trực tuyến, sau đó OECD sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá nội dung trả lời kèm theo bằng chứng cụ thể.

Hiện OECD đang thực hiện đánh giá DGI lần thứ hai, đã có cập nhật theo hướng toàn diện, thân thiện với người trả lời hơn so với phiên bản thứ nhất.

* Đo lường Dữ liệu số của OECD

Chỉ số Dữ liệu mở, hiệu quả và tái sử dụng dữ liệu (OURdata) được OECD đánh giá thử nghiệm từ năm 2015, đến nay đã công bố 3 lần, hiện đang triển khai đánh giá lần thứ tư. OURdata được OECD đánh giá theo 3 trụ cột (pillar) gồm:

i- Sự sẵn sàng của dữ liệu (Data availability) gồm 3 nội dung đánh giá thành phần: Chính sách nội dung mở theo mặc định (Content of the open by default policy); Cam kết phát hành dữ liệu (Stakeholder engagement for data release); Triển khai: Tính sẵn có ngày càng tăng của dữ liệu chính phủ mở (Implementation: The increasing availability of open government data).

ii- Khả năng truy cập dữ liệu (Data accessibility) gồm 3 nội dung đánh giá thành phần: Nội dung của Chính sách truy cập dữ liệu không hạn chế (Content of the unrestricted access to data policy); Cam kết về chất lượng và tính đầy đủ của dữ liệu (Stakeholder engagement for data quality and completeness); Triển khai: Từ yêu cầu về chất lượng dữ liệu đến khả năng tiếp cận trong thực tế (Implementation: From requirements on data quality to accessibility in practice).

iii- Chính phủ hỗ trợ tái sử dụng dữ liệu (Government support for data reuse) gồm 3 nội dung đánh giá thành phần: Các sáng kiến thúc đẩy dữ liệu và quan hệ đối tác (Data promotion initiatives and partnerships); Các chương trình nâng cao nhận thức dữ liệu trong chính phủ (Data literacy programmes in government); Đánh giá tác động (Monitoring impact).

Chỉ số OURdata có giá trị từ 0 đến 1, và bằng tổng giá trị của 03 trụ cột; mỗi trụ cột có giá trị từ 0 đến 0,33.

Để đánh giá và đo lường OURdata, OECD gửi phiếu khảo sát đến email đầu mối được chỉ định của các quốc gia và thực hiện khảo sát trên nền tảng trực tuyến chuyên dụng, sau đó OECD sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá nội dung trả lời kèm theo bằng chứng cụ thể. OECD cũng giải thích rất rõ ràng từng nội dung câu hỏi, câu trả lời tương ứng và cho phép bổ sung thêm thông tin sau khi đã trả lời xong khảo sát.

*Chỉ số Kinh tế số và Xã hội số (DESI) của Ủy ban châu Âu

Chỉ số Kinh tế số và Xã hội số (Digital Economy and Society Index - DESI) của Ủy ban châu Âu (EU) đánh giá từ năm 2014, nhằm mục đích giám sát hiệu suất số hóa tổng thể của châu Âu và theo dõi tiến trình của các nước châu Âu bằng cách cung cấp dữ liệu về trạng thái số hóa của từng quốc gia thành viên, giúp họ xác định các lĩnh vực cần đầu tư và có những hành động ưu tiên.

Báo cáo DESI 2022 đánh giá 4 thành phần:

i- Nguồn nhân lực (Human Capital): tập trung vào kỹ năng số cơ bản của người dùng, kỹ năng số của chuyên gia và chuyên gia nữ về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT).

ii- Kết nối (Connectivity): tập trung vào hạ tầng băng rộng cố định, di động, mạng 5G và mức giá băng rộng.

iii- Tích hợp công nghệ số (Intergration of Digital Technology): tập trung vào mức độ số hóa, các công nghệ số cho doanh nghiệp (DN) (như Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn), thương mại điện tử.

iv- Dịch vụ số của khu vực công (Digital Public Services): tập trung vào đánh giá các dịch vụ công, dữ liệu mở cung cấp cho người dân, DN trên môi trường số.

Báo cáo DESI 2022 cho thấy rằng hầu hết các quốc gia thành viên đang đạt được tiến bộ trong quá trình CĐS, nhưng việc áp dụng các công nghệ số quan trọng (như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn) của các DN thuộc các quốc gia này vẫn còn thấp, kể cả trong số các quốc gia đi đầu châu Âu. Mức độ kỹ năng số không đủ sẽ cản trở triển vọng phát triển trong tương lai, làm cho khoảng cách số ngày càng sâu sắc khi ngày càng nhiều dịch vụ, bao gồm cả những dịch vụ thiết yếu, được chuyển sang trực tuyến. Cần tăng cường nỗ lực để đảm bảo triển khai đầy đủ cơ sở hạ tầng kết nối phổ biến (đặc biệt là 5G) cần thiết cho các dịch vụ và ứng dụng có tính sáng tạo cao.

* Đo lường CĐS cho cấp địa phương

Tháng 11/2022, Cơ quan Chính phủ số của Saudi Arabia đã công bố Kết quả đo lường về CĐS của các cơ quan chính phủ năm 2022. Đây là một quá trình đánh giá dựa trên một phương pháp cụ thể được khởi động từ tháng 3/2022 nhằm phân tích hiện trạng và theo dõi quá trình phát triển CĐS của các cơ quan chính phủ theo các tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất, từ đó góp phần đạt được các mục tiêu của Tầm nhìn Saudi Arabia đến năm 2030.

Việc đánh giá hoàn toàn dựa trên dữ liệu do các cơ quan chính phủ cung cấp cho Cơ quan Chính phủ số thông qua Hệ thống đo lường. Các kết quả thể hiện trong Báo cáo này thể hiện cam kết của các cơ quan đối với các tiêu chuẩn cơ bản của CĐS. Chỉ số đo lường CĐS bao gồm hai chỉ số thành phần như sau:

- Chỉ số đầu tiên: bao gồm 43 tiêu chuẩn bắt nguồn từ các nghị quyết, sắc lệnh và thông tư, theo 12 đối tượng, chiếm trọng số 25%.

- Chỉ số thứ hai: bao gồm 68 tiêu chuẩn chuyển đổi số, được chia thành 19 chủ đề, chiếm trọng số 75%.

Về mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn được xác định gồm 03 mức: tuân thủ đầy đủ; tuân thủ một phần; chưa tuân thủ.

Như vậy có thể thấy, trên thế giới có nhiều chỉ số đo lường về CĐS, liên quan đến chuyển đổi số với quy mô, phạm vi khác nhau nhưng đều hướng tới mục đích là cung cấp cho các nhà lãnh đạo của tổ chức các thông tin về hiện trạng CĐS của tổ chức và từ đó có thể xác định được điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần khắc phục trong quá trình CĐS.

Triển khai đo lường mức độ CĐS của Việt Nam trong thời gian qua

Thực hiện nhiệm vụ được giao về việc đánh giá mức độ chuyển đổi theo Chương trình CĐS quốc gia, với mục tiêu để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện CĐS hàng năm của các bộ, ngành (gọi chung là các bộ), các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là các tỉnh) và của cả nước; Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tình hình triển khai CĐS trong nước, ngày 12/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Bộ chỉ số đánh giá CĐSô của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia (DTI) tại Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT.

Cấu trúc bộ chỉ số DTI

DTI bao gồm 3 cấp: DTI cấp tỉnh; DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia.

DTI cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột (pillar) là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong mỗi trụ cột đều có 7 chỉ số chính, gồm: Chỉ số Chuyển đổi nhận thức; Chỉ số Kiến tạo thể chế; Chỉ số Phát triển Hạ tầng và nền tảng số; Chỉ số Thông tin và Dữ liệu số; Chỉ số Hoạt động chuyển đổi số; Chỉ số An toàn, an ninh mạng; Chỉ số Đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính bao gồm các chỉ số thành phần và các tiêu chí. DTI cấp tỉnh gồm 3 trụ cột; 21 chỉ số chính; 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí.

Trong khi đó, DTI 2020 cấp bộ không đánh giá riêng theo các trụ cột như cấp tỉnh mà đánh giá chung, bao gồm 7 chỉ số chính tương ứng với DTI cấp tỉnh; 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí.

to-cong-nghe-so-cong-dong-tai-cac-dia-phuong.jpeg

Thang điểm đánh giá DTI

- Tổng điểm DTI cấp tỉnh là 1000 điểm (trong đó Chính quyền số: 400 điểm, Kinh tế số: 300 điểm, và Xã hội số: 300 điểm).

- Tổng điểm DTI cấp bộ là 500 điểm.

- Đối với DTI cấp tỉnh và cấp bộ, điểm đánh giá theo số liệu báo cáo và điều tra xã hội chiếm 80%; Điểm đánh giá theo sắc thái thông tin trên không gian mạng chiếm 10%; Điểm đánh giá qua phỏng vấn chuyên gia chiếm 10%.

- Trong DTI cấp tỉnh, điểm cho Chỉ số chính Hoạt động CĐS của mỗi trụ cột chiếm 20%, các chỉ số chính còn lại mỗi chỉ số 10% số điểm (đánh giá theo số liệu báo cáo, thống kê và điều tra xã hội).

- Trong DTI cấp bộ, điểm cho Chỉ số chính Hoạt động CĐS chiếm 16%, điểm cho Chỉ số chính Kiến tạo thể chế chiếm 14%, các chỉ số chính còn lại mỗi chỉ số 10% số điểm (đánh giá theo số liệu báo cáo, thống kê và điều tra xã hội).

Nguồn dữ liệu đánh giá

Dữ liệu cho công tác đánh giá được tổng hợp từ 4 nguồn là: (1) Số liệu do bộ, tỉnh cung cấp; (2) Số liệu đánh giá thông qua điều tra xã hội; (3) Số liệu đánh giá trên không gian mạng; (4) Số liệu đánh giá qua phỏng vấn chuyên gia.

Đến năm 2022, trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức đánh giá DTI 2020 và cập nhật xu hướng của thế giới, Bộ TT&TT đã cập nhật Bộ chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia (DTI) tại Quyết định số 922/QĐ- BTTTT ngày 20/5/2022.

Điểm khác biệt của DTI tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT so với Quyết định 1726/QĐ- BTTTT

Về chính sách, cập nhật các nội dung của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó bổ sung thêm nhiều chỉ số đánh giá phát triển và sử dụng các nền tảng số phục vụ CĐS.

Về cấu trúc, so với năm 2020, cấu trúc DTI 2021 có thay đổi nhưng không đáng kể (giữ nguyên 05 chỉ số chính: Nhận thức số; Thể chế số; Hạ tầng số; Nhân lực số; An toàn thông tin mạng; và gộp chỉ số Thông tin và Dữ liệu số vào Hoạt động CĐS). Tuy nhiên, tinh gọn rất nhiều chỉ số (từ 306 chỉ số cấp tỉnh còn 98 chỉ số; từ 111 chỉ số cấp bộ còn 70 chỉ số) và hướng tới các chỉ số có thể đo lường tự động hoặc kiểm chứng được. Cụ thể như sau:

- DTI cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột (pillar) là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bao gồm Thông tin chung và Chỉ số đánh giá gồm 09 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 06 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin (ATTT) mạng, Đô thị thông minh; Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 03 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số.

- DTI cấp bộ bao gồm Thông tin chung (để cung cấp các thông tin tổng quan về bộ nhưng không dùng để đánh giá) và Chỉ số đánh giá gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. 6 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 5 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, ATTT mạng; Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 01 chỉ số Hoạt động CĐS.

Về thang điểm: (1) Thang điểm DTI cấp tỉnh có Tổng 1.000 điểm, trong đó: 500 điểm cho nhóm chỉ số nền tảng chung, 500 điểm cho nhóm chỉ số về hoạt động; (2) Thang điểm DTI cấp bộ có Tổng điểm 1.000 điểm, trong đó: 500 điểm cho nhóm chỉ số nền tảng chung, 500 điểm cho chỉ số Hoạt động CĐS.

Nguồn dữ liệu đánh giá: Dữ liệu cho công tác đánh giá được thu thập, tổng hợp từ các nguồn: (1) Số liệu do bộ, tỉnh cung cấp; (2) Số liệu đánh giá độc lập các chỉ số thành phần có số liệu do Bộ TT&TT hoặc bộ, ngành khác theo dõi, giám sát qua các hệ thống thông tin.

Sau 2 lần đánh giá kết quả triển khai CĐS năm 2020, 2021 (đánh giá vào năm 2021, 2022) cho thấy giá trị DTI quốc gia đến hết năm 2021 đạt trên mức trung bình 0,5, tăng trưởng 25,8% so với năm trước.

Chuyển đổi nhận thức, Kiến tạo thể chế và Phát triển hạ tầng số là 03 nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên tạo nền móng chuyển đổi số. Chuyển đổi nhận thức, Kiến tạo thể chế và Phát triển hạ tầng số tiếp tục được đẩy mạnh và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Phát triển nhân lực số và bảo đảm ATTT mạng vẫn tiếp tục là các vấn đề cần phải giải quyết sớm, tạo điều kiện tiên quyết CĐS các cấp thời gian tới.

Tuy nhiên Chỉ số trung bình DTI 2020, 2021 của các bộ, tỉnh còn thấp, chưa đạt 0,5, tức là vẫn chưa đạt 50% mục tiêu đặt ra.

tthcc.jpeg
Người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: stttt.tuyenquang.gov.vn)

Bàn luận và kiến nghị

Việt Nam đã bước sang năm thứ ba của Chương trình CĐS quốc gia, Bộ TT&TT đã tổ chức đo lường, đánh giá và công bố kết quả năm 2020, 2021. Trên cở sở công tác triển khai đánh giá và kết quả đánh giá DTI năm 2020, 2021, để công tác triển khai CĐS ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, tác giả có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt, dành nguồn lực cho CĐS hơn nữa để hướng đến đạt được các mục tiêu đến năm 2025.

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát sao mức độ CĐS của mình qua đánh giá DTI hằng năm của Bộ TT&TT để có những giải pháp thúc đẩy phù hợp, khắc phục những mặt còn hạn chế, theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp đặc thù ngành, lĩnh vực của bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, căn cứ bộ chỉ số DTI, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đánh giá hoạt động chuyển đổi số của mình bằng những phương pháp lượng hóa cụ thể để từ đó có cách nhìn nhận toàn diện và có giải pháp phù hợp với đặc thù của bộ, ngành, địa phương. Bộ chỉ số DTI là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, vận dụng, thực hiện đánh giá trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc của mình, qua đó giúp người đứng đầu cơ quan có một bức tranh tổng thể và xác định các thế mạnh, các thách thức về CĐS của tổ chức để từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy kịp thời và chiến lược phù hợp.

Thứ tư, với tiêu chí liên quan đến việc triển khai nền tảng như: “Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; Nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn Tỉnh, thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của CQNN; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước, ...”, Bộ TT&TT xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá tính năng, chức năng kỹ thuật để các bộ, ngành, địa phương triển khai, phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt.

Thứ năm, hiện nay, nhiều DN công nghệ số Việt Nam tham gia trong việc xây dựng các nền tảng CĐS quốc gia và đủ năng lực triển khai các nền tảng công nghệ số và cung ứng các dịch vụ, do đó với một số tiêu chí đề cập đến một số nền tảng cụ thể về đào tạo, thương mại điện tử,... do đó Bộ TT&TT nên xem xét điều chỉnh tiêu chí theo định hướng mở để mọi DN công nghệ số Việt Nam có thể tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của CQNN, tương tác với CQNN, qua đó cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội phục vụ người dân, DN tốt hơn.

Qua quá trình triển khai thực tế việc đo lường cho thấy không có một bộ chỉ số nào có thể đánh giá toàn diện được tất cả mọi mặt của CĐS mà chỉ đánh giá được tính phù hợp với một chương trình, chiến lược, kế hoạch cụ thể và cần được định kỳ rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Tài liệu tham khảo:
1. Các văn bản của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 749/
QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày
15/6/2021.
2. Các văn bản của Bộ TTTT: Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT
ngày 12/10/2020; Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày
20/5/2022.
3. GovTech Maturity Index 2022, World Bank.
4. e-Government Survey 2022, UN.
5. OECD Digital Government Index (DGI): Methodology
and 2019 results; The OECD Digital Government Policy
Framework: Six dimensions of a Digital Government; OECD
Open, Useful and Re-usable data (OURdata) Index: 2019
6. The Digital Economy and Society Index (DESI), EU.
7. https://dga.gov.sa/en

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Đừng bỏ lỡ
Đo lường mức độ Chuyển đổi số của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO