Xây dựng đô thị thông minh: định kỳ đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai
Nhiều địa phương đã ban hành Đề án, Kế hoạch phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) và bước đầu cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, theo Bộ TT&TT, 37/63 địa phương đã ban hành Đề án, Kế hoạch phát triển ĐTTM và bước đầu cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM phục vụ người dân, DN. 23/63 địa phương đã ban hành Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM.
Trong khi đó, 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh bao gồm cả triển khai chính thức bằng ngân sách nhà nước và thử nghiệm, thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp.
Theo Bộ TT&TT, có một số tồn tại, hạn chế về triển khai ĐTTM như là một số địa phương triển khai ĐTTM nhưng thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu tính tổng thể và thiếu kiến trúc nhất quán.
Việc triển khai hiện nay chủ yếu tập trung vào nội dung phát triển chính quyền điện tử để cung cấp dịch vụ, tiện ích của chính quyền cho người dân, những bài toán lớn của đô thị như quy hoạch, giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải,... chưa được quan tâm thích đáng.
Mức đầu tư cho Trung tâm IOC giữa các địa phương là rất khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro lãng phí trong triển khai nếu không xác định và đánh giá rõ được hiệu quả triển khai.
Từ thực tế đó, Bộ TT&TT đề xuất, kiến nghị các địa phương như người đứng đầu địa phương, đô thị phải nhận thức đúng và đủ về các nội dung phát triển ĐTTM bền vững; quán triệt nghiêm túc các quan điểm và nguyên tắc phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm trong phát triển ĐTTM bao gồm quy hoạch ĐTTM, xây dựng và quản lý ĐTTM và cung cấp các tiện ích ĐTTM, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
Các địa phương cũng cần ban hành bộ chỉ số đánh giá hiệu quả và định kỳ đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tháng 12/2022, tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh về bản chất, phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài, là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai.
Thứ trưởng nêu rõ cần có tư duy phát triển ĐTTM ngay từ khi lập quy hoạch phát triển đô thị. Các cơ quan trung ương tập trung ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương.
Hiện nay, các địa phương vẫn chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý ĐTTM để giải quyết các vấn đề căn cơ các bài toán của đô thị như: giao thông, năng lượng, môi trường… dẫn tới có những chỗ hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân trong đô thị, Thứ trưởng cho biết thêm.
Ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết 06 mới ban hành, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng CNTT, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh CĐS trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển ĐTTM./.