Make in Viet Nam

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chiến lược làm chủ công nghệ AI

Hoàng Linh 16:16 27/05/2025

Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nỗ lực làm chủ công nghệ AI theo chiến lược riêng với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI và công nghệ số của khu vực.

Làm chủ dữ liệu, đầu tư hạ tầng và nhân lực AI

Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông - nay là Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Việt Nam hiện có hơn 54.500 doanh nghiệp (DN) công nghệ số, tăng 16% so với năm 2023. Tổng doanh thu ngành đạt gần 152 tỷ USD, với hơn 1,2 triệu lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Chia sẻ tại Diễn đàn chuyển đổi số (DX) 2025 ngày 27/5, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết những con số này không chỉ đơn thuần là số liệu. “Chúng là minh chứng rõ ràng cho thấy: công nghệ ngày nay không còn chỉ là một lĩnh vực riêng biệt, mà đã trở thành hạ tầng phát triển cốt lõi của quốc gia”.

fpt_8057.jpg
Ông Vũ Anh Tú: FPT lựa chọn cách đứng trên vai người khổng lồ - tận dụng những mô hình đã có, sáng tạo thêm về kiến trúc và phương pháp huấn luyện để phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Ông Vũ Anh Tú cũng cho rằng chúng ta không còn tranh luận về việc có nên chuyển đổi số hay không. Câu hỏi bây giờ là: chúng ta chuyển đổi nhanh đến đâu để không bị bỏ lại phía sau?

Nghị quyết 57 đã xác định rõ: khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP, Việt Nam trở thành trung tâm AI và công nghệ số của khu vực.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, ông Vũ Anh Tú cho biết AI và các nền tảng số xanh sẽ đóng vai trò định hình tương lai nhân loại và là trụ cột tăng trưởng của tập đoàn FPT trong thập kỷ tới.

Theo đó, FPT lựa chọn cách đứng trên vai người khổng lồ - tận dụng những mô hình đã có, sáng tạo thêm về kiến trúc và phương pháp huấn luyện để phù hợp với đặc thù Việt Nam. “Thành công của DeepSeek đã cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm AI có giá trị riêng cho người Việt”, ông Vũ Anh Tú khẳng định.

Để phát triển sản phẩm AI, ông Vũ Anh Tú cho rằng cần tự chủ dữ liệu bởi chúng ta đang thiếu dữ liệu chất lượng cho việc huấn luyện mô hình lớn, phần vì hạ tầng số chưa hoàn thiện, phần vì dữ liệu chưa được chia sẻ hiệu quả.

Theo đó, giải pháp là đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện các ngành y tế, giáo dục, hành chính công… Khuyến khích chia sẻ nguồn dữ liệu công cộng, phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, khi sở hữu dữ liệu y tế có chiều sâu, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các hệ thống dự đoán và chăm sóc sức khỏe chủ động, phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người Việt.

fpt-ai.png

Cùng với đó, từ năm 2024, FPT đã đầu tư và cung cấp hạ tầng AI tại Việt Nam và Nhật Bản. Hạ tầng hiện đại giúp rút ngắn thời gian thử nghiệm một ý tưởng AI từ 45 ngày xuống chỉ còn 1 ngày - mở ra tiềm năng lớn trong nghiên cứu và phát triển (R&D) và thương mại hóa công nghệ.

FPT cũng đã thành lập hệ thống AI Lab, công bố hơn 100 bài báo tại các hội nghị uy tín như ICML, ACL, NeurIPS. Một số nghiên cứu đã lọt top 3% xuất sắc nhất toàn cầu, được trình bày tại các hội nghị lớn như IDE 2024, ICASSP 2024. Hiện có 65 nghiên cứu sinh làm việc tại các trường đại học hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, để R&D phát triển bền vững ở quy mô quốc gia, ông Vũ Anh Tú cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước - DN - nhà trường. FPT đang phối hợp với Bộ KH&CN, cử các chuyên gia cùng tham gia giải các bài toán lớn của đất nước.

Để làm chủ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cũng được FPT chú trọng. FPT đã sớm đưa AI vào giáo dục phổ thông. Từ năm 2023, chương trình AI đã được giảng dạy trong hệ thống tiểu học. Đối với học sinh trung học, FPT tổ chức cuộc thi lập trình AI Robot - năm 2025 sẽ có hơn 1.000 đội trên toàn quốc tham gia. FPT đang hợp tác với đại học (ĐH) hàng đầu của Mỹ xây dựng một nền tảng học AI mở dành riêng cho học sinh phổ thông, dự kiến triển khai trong năm nay.

Trong 6 năm qua, FPT đã hợp tác đào tạo AI cùng các tổ chức như Mila, Landing AI, ĐH Quốc gia Singapore… FPT đã tổ chức 5 khóa AI Residency, với hơn 50 học viên được nhận học bổng thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường danh tiếng như Stanford, UPenn, UCLA, EPFL…

Trong nội bộ FPT, toàn bộ nhân viên đều được trang bị kiến thức về AI và chuyển đổi số. Năm 2024, hơn 10.000 chứng chỉ AI được cấp bởi Nvidia cho cán bộ nhân viên của chúng tôi. FPT cũng tổ chức các khóa đào tạo AI thực chiến cho nhiều DN, từ MobiFone, Goldsun đến Hòa Phát, Vinaconex…

Ông Vũ Anh Tú cho rằng AI đang thay đổi cách tạo ra tri thức, và mô hình đào tạo hiện tại cần phải được làm mới. FPT đang thử nghiệm mô hình lớp học đảo ngược. Học sinh học AI ở nhà thông qua nền tảng, đến lớp để trình bày và tranh luận - giáo viên đóng vai trò phản biện. Mô hình này sẽ được áp dụng rộng rãi từ năm học 2025 - 2026.

Ở cấp ĐH, hơn 12.000 sinh viên đã được đào tạo về AI và thực hành với các công cụ như CodeVista để nâng cao năng suất và tư duy sáng tạo. Nhân viên FPT bắt buộc phải học ít nhất 42 giờ năm, trong đó có ít nhất một khóa học AI.

Tháng 5 vừa qua, năm trường ĐH lớn của Việt Nam - trong đó có ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH FPT - đã cùng thành lập liên minh đào tạo nhân sự triển khai nghị quyết 57 với mục tiêu là: Xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng.

Công nghệ cạnh tranh và đạt chuẩn quốc tế

Chia sẻ về làm chủ công nghệ của VNPT-AI thuộc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT), bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc khối tư vấn ứng dụng AI - VNPT-AI cho biết sự thay đổi và bùng nổ của AI, dữ liệu lớn đã làm thay đổi bản chất của các mô hình sản xuất và kinh doanh truyền thống. Ứng dụng AI đã được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.

z6643083997647_4249e08cd5c1a36cb0e03370bc77c6f9.jpg
Bà Phan Thị Thanh Ngọc: Làm chủ công nghệ nhưng công nghệ đó phải đủ sức cạnh tranh và đạt chuẩn quốc tế.

Ứng dụng AI cho lĩnh vực hành chính công của Việt Nam đã giúp các chính quyền các cấp điều hành theo dữ liệu trực quan và thời gian thực. Trợ lý ảo đã giúp người dân, DN trong thực hiện dịch vụ công thuận lợi. Các chatbot AI cũng đã hỗ trợ viên chức nâng cao năng suất lao động.

Muốn làm chủ công nghệ AI, bà Phan Thị Thanh Ngọc cho biết cần phải đầu tư vào con người và hạ tầng, có một chiến lược phát triển dài hạn, làm chủ dữ liệu. VNPT-AI hiện có hơn 150 nhân sự, chiến lược phát triển dài hạn về AI. AI được xác định không phải là “trend” (xu hướng) mà AI là sự phát triển dài hạn, là “business”. Với thế mạnh của một DN viễn thông, VNPT-AI cũng có dữ liệu đủ lớn để liên tục tối ưu và thông minh hoá các model AI.

Bà Phan Thị Thanh Ngọc cũng cho biết việc làm chủ công nghệ AI là làm chủ phần lõi (core), nền tảng AI. Tuy nhiên, không chỉ làm chủ các nền tảng lõi mà phải biến thành các ứng dụng cho người dùng cuối, tức là biến từ lab (phòng thí nghiệm) đến thực tiễn. Cụ thể, VNPT có hơn 100 AI engine để phục vụ cho các ứng dụng cụ thể, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các khách hàng từ chính quyền đến người dân và DN.

Hệ sinh thái VNPT AI có 4 trụ cột phát triển: Đầu tư về con người. VNPT có hơn 120 nhân sự gồm các chuyên gia AI và hơn 5000 kỹ sư CNTT; Đầu tư về hạ tầng. VNPT đã đầu tư hạ tầng GPU với hơn 100 PetaFlops, hạ tầng dữ liệu lớn xử lý 100 tỷ event/ngày; Quy mô dữ liệu đa dạng từ hệ sinh thái CĐS của VNPT và Chiến lược phát triển khi đầu tư dài hạn và liên tục vào lĩnh vực AI.

Quan trọng hơn nữa, theo bà Phan Thị Thanh Ngọc, làm chủ công nghệ nhưng công nghệ đó phải đủ sức cạnh tranh và đạt chuẩn quốc tế. VNPT-AI đã đạt chất lượng chuẩn quốc tế để cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn. VNPT-AI đã có sản phẩm chống tấn công giả mạo bằng sinh trắc học đứng trong trong top cao của thế giới.

Điểm mấu chốt được bà Phan Thị Thanh Ngọc nhấn mạnh là: “AI có thể hỗ trợ nhiều việc nhưng AI cũng chỉ là công cụ và quan trọng là khai thác công cụ này như thế nào”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chiến lược làm chủ công nghệ AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO