Lội ngược dòng
Trước đây, Công ty TNHH thương mại dịch vụ nông trại Ê Đê (Đắk Lắk) có chuỗi cửa hàng với hơn 300 mặt hàng là sản phẩm nông sản của các tỉnh Tây Nguyên. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, công ty đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ lớn nhất là Tp. Hồ Chí Minh bị “đóng băng”. Đại lý đóng cửa, vận chuyển hàng hóa gặp trở ngại, phương thức bán hàng trực tiếp không còn phù hợp. Người đứng đầu doanh nghiệp phải giải bài toán nan giải về chi phí trả cho nhân sự và tài chính cho nhà cung cấp…
Khó khăn là vậy, song doanh nghiệp này đã chủ động tìm hướng đi phù hợp, tận dụng khoa học công nghệ để có chiến lược kinh doanh mới. Công ty đã đồng bộ các khâu quản trị, kế toán, lưu kho, điều chuyển kho bằng phần mềm công nghệ và tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tín hiệu tích cực trở lại khi số lượt theo dõi nhãn hiệu MISS EDE của công ty trên sàn thương mại điện tử Lazada từ 220 lượt (tháng 4/2021) lên đến hơn 6.400 lượt như hiện nay. Mặt khác, công ty cũng đã cho ra đời sản phẩm thích ứng với tình hình dịch như chocolate sữa hòa tan, dễ bảo quản thay thế cho sản phẩm chocolate thanh như trước đây.
Anh Hoàng Danh Hữu, Giám đốc công ty cho biết, hiện tại có nhiều nền tảng công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và phát triển trên hệ thống thương mại điện tử. Doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới, chuẩn bị nguồn lao động trẻ và quan trọng nhất là chứng minh được chất lượng sản phẩm, thương hiệu uy tín để tham gia các sàn thương mại điện tử.
Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Anhcoffee cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn do dịch COVID-19. Từ tháng 6/2021, công ty đã số hóa toàn bộ hệ thống bán hàng, rang xay, hành chính, kế toán thay vì làm thủ công như trước. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp đã giảm 80% nhân sự không cần thiết nên chi phí trả lương giảm, hiệu suất kinh doanh tăng, doanh nghiệp duy trì được hoạt động trong bối cảnh dịch.
Anh Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc công ty cho hay, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty gặp gỡ và chốt đơn trực tiếp với khách hàng tại nhà máy hoặc trụ sở công ty, chưa kể những chuyến bay với chi phí lớn để chốt các đơn hàng xuất khẩu.
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc sử dụng bài viết, hình ảnh, video để quảng bá trên mạng xã hội, youtube. Đặc biệt, khách hàng đã chấp nhận việc doanh nghiệp gọi video hoặc phát trực tiếp trên mạng xã hội để thể hiện năng lực xuất khẩu.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 10.042 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong mùa dịch và sau dịch, các doanh nghiệp đã và đang chuyển từ hình thức bán hàng trực tiếp (offline) qua bán hàng gián tiếp (online). Theo các doanh nghiệp, việc tham gia các sàn thương mại điện tử, nhãn hiệu của doanh nghiệp được lan tỏa nhanh hơn và khi doanh nghiệp đã có niềm tin của khách hàng mua trước thì dễ dàng chinh phục khách hàng đến sau.
Cú hích từ dịch COVID-19
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chú trọng phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; doanh số thương mại điện tử tăng 10%/năm.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ngành công thương tỉnh Đắk Lắk đã kết nối, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các buổi hội thảo, tập huấn trực tuyến về chuyển đổi số, chiến lược bao bì cho thị trường xuất khẩu, chắp cánh thương hiệu, xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp với tình hình dịch.
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, doanh nghiệp cần tranh thủ hai cú hích lớn hiện nay là tranh thủ cơ hội tham gia các Hiệp định thương mại tự do FTA và tranh thủ cú hích dịch bệnh.
Cụ thể từ dịch, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với thị trường xuyên biên giới, làm thủ tục thuận lợi và tiết kiệm được thời gian, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Muốn tranh thủ cơ hội này, doanh nghiệp cần làm chủ được công nghệ và có giải pháp, lộ trình chuyển đổi số cụ thể.
Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Dương, vấn đề mua bán trên không gian mạng hiện nay cũng có hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Do đó, doanh nghiệp cần minh bạch về thông tin, ổn định về số lượng sản phẩm để khách hàng dễ dàng đặt vấn đề kết nối cũng như ký hợp đồng nguồn hàng.
Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, thói quen tiêu dùng và chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh đã giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rèn được sức chịu đựng, giữ lửa sự nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 thay vì phải ngưng hoạt động hoặc phá sản.
Ngoài ra, việc chuyển đổi số thành công đã giúp các doanh nghiệp tăng sức đề kháng, khẳng định thương hiệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiến gần hơn với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế./.