Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới

PV| 11/09/2019 14:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau 09 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là vùng đứng đầu của cả nước trong thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM, với những cách làm đột phá, sáng tạo và phát huy các nguồn lực khác nhau.

Thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ phấn đấu đạt mục tiêu cao trong xây dựng NTM.

Đến hết tháng 7/2019, toàn vùng có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 83,59% (cao nhất trong cả nước); có 10/17 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu được giao đến 2020. Bình quân tiêu chí/xã đạt 17,4 tiêu chí, vượt xa mức bình quân chung của cả nước; từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 05 tiêu chí; toàn vùng đã có 42 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (chiếm 48,27% tổng số đơn vị cấp huyện đã được công nhận của cả nước).

Tỉnh Nam Định phấn đấu năm 2019 trở thành tỉnh nông thôn mới. (Ảnh:baovemoitruong.org.vn)

Trong thời gian qua, Chương trình xây dựng NTM đã giúp hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn của vùng cơ bản hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, kinh tế nông thôn trong khu vực phát triển đa dạng, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất; đời sống vật chất của người dân ngày càng cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, giữa các địa phương có sự chênh lệch khá lớn, vùng Bắc Trung bộ vẫn còn một số huyện đến nay chưa có xã đạt chuẩn NTM; một số địa phương mặc dù có điều kiện thuận lợi nhưng việc huy động nguồn lực và kết quả xây dựng NTM còn rất hạn chế...

Để phấn đấu đạt những mục tiêu cao hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát, đề xuất các mục tiêu cụ thể về xây dựng NTM để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới; tiếp tục đổi mới, sáng tạo để phát huy các nguồn lực trong xây dựng NTM.

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các tỉnh, thành phố cần rà soát lại kế hoạch thực hiện và có giải pháp nỗ lực tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình đến năm 2020 để hoàn thành đạt hiệu quả cao nhất, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ;

Tập trung triển khai tổng kết các phong trào thi đua và Chương trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, xem xét công nhận đạt chuẩn NTM, tránh chạy theo thành tích; đánh giá lại một cách cụ thể hiệu quả thực hiện Chương trình và tiền đấu giá quyền sử dụng đất cho xây dựng NTM; cần có giải pháp để phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện của người dân trong xây dựng NTM, không huy động quá sức dân. Tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách đã có, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách còn thiếu để nâng cao kết quả thực hiện Chương trình.

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các tỉnh, thành phố tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, cảnh quan đặc thù nông thôn, văn hóa truyền thống, cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, huyện; chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu;

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công ích; tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn, khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn, xử lý nước thải sinh hoạt cụm dân cư nông thôn, tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo cảnh quan môi trường; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng khung khổ pháp lý cho thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới, hoàn thành trong năm 2020 để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021, trong đó cần rà soát kỹ các mục tiêu của từng vùng và mục tiêu chung cho cả nước, đảm bảo chất lượng, khả thi và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng nông thôn thịnh vượng.

Về công tác điều hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới để tổ chức thành công chuỗi sự kiện tổng kết Chương trình và tập trung xây dựng khung khổ Chương trình cho giai đoạn tới; cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá việc xây dựng NTM, công tác thẩm định xem xét công nhận đạt chuẩn NTM ở các cấp trong quá trình thực hiện để kịp thời động viên, khuyến khích những cách làm hay, điển hình tiên tiến, chấn chỉnh những biểu hiện chạy theo thành tích, đảm bảo việc thực hiện chương trình đi vào thực chất; cần chú trọng công tác khen thưởng để kịp thời động viên, ghi nhận những nỗ lực của tập thể, cá nhân trong xây dựng NTM...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO