Cuộc đua trung tâm dữ liệu AI tại Đông Nam Á
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một động lực chính thúc đẩy đổi mới công nghệ toàn cầu và Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong cuộc đua phát triển AI. Hàng loạt các hãng công nghệ và đám mây lớn đã thông báo kế hoạch xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu mới tại Đông Nam Á.
Bùng nổ nhu cầu dữ liệu thúc đẩy tăng trưởng
Ngày 1/10/2024, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã chủ trì lễ khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL) và dịch vụ đám mây của Google, thiết lập tại khu công nghệ Elmina Business Park của bang Selangor, Malaysia. Dự án này có giá trị 2 tỷ USD và sẽ được dùng để phục vụ cho cả khu vực Đông Nam Á.
Ngoài Google, hai công ty công nghệ khác của Mỹ là Oracle và Amazon cũng đã thông báo sẽ đầu tư mạnh vào việc xây dựng trung tâm dịch vụ đám mây ở Malaysia.
Đáng chú ý, đây chỉ là một vài trong số hơn 1.000 TTDL đóng tại Malaysia. Nó cho thấy quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành địa điểm ưa thích để các công ty toàn cầu thành lập TTDL, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Theo tạp chí “Tuần san châu Á” của Hong Kong (Trung Quốc) số 41/2024, Malaysia đã vượt qua Thái Lan trở thành điểm đến được các “đại gia” công nghệ toàn cầu ưa chuộng nhất ở Đông Nam Á. Nước này đã thu hút thành công các "gã khổng lồ” như Google, Oracle, Amazon…, dần hiện thực hóa cam kết trở thành TTDL, trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây của khu vực.
Singapore, với tầm nhìn chiến lược rõ ràng, đã dẫn đầu khu vực trong cuộc đua AI. Chính phủ Singapore đã khởi động AI Singapore (AISG), một chương trình quốc gia nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển AI, với ngân sách lên tới 150 triệu USD. Quốc gia này đã phát triển một loạt các ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực từ y tế, tài chính, giao thông đến quản trị công.
Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của AI. Chính phủ Indonesia đã nhận thức rõ rằng, AI có thể là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề như tắc nghẽn giao thông, cải thiện y tế, và tối ưu hóa quản lý đô thị. Với sự phát triển của các startup công nghệ, Indonesia đang dần trở thành trung tâm AI của khu vực. Chính phủ nước này cũng đã đưa ra các chính sách thúc đẩy đầu tư và phát triển công nghệ AI trong các lĩnh vực chủ chốt như năng lượng và nông nghiệp.
Việt Nam trong xu thế khu vực
Theo báo cáo của JLL Việt Nam 2024, Việt Nam hiện có khoảng 30 TTDL và dự kiến xây dựng nhiều trung tâm khác trong những năm tới, được thúc đẩy từ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số.
Còn Savills đánh giá vào năm 2023, ngành công nghiệp đám mây và TTDL Việt Nam nằm trong nhóm phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các động lực bao gồm số hóa trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân số trẻ, thành thạo công nghệ, 5G, nhu cầu tự chủ hạ tầng số và các quy định liên quan đến dữ liệu.
Theo báo cáo tại hội nghị hạ tầng TTDL và đám mây (Data Center & Cloud Infrastructure Summit) tháng 6/2024, tổng dung lượng thị trường lĩnh vực TTDL đạt khoảng 321 tỷ USD năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. Tại Việt Nam, dự báo những năm tới sẽ có sự bùng nổ về TTDL với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%.
Đầu tháng này, Công ty Alibaba của Trung Quốc tiết lộ kế hoạch sẽ xây dựng một TTDL tại Việt Nam. Ở trong nước, Viettel vừa đưa vào hoạt động TTDL lớn nhất nước với công suất 30MW.
Trong khi đó, Google vẫn đang cân nhắc đầu tư tại Việt Nam. Hồi tháng 8, các nguồn tin cho biết, gã khổng lồ tìm kiếm có thể mở quy mô lớn (hyperscale) gần TP. Hồ Chí Minh, sớm nhất là năm 2027 đi vào hoạt động. Quyết định xuất phát từ một lượng lớn khách hàng đám mây trong và ngoài nước tại Việt Nam, cũng như nền kinh tế số không ngừng mở rộng. Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của YouTube, dịch vụ chia sẻ video của Google.
Vào tháng 5 vừa qua, Nikkei đưa tin công ty thương mại điện tử Alibaba cũng cân nhắc xây TTDL tại Việt Nam nhằm đáp ứng quy định về lưu trữ dữ liệu trong nước.
Cũng nhận thấy cơ hội từ thị trường TTDL, tháng 4 vừa qua, Viettel đã khai trương TTDL thứ 14 do doanh nghiệp này đầu tư tại Hà Nội. Đây là TTDL lớn nhất Việt Nam và là trung tâm đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao gấp 3 lần mức trung bình, với 60.000 máy chủ, 2.400 tủ rack, 21.000m2 mặt sàn và tổng công suất điện 30MW.
Tại lễ khai trương trên, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, Viettel sẽ đầu tư cho các TTDL theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack.
Báo cáo mới nhất từ Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) cho thấy, trên toàn cầu, thị trường TTDL có quy mô khoảng 321 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực có thị trường TTDL năng động, tốc độ tăng trưởng 19% tới năm 2028. Dự báo quy mô thị trường này tại Việt Nam đến năm 2030 đạt 1,266 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, dù thị trường TTDL rất hấp dẫn, nhưng đang đứng trước áp lực về giảm lượng khí thải carbon. Thực tế, thị trường TTDL đã tiêu tốn một lượng năng lượng lớn hằng năm. Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn khi xây dựng thị trường TTDL xanh./.