Điều này có nghĩa tại các ĐTTM/TPTM cần đảm bảo hình thành, hoàn thiện đầy đủ, đa dạng các dịch vụ hỗ trợ, vận hành hiện đại ngành công nghiệp không khói - "Du lịch thông minh". Và khi làm tốt điều này, sẽ giúp đa số cộng đồng, mọi người dân được tiếp cận, truy cập, tương tác, minh bạch, công bằng hưởng mọi lợi ích tối ưu trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ du lịch trên cả phương diện vật lý và kỹ thuật số hiện đại.
Bước chuyển mình trong hành trình CĐS
Cũng vì điều này, tự hào là một thành phố Trung ương tập trung nhiều khu ĐTTM/TPTM trên cả nước, Thủ đô Hà Nội là nơi tập hợp nhiều khu, điểm du lịch trọng điểm quốc gia, trong đó có các bảo tàng lịch sử quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, việc sử dụng các nền tảng số hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch, người dân trải nghiệm các dịch vụ thăm quan, du lịch đã được chú trọng, đầu tư. Điển hình cho việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên, mới đây tại điểm du lịch khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai, áp dụng loại hình thẻ du lịch thông minh. Đây cũng chính là một bước đi quản lý số trong hành trình thực hiện việc chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ nhằm tăng các trải nghiệm phục vụ cho khách du lịch, người dân đến thăm quan khu di tích.
Theo đó, điểm nổi bật của Thẻ du lịch thông minh là sản phẩm của Việt Nam sản xuất, thuộc dự án chương trình "Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia" do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
Hơn nữa, Thẻ du lịch thông minh được tích hợp đa chức năng về du lịch, y tế, ngân hàng, thương mại, giao thông, giáo dục… nhằm hỗ trợ người dùng thanh toán 1 chạm, thanh toán trực tuyến, không tiếp xúc - một xu hướng phổ biến hiện nay.
Ngoài ra, Thẻ du lịch thông minh còn được coi là thẻ vật lý, thẻ số có mã QR và được tích hợp lên ứng dụng "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel". Điều tiện lợi hơn khi người sử dụng muốn dùng chỉ cần tải ứng dụng Vietanm Travel trên điện thoại có kết nối Internet. Khi thực hiện điều đơn giản trên người dùng được đảm bảo có cơ hội sử dụng một hệ sinh thái các tiện ích công nghệ như đặt vé máy bay, khách sạn, mua vé điện tử vào điểm tham quan, mua sắm trực tuyến, tra cứu bản đồ số du lịch, tìm kiếm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng, cập nhật các tin tức mới nhất trong ngành…
Như vậy, có thể khẳng định, các lợi ích Thẻ thông minh tạo ra đã đáp ứng những mong muốn, nhu cầu của mọi người dân đối với các dịch vụ cần của các khu đô thị chất lượng.
"Chỉ cần thao tác đơn giản "1 nút chạm, 4 thao tác" (mua vé, soát vé, xuất hoá đơn, báo cáo doanh thu tự động), du khách được trải nghiệm tham quan các điểm đến du lịch thuận tiện, an toàn…", lợi ích Thẻ du lịch thông minh tạo ra.
Được biết, hiện nay đối với sản phẩm, loại hình thẻ du lịch thông minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích đầu tiên tại Hà Nội áp dụng vé điện tử tích hợp trên sản phẩm, loại hình này và đây chính là một bước đột phá trong việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao trải nghiệm của du khách thông qua CĐS.
Nhấn mạnh về lợi ích và giá trị số tạo ra đối với người dùng, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết, người dùng chỉ cần thao tác đơn giản quét mã QR là có thể dễ dàng đi qua cổng soát vé.
Hơn nữa, thông qua Thẻ điện tử, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ không còn phải phải báo cáo hàng tháng, hàng quý, lượng vé xuất ra đối với cơ quan thuế… Quan trọng hơn, đây là hướng đi số hoá của xu hướng không sử dụng tiền mặt mà chúng ta hướng đến của một nền kinh tế số đang hình thành trong một xã hội phát triển.
"Việc ra mắt hệ thống vé điện tử, áp dụng Thẻ du lịch thông minh là một trong các hoạt động CĐS hoạt động du lịch, đồng thời là sự nỗ lực của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn, giàu tính công nghệ và tiện ích. Chính điều này góp phần tạo nên các giá trị cần của các thành phố hiện đại, nơi có tỷ lệ TPTM/ĐTTM chiếm đông đảo như Thủ đô Hà Nội hiện nay", Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh.
Phát triển hướng đến giá trị ổn định, bền vững
Nhân đây, khi nói về việc triển khai các ứng dụng dịch vụ số thông minh trong các thành phố lớn, nhất là tại các ĐTTM/TPTM hiện nay trên cả nước có khoảng 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, trên 10/63 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh,… nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án ĐTTM chiếm từ 50 - 90%.
Đặc biệt, cả nước có khoảng 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM/TPTM và có 17/63 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM.
Với những quyết tâm khi triển khai nhiệm vụ quan trọng này tại các địa phương và bước đầu thu được những kết quả tích cực, đây chắc chắn sẽ sẽ là cơ sở, tiền đề để chúng ta tin tưởng các lợi ích số, lợi ích nền tảng số sẽ hỗ trợ công tác quản lý, vận hành các khu đô thị ngày một hiệu quả - điều này còn tăng chất lượng phụ vụ người dân ngày một tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu trong cuộc sống, xã hội số mới.
Điều quan trọng hơn khi hướng đến xây dựng, vận hành hiểu quả các dịch vụ du lịch thông minh mục đích cuối cùng được tạo ra chính là nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối đa hóa khả năng cạnh tranh và tăng cường tính bền vững thông qua việc sử dụng các đổi mới công nghệ và thực tiễn.
Đặc biệt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, cộng đồng đô thị, điều này tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế địa phương, tránh khoảng cách giữa các thành phố trực thuộc trung ương hoặc giữa các tổ chức công và tư được đảm bảo ổn định, phát triển bền vững./.