Dữ liệu còn đáng giá hơn cả dầu mỏ

Hoàng Linh| 21/12/2021 20:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Các chuyên gia ICT cho rằng dữ liệu giờ có giá trị như uranium và cần phải khai thác hiệu quả để phục hồi, bứt phá.

Dữ liệu còn hơn cả dầu mỏ và cần phải mở

Trao đổi về vai trò của dữ liệu trong thời đại số tại hội thảo ngày Internet Day 2021, bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone cho biết dữ liệu là dầu mỏ nhưng dầu mỏ thì có giới hạn, còn dữ liệu càng dùng thì càng giá trị, càng được "sản xuất" nhiều và không hết.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT, dữ liệu khác dầu mỏ vì dữ liệu sinh ra trong quá trình đời sống của chúng ta và không có giới hạn. Tuy nhiên, dữ liệu nhiều nhưng quan trọng là giá trị và được sử dụng như thế nào.

Dữ liệu còn hơn cả dầu mỏ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC: dữ liệu nhiều nhưng quan trọng là giá trị và được sử dụng như thế nào.

Cũng theo ông Thắng, Internet là hạ tầng của không gian số, là nơi trung chuyển, trao đổi và sinh ra dữ liệu. Dữ liệu sinh ra, được phân phát và khai thác, kể cả trong quá trình di chuyển dữ liệu trên Internet cũng sinh ra dữ liệu khác nữa.

Khi dữ liệu được mở, nhiều startup Việt Nam có thể khai thác, kết nối sử dụng sáng tạo các sản phẩm, giải pháp cho các lĩnh vực. Cơ quan nhà nước (CQNN) điều hành, quản lý tốt hơn nhờ có dữ liệu. Ông Thắng dẫn chứng một ví dụ hiện việc tìm chỗ đỗ xe trong phố lớn là khá khó khăn, nếu dữ liệu liên quan được mở, doanh nghiệp (DN) CNTT có thể cung cấp phần mềm CNTT để hỗ trợ CQNN quản lý hiệu quả chỗ đỗ xe, theo đó, để các bên cùng được hưởng lợi.

Tạo và phân tích dữ liệu để đột phá

Trong giai đoạn phục hồi và bứt phá sau đại dịch, ông Thắng, cho rằng giờ đây chúng ta phải chuyển sang một không gian mới là không gian số với tư duy mới. Trong không gian số, cần sự đột phá tập trung chủ yếu vào 3 yếu trụ cột là: con người, chính sách - quy trình và công nghệ.

Để mở cơ hội đột phá trong không gian số cho người dân, các tổ chức, DN, ông Thắng cho biết VNNIC đã thực hiện điều chỉnh chính sách quản lý tài nguyên Internet và Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành Thông tư 21/2021/TT-BTTTT ngày 8/12/2021 sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-BTTTT về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet và có hiệu lực thi hành sau 60 ngày.

Theo đó, chủ thể cá nhân là công dân Việt Nam từ 18 - 23 tuổi được ưu tiên, hỗ trợ trong đăng ký sử dụng tên miền cấp 3 dưới ''.id.vn''. Chủ thể tổ chức là DN mới thành lập, hộ kinh doanh được ưu tiên, hỗ trợ trong đăng ký sử dụng tên miền cấp 3 dưới ''.biz.vn''."

Việt Nam hiện có 545.000 tên miền quốc gia .vn, đứng thứ 45 thế giới. Trên thế giới có khoảng 28 - 30 nước có hơn 1 triệu tên miền quốc gia. Với chính sách quản lý tên miền mới này, ông Thắng cho biết mọi người dân, DN có thể đăng ký tên miền .id.vn và thiết lập website cá nhân với chi phí thấp cực thấp để sử dụng, thiết lập các dịch vụ mong muốn, như vậy tạo ra các dữ liệu ở tại Việt Nam. Những dữ liệu đó có thể giúp Việt Nam bứt phá.

Ông Thắng cũng cho rằng DN công nghệ lớn của đất nước cũng nên nghiên cứu tạo nền tảng số để cung cấp miễn phí cho người dân, vừa là cách để chăm sóc các khách hàng tốt hơn và tạo sự phát triển, bứt phá mạnh và bền vững. "Google cung cấp nền tảng email miễn phí cho nhiều người trên thế giới, Việt Nam cũng có thể tạo ra một nền tảng đám mây để cung cấp các dịch vụ miễn phí, cơ bản như dịch vụ hosting, tính toán. Theo đó, mọi người dân, sinh viên có thể dùng, tạo dữ liệu tại Việt Nam", ông Thắng chia sẻ.

Cũng theo ông Thắng, hiện nhiều dữ liệu của chúng ta đang nằm ở nước ngoài và mục tiêu là mang dữ liệu của chúng ta về Việt Nam để khai thác hiệu quả.

Còn theo bà Phạm Minh Tú, Facebook, Google nắm giữ dữ liệu rất tốt. "Bài toán phân tích dữ liệu góp phần sẽ giúp bứt phá các lĩnh vực".

Cũng đồng quan điểm, ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CNTT VNPT (VNPT IT), Tập đoàn VNPT cho biết các DN công nghệ như VNPT có nhân lực, đội ngũ, có hạ tầng cơ sở và năng lực về công nghệ - để phục vụ các bài toán cụ thể như phân tích dữ liệu thế nào để tạo ra trải nghiệm cho khách hàng tốt nhất. Với vai trò là DN lớn, VNPT sẽ đồng hành cùng Chính phủ để giải bài toán như phân tích dữ liệu phục vụ người dân.

Chia sẻ cách làm của Viettel đối với dữ liệu, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng Ban CNTT, Tập đoàn Viettel cho biết các kỹ sư Viettel làm chủ công nghệ, khai thác, phân tích dữ liệu và đóng góp cho các cộng đồng mở. Viettel cũng sử dụng nền tảng quản trị dữ liệu (data management platform) để sử dụng dữ liệu cho thành phố thông minh, hoặc các giải pháp như cho lĩnh vực dầu khí…

Ông Nghĩa cho biết năm 2021, giá trị tăng thêm do phân tích dữ liệu nội bộ có giá trị khoảng 500 tỷ đồng và Viettel mong muốn có chính sách pháp lý rõ ràng hơn để khai thác dữ liệu hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Nghĩa, nguồn lực của các big tech như Google, Facebook là rất lớn với lợi thế kinh doanh vượt trội so với tiềm lực của các công ty trong nước. Bên cạnh đó, Google có khoảng 100.000 nhà khoa học, kỹ sư dữ liệu, và tiềm lực vốn lớn. "Đây là cuộc chơi nếu sử dụng nguồn lực trong nước để đấu với big tech là một cuộc chiến không cân sức, đòi hỏi phải có những yếu tố khác".

Yếu tố đầu tiên, theo ông Nghĩa là cần có sự vào cuộc của CQNN, với các chính sách, quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa bảo vệ được dữ liệu của người dân, DN ở Việt Nam.

Viettel đang cố gắng xây dựng năng lực công nghệ riêng của mình, hạ tầng điện toán đám mây đang được xây dựng mạnh mẽ, đảm bảo chất lượng dịch vụ, trải nghiệm người dùng, tối ưu chi phí… Viettel cũng đang đẩy mạnh hạ tầng cho dữ liệu tại trung tâm dữ liệu cùng với hạ tầng viễn thông tốt để các nền tảng có thể vận hành tốt đó.

Với khoảng 100 nhà khoa học dữ liệu làm việc hết công suất, ông Nghĩa cho biết Viettel đang nỗ lực cố gắng để đồng hành cùng Chính phủ và Bộ TT&TT về nâng cao chủ quyền quốc gia về dữ liệu.

Giải bài toán dữ liệu xuyên biên giới

Trước trăn trở dữ liệu Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới, ông Hà Thái Bảo cho rằng chúng ta không thể nói người dân không dùng các nền tảng xuyên biên giới như Facebook. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm những nền tảng mà CQNN đang có lợi thế như các nền tảng cấp dịch vụ hành chính công, các nền tảng cho các lĩnh vực như y tế, giáo dục…

Dữ liệu còn hơn cả dầu mỏ - Ảnh 2.

Ông Hà Thái Bảo: Nếu được quản lý, khai thác tốt hơn, dữ liệu sẽ ở tại Việt Nam nhiều hơn"

Theo ông Bảo, câu chuyện đầu tiên vẫn là định hướng và chiến lược của chúng ta. "Chúng ta làm tốt các bài toán để người dân dễ dàng sử dụng được các dịch vụ hành chính công, y tế, giáo dục và qua việc sử dụng các nền tảng thì sẽ sinh ra dữ liệu. Xây dựng các nền tảng tập trung vào nhu cầu thiết yếu của người dân. Làm sao người dân chỉ cần vào một nơi (one-stop) để dùng các dịch vụ trực tuyến và tạo ra dữ liệu và dữ liệu phải được chia sẻ".

Ông Bảo cũng cho rằng hiện vấn đề chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành vẫn còn nhiều vướng mắc và chia sẻ cho người dân, DN để họ có các cơ hội kinh doanh. Trong chiến lược VNPT, xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC), trong đó có chức năng phản án kiến nghị của người dân cả cấp huyện, xã 1 ứng dụng (app) cho người dân vào đó thực hiện thủ tục hành chính. Cái này là lợi thế mà Facebook không cạnh tranh được vì Facebook làm mảng khác.

Là DN viễn thông, ông Bảo cho hay VNPT đang nắm giữ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau và tối ưu các dữ liệu để cung cấp dịch vụ, trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, chúng tôi có hệ thống phân tích nội bộ và đáp ứng phân tích dữ liệu cho CQNN.

"Các dữ liệu liên quan đến các CQNN thì vẫn ở Việt Nam chỉ có điều là chưa được chia sẻ, khai thác tốt. Nếu được quản lý, khai thác tốt hơn, dữ liệu sẽ ở tại Việt Nam nhiều hơn", ông Bảo cho biết.

Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An cho biết gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Uỷ ban chuyển đổi số (CĐS) và chỉ đạo các bộ xây dựng CSDL của các bộ, ban ngành. CSDL lõi như là CSDL về dân cư đã được Bộ Công an triển khai trong một thời gian ngắn, từ đó các ngành/lĩnh vực có thể khai thác, xác thực, định danh. Để bứt phá và thành công thì phải xây dựng được CSDL mạnh và cùng các DN để phát triển các CSDL.

Bảo vệ dữ liệu Việt Nam trên không gian mạng

Có dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cũng rất quan trọng. Đại tá Nguyễn Ngọc Cương cho biết đầu tiên là phải định hình chủ quyền trên không gian mạng, theo đó, có các yếu tố cần quan tâm là: chủ quyền quản lý mạng; quyền kiểm soát hoạt động trên lãnh thổ mạng; hoạt động của cư dân mạng và bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, dữ liệu gắn liền với hoạt động của cư dân mạng, được lưu trữ trên cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, thuộc quyền quản lý của các tổ chức, cá nhân hợp pháp và dưới sự kiểm soát của nhà nước… Do đó, dữ liệu có vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Theo đó, muốn bảo vệ an ninh quốc gia thông qua dữ liệu thì nền tảng, mạng xã hội xuyên biên giới cần phải thượng tôn pháp luật của quốc gia sở tại và đứng trên lập trường của các hoạt động kinh doanh để bảo đảm lợi ích nhà nước và công dân.

Mặt khác, các quốc gia cũng phải có chiến lược an ninh dữ liệu phù hợp để bảo đảm rằng các dịch vụ xuyên biên giới và mạng xã hội được tiếp cận dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ của thế giới.

Dữ liệu còn hơn cả dầu mỏ - Ảnh 3.

Bà Vũ Thị Huệ: F-Secure giờ đây không gọi dữ liệu là dầu mỏ nữa mà gọi dữ liệu là uranium, là rất quý, rất hiếm và thậm chí "nguy hiểm" nếu không dùng đúng

Trao đổi về bảo mật dữ liệu, bà Vũ Thị Huệ, Đại diện Tập đoàn Bảo Mật F-Secure tại Việt Nam cho biết F-Secure giờ đây không gọi dữ liệu là dầu mỏ nữa mà gọi dữ liệu là uranium, là rất quý, rất hiếm và thậm chí "nguy hiểm" nếu không dùng đúng. Đồng thời, dữ liệu là tài nguyên của quốc gia nhưng cũng là tài nguyên của mỗi người, sau đó dữ liệu của cá nhân đó thuộc về Việt Nam.

Vì vậy, bà Huệ cho rằng, giáo dục người dùng từ trẻ về bảo mật dữ liệu rất quan trọng. Các hãng bảo mật có thể cung cấp các công cụ để đảm bảo dữ liệu tốt nhất nhưng không thể cam đoan có thể bảo vệ 100% vì có một phần nhỏ trong đó từ ý thức sử dụng Internet của người dùng. Giáo dục ý thức của người dùng từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành được F-Secure đánh giá rất quan trọng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dữ liệu còn đáng giá hơn cả dầu mỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO