Diễn đàn

Đức đẩy mạnh ứng dụng robot để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động

Ngọc Diệp 04/05/2023 06:18

Số hóa có thể là chìa khóa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu lao động tại Đức, khi quốc gia này có dân số già nhất châu Âu.

duc.png
Robot có thể là chìa khóa giải quyết tình trạng thiếu lao động ở Đức

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tuyển dụng kỷ lục 45,9 triệu lao động trong quý 4/2022. Tuy nhiên, hơn một nửa số công ty Đức cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân lành nghề để lấp đầy các vị trí tuyển dụng, báo cáo của Phòng Thương mại Đức nêu rõ.

Số liệu từ Viện Kinh tế Ðức (IW) cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, nhất là tại những doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, tăng lên nhanh chóng. Nguyên nhân của sự thiếu hụt trước hết là do nền kinh tế Ðức đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu khí hậu mới.

Cùng với đó, tình trạng già hóa dân số tại Ðức cũng khoét rộng thêm “lỗ hổng” nhân lực trẻ, trình độ cao. IW ước tính rằng, trong năm 2022, lực lượng lao động của Ðức sẽ giảm hơn 300.000 người do số lượng người lao động (NLĐ) lớn tuổi nghỉ hưu vượt quá số lượng những người trẻ tuổi tham gia thị trường lao động. 

Khi bắt đầu đảm nhận chức Thủ tướng Đức vào tháng 12/2021, ông Olaf Scholz đã nhấn mạnh số hóa là ưu tiên hàng đầu, với cam kết triển khai các công nghệ số trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.

Dân số già có xu hướng thúc đẩy số hóa lực lượng lao động của họ nhanh hơn - với việc Đức có dân số già lớn nhất ở châu Âu, không có gì ngạc nhiên khi nước này cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong những quốc gia sử dụng công nghệ hàng đầu tại nơi làm việc.

Nhưng việc tăng cường lực lượng lao động thông qua robot và số hóa thực sự như thế nào?

Nâng cao năng suất

Quá trình số hóa diễn ra khác nhau trong các tổ chức, DN cho dù thông qua robot, máy tự tính tiền tại cửa hàng tạp hóa hay sử dụng các nền tảng trực tuyến để trò chuyện với đồng nghiệp. Trong hầu hết các trường hợp, công nghệ được ứng dụng để làm cho quy trình làm việc hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

“Chúng ta phải nâng cao năng suất bằng công nghệ”, Steffen Kameter, Giám đốc điều hành Liên đoàn các Hiệp hội người sử dụng lao động Đức nói với CNBC.

Ông Steffen cho biết: “Có một mối tương quan giữa việc sử dụng các công nghệ hiện đại với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự tham gia vào thị trường lao động ở hầu hết các xã hội”.

Theo nghiên cứu của Gallup, trong năm 2018, khoảng 37% người Đức nghĩ rằng những thay đổi về công nghệ sẽ làm tăng năng suất làm việc của họ. Chỉ 1% cho rằng nó sẽ làm giảm năng suất, trong khi 62% số người còn lại tin rằng công nghệ sẽ không có mấy tác động.

0ef548a98070da2d7a7fa0da6c582d2836c9da99-16x9-x0y0w1280h720.jpeg

Nghiên cứu của công ty này cũng cho thấy người Đức không sợ robot sẽ cướp mất việc làm của họ. Chỉ 10% những người được khảo sát tin rằng việc triển khai nhiều công nghệ hơn sẽ làm tăng nguy cơ họ mất việc, trong khi 6% cho rằng điều đó sẽ làm giảm khả năng điều đó xảy ra. Trong khi những người còn lại nói rằng việc triển khai nhiều công nghệ hơn sẽ không tạo ra sự khác biệt.

Theo Ulrich Walwei, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu việc làm của Đức, sẽ không có tình trạng mất việc làm do số hóa. Một báo cáo năm 2020 của Ủy ban châu Âu cho thấy trong Liên minh châu Âu (EU), Đức có số lượng robot lớn nhất - gần 50% tổng nguồn cung của EU. Hầu hết robot được ứng dụng trong lĩnh vực ô tô, nhưng các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, máy móc công nghiệp và điện tử cũng đã sử dụng một số lượng lớn robot.

Theo ước tính của Liên đoàn Robot quốc tế và Cơ quan Giám sát việc làm châu Âu, có hơn 20 robot/1.000 công nhân sản xuất ở Đức vào năm 2015 và con số đó có thể đã tăng lên đáng kể trong 8 năm qua.

Một tương lai “kết hợp”

Số hóa hoàn toàn là điều không mong muốn trong nhiều lĩnh vực công việc, ngay cả khi điều đó là có thể.

Bà Norma Steller, giám đốc sản phẩm của German Bionic cho biết lĩnh vực chăm sóc sẽ được hưởng lợi từ việc ứng dụng robot tại nơi làm việc, do tình trạng thiếu nhân viên nghiêm trọng và các vai trò đòi hỏi thể chất cao.

“Chúng tôi đã thu hẹp khoảng cách và đưa robot vào làm việc với con người. Ý tưởng là chúng tôi duy trì con người ở đó với tất cả các kỹ năng, cảm xúc và sự đồng cảm cần thiết cho nơi làm việc”, bà nói thêm.

Theo ông Cagri Pehlivan, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp dịch vụ robot Robot4Work, số hóa cũng cho phép tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại, mang lại cho nhân viên cơ hội đảm nhận các nhiệm vụ thử thách trí óc hơn.

“Robot của chúng tôi có thể giải phóng con người để tập trung vào những công việc phức tạp và sáng tạo hơn, dẫn đến những công việc thú vị và hấp dẫn hơn".

Pehlivan cho biết, việc sử dụng robot cho các công việc nặng nhọc hơn cũng tạo điều kiện cho những nhân viên lớn tuổi có thể ở lại làm việc lâu hơn.

“Bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ đó bằng robot, những NLĐ lớn tuổi có thể tiếp tục đóng góp những kỹ năng và kinh nghiệm quý báu của họ cho nơi làm việc theo cách an toàn và thoải mái cho họ", Pehlivan nhấn mạnh. Theo ông, mục tiêu cuối cùng của việc ứng dụng robot tại nơi làm việc là tăng cường khả năng của con người chứ không phải thay thế họ.

Tại Đức, ngày càng có nhiều người lớn tuổi vẫn đang làm việc, với tỷ lệ việc làm của những người từ 55 - 64 tuổi tăng từ 62% năm 2012 lên 71% vào năm 2021, theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi Quốc hội Đức đã thông qua cải cách về luật lao động, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi trong những năm tới.

Những thách thức đối với quá trình số hóa tại Đức

Ulrich Walwei nói với CNBC rằng Đức đang phải đối mặt với  khoảng cách về kỹ năng số khi một số công ty đang “tụt hậu” trong việc sử dụng các công nghệ số.

″Năng lực số là thứ cần được đào tạo từ rất sớm. Điều đó có nghĩa là cả ở trường học và sau đó là học nghề và ở trường đại học”, ông nói thêm.

Theo dữ liệu của Eurostat, 48,92% dân số Đức có “kỹ năng số cơ bản hoặc trên cơ bản”, thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu là 53,92%.

Gần 19% cá nhân cho biết họ có “kỹ năng số trên mức cơ bản”, thấp hơn mức trung bình 26,46% của EU, trong khi 3,58% người Đức cho rằng họ “không có kỹ năng số”, cao hơn một chút so với mức trung bình của EU là 3,04%.

Mọi người cũng e ngại về việc dựa vào robot, ví dụ, 70% trong số 1.000 người Đức tham gia cuộc khảo sát do Gallup và Lloyd's Register Foundation thực hiện cho biết họ sẽ không cảm thấy an toàn khi lái xe mà không có người lái. Do đó, khi các công ty triển khai những công nghệ mới, các vấn đề này cần phải được giải quyết, chỉ như vậy số hóa mới có thể bắt đầu trở thành một phần liền mạch trong cuộc sống và công việc hàng ngày./.

Theo cnbc, iwkoeln
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đức đẩy mạnh ứng dụng robot để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO