Edtech là một cuộc "phiêu lưu" dài hạn với các startup

Ngọc Diệp| 20/09/2021 14:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài, nhiều trường học phải đóng cửa, các lớp học từ offline chuyển sang online để thích ứng và không bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, cuộc đua đầu tư vào công nghệ giáo dục (Edtech) ngày càng nóng, đây trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các startup.

Thị trường Edtech Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội

Giáo dục là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, chiếm hơn 6% GDP toàn cầu. Tổng chi tiêu toàn cầu từ các chính phủ, công ty và người dân cho giáo dục và đào tạo toàn cầu ước tính đạt 7,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng 3,9% so với năm 2000.

Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, ngành giáo dục chưa được đầu tư thỏa đáng. Các chính phủ đang nỗ lực để tài trợ cho giáo dục ở những mức cao nhất trong lịch sử, trong khi các trường học và tổ chức giáo dục đang cắt giảm chi phí và bắt tay vào chuyển đổi số (CĐS).

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành giáo dục toàn cầu đã trải qua một năm đầy biến động. Để đảm bảo an toàn, việc dạy và học được chuyển sang trực tuyến. Do đó, các công cụ số phục vụ giảng dạy và học tập từ xa đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Vì thế, năm 2020 không chỉ là cơ hội mà trở thành một năm đặc biệt bùng nổ của Edtech.

Trong khi COVID-19 khiến không ít doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động, nhiều startup trong lĩnh vực Edtech bỗng trở thành những "ngôi sao mới nổi" thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong thời buổi đại dịch. Các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giáo dục và học tập đã đạt được những bước tiến vào năm 2020, thực tế ảo/thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được tích hợp vào các quy trình giáo dục và học tập cốt lõi.

Tại thị trường Việt Nam, Edtech cũng nhận được nhiều nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư quốc tế. Nửa đầu năm 2021 đã chứng kiến những cột mốc đáng nhớ của các startup trong mảng giáo dục trong hành trình gọi vốn. Hồi tháng 6, Tập đoàn giáo dục EQuest bất ngờ tiết lộ nhận được khoản đầu tư từ KKR - một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới. Khoản đầu tư được cho là lên tới 100 triệu USD được kỳ vọng sẽ giúp EQuest mở rộng hoạt động và tiếp tục sứ mệnh mang đến cho học sinh, sinh viên Việt Nam cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng đẳng cấp thế giới với chi phí phù hợp.

Giải bài toán vươn ra quốc tế của các startup Edtech Việt - Ảnh 1.

KKR rót 100 triệu USD vào tập đoàn giáo dục EQuest Việt Nam (Nguồn: VnEconomy).

Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ đầu tư vào Edtech được ghi nhận như: ứng dụng học tiếng Anh ELSA huy động thành công 15 triệu USD (vòng Series B) từ các nhà đầu tư do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu; NPX Point Avenue nhận được 12 triệu USD (vòng Series A); Marathon huy động được 1,5 triệu USD từ Forge Ventures; Astrid vừa kêu gọi đầu tư thêm 4 triệu USD; Manabie sẽ nhận 3 triệu USD từ Do Ventures, Genesia Ventures, Chiba Dojo và các nhà đầu tư khác; Edmicro huy động được vốn từ Beenext...

Giáo dục trực tuyến và ứng dụng công nghệ trong giáo dục không còn là điều "đáng xem xét" mà trở thành "bắt buộc" trong thế giới hiện đại. Lĩnh vực Edtech đang ngày càng phát triển. Báo cáo của Do Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực, và thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính là giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính.

"Việc chuyển sang môi trường học online là một xu thế không thể thay đổi. COVID-19 chính là cơ hội để mảng thị trường Edtech bùng nổ tại Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Dũng, đồng sáng lập Do Ventures, cho biết.

Những bài toán khó đối với startup Edtech Việt Nam

Do tác động của COVID19, học trực tuyến đã trở nên thiết yếu và đây là thời điểm thuận lợi để các startup trong lĩnh vực Edtech tạo ra đột phá, giúp nâng cao hiệu quả dạy và học hơn, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục.

Tiềm năng là vậy, song Edtech không phải là "mảnh đất" dễ khai phá. Hầu hết các startup và mô hình kinh doanh làm về giáo dục cần phải có đam mê và sự bền bỉ lớn bởi xét hiệu quả kinh tế thì không sánh được với những mảng khác về tiêu dùng, ăn uống, hay giải trí. 

Theo ông Cao Xuân Hoài Vương, Nhà sáng lập, CEO Unica - một trong những trường học trực tuyến lớn nhất Việt Nam - làm startup trong giáo dục cần đặt cái tâm lên trên hết, xác định rõ đây là một lĩnh vực khó, không phải là một lĩnh vực có thể "làm giàu nhanh". Tâm ở đây nghĩa là bạn xác định bạn làm startup để đóng góp giá trị gì cho xã hội, cho Việt Nam và rộng hơn là cho thế giới. Với tâm thế đó, bạn sẽ xác định đây là một cuộc "phiêu lưu" dài hạn, để thành công có thể bạn phải mất 5 - 10 năm thậm chí lâu hơn.

Mặt khác, để thay đổi đáp ứng kịp những nhu cầu thị trường thì các startup công nghệ vẫn còn rất nhiều thử thách. Các nền tảng trực tuyến hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như tương tác bị hạn chế, tính năng chưa được tích hợp nhiều mà hay bị xé lẻ,… Chưa kể vấn đề người học mất tập trung, giáo viên chưa quen với dạy trực tuyến mà vẫn áp dụng kiểu dạy học truyền thống đối với dạy học trực tuyến. Các tính năng trong lớp học trực tuyến không đáp ứng nhu cầu dùng của giảng viên.

Chính vì vậy, thử thách đặt ra cho các startup giáo dục trong thời gian tới là tích hợp các công nghệ mới và khai thác nhu cầu từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh để tạo nên các trải nghiệm học tập từ xa - học tập trực tuyến tốt hơn.

Chia sẻ câu chuyện của mình, CEO ELSA Văn Đinh Hồng Vũ cho biết khi mới khởi nghiệp chị đã phải tự xác định sẽ không thể chỉ tạo ra một sản phẩm tốt hơn những cái hiện có. "Điều chúng tôi có thể và phải làm là tạo ra một sản phẩm sáng tạo thật sự, khác với những cách thông thường, trong thời gian ngắn hơn là khoảng 3 năm", CEO ELSA nhấn mạnh.

Thêm nữa, làm sao để kêu gọi được những chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới về làm với mình, bởi nhân tài trong lĩnh vực AI và nhận diện giọng nói rất khan hiếm.

Bài học rút ra từ những nỗ lực vươn ra quốc tế của các startup Edtech châu Âu

Những thách thức mà các startup Edtech Việt Nam gặp phải cũng là câu chuyện phổ biến tại các quốc gia châu Âu. Theo trang techcrunch, một số startup như GoStudent, Ornikar và YouSchool đã nhanh chóng vượt qua thách thức, thích ứng và phát triển vượt bậc trong bối cảnh đại dịch.

Điển hình là GoStudent, một nền tảng "gia sư" trực tuyến, nơi phụ huynh và học sinh có thể tìm các gia sư dạy kèm trực tuyến 1-1 cho nhiều môn học khác nhau. Hồi tháng 6 vừa qua, startup này đã huy động được 205 triệu euro trong vòng Series C và được định giá ở mức 1,4 tỷ euro (1,7 tỷ USD).

Startup này có trụ sở tại Vienna, Áo hiện và nay có mặt tại 18 quốc gia. Hiện có khoảng 400.000 buổi học hàng tháng, tăng 700% so với năm trước và 15% so với tháng trước. Startup cho biết họ đang tăng số nhân viên lên 1.000 và sẽ đạt 10.000 gia sư vào cuối năm. Kế hoạch sắp tới là mở rộng ra nhiều quốc gia hơn, trong đó có Mexico và Canada, và tiếp tục phát triển danh sách gia sư và các môn học.

Công ty cho biết tốc độ tài trợ nhanh chóng và định giá ngày càng tăng của GoStudent khiến nó trở thành công ty khởi nghiệp Edtech có giá trị cao nhất ở châu Âu. Felix Ohswald, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành, nói với TechCrunch: "Hiện chúng tôi có kế hoạch tích cực hơn nữa về mặt địa lý và có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào thương hiệu.

Theo quỹ đầu tư vào công nghệ giáo dục của châu Âu Brighteye Ventures, một điểm phổ biến ở các startup Edtech là việc tập trung mở rộng ra thị trường quốc tế để tăng trưởng. Brighteye Ventures đã khảo sát các công ty Edtech về kế hoạch mở rộng, các ưu tiên và những cạm bẫy họ gặp phải. Cuộc khảo sát được thực hiện với 49 DN có trụ sở tại châu ÂU, 6 DN có trụ sở tại Mỹ và 3 DN ở châu Á. Kết quả cho thấy khoảng 60% các DN tham gia khảo sát đã mở rộng hoạt động ra quốc tế, chỉ 40% vẫn duy trì hoạt động trong nước.

Chiến lược vươn ra quốc tế là một điểm thú vị và mang nhiều sắc thái trong lộ trình phát triển của một công ty Edtech. Không giống như các startup trong lĩnh vực fintech, các chuyên gia cho rằng các startup Edtech cần phải mở rộng ra một số thị trường lớn để đạt được quy mô khiến họ trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong những vòng gọi vốn mạo hiểm. 

Nguyên nhân được cho là do tính đặc thù và phức tạp của các sản phẩm cung cấp cho trường học, vì vậy, có vẻ hợp lý khi bạn nắm lấy cơ hội và xây dựng thị phần quốc tế. Mặt khác, một số người coi việc mở rộng là một cách để đa dạng hóa rủi ro. Ví dụ, chúng tôi đang phát triển tốt ở thị trường X, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cơ hội ở thị trường Y lớn hơn và hoạt động kinh doanh của chúng tôi bắt đầu sa sút vì một lý do nào đó ở thị trường X?

Chiến lược vươn ra quốc tế nghe thì rất hấp dẫn nhưng thực hiện không hề đơn giản. Theo khảo sát của Brighteye Ventures, nếu sản phẩm của DN thực sự tốt và có thể truy cập ở mọi nơi, thì DN sẽ dễ dàng tiếp cận khách hàng ở nhiều thị trường. Sau đó, DN cần phải xây dựng đội ngũ và cơ sở hạ tầng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Tuy nhiên, nếu nguồn lực, đặc biệt là tài chính, không có đủ thì DN cũng không thể thực hiện thành công được. Do đó, mở rộng thị trường quốc tế muộn hơn trong lộ trình phát triển hoặc khi có thêm nguồn tài trợ, có thể là do các hiệp hội hay các quỹ đầu tư mạo hiểm, dường như sẽ khiến chiến lược này khả thi hơn. Nguồn lực tài chính mạnh mẽ thậm chí còn cho phép DN thâm nhập vào nhiều thị trường gần như đồng thời./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Edtech là một cuộc "phiêu lưu" dài hạn với các startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO