EU hướng tới xây dựng hệ thống định danh số thống nhất, an toàn và tin cậy

Ngọc Diệp| 08/06/2021 11:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Hệ thống định danh số sẽ được triển khai cho công dân, cư dân và doanh nghiệp (DN) trên toàn Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên sẽ cung cấp ví điện tử định danh ở cấp độ quốc gia. Đây là một phần trong chiến lược phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19, giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số tại EU.

Tăng cường số hóa với khung định danh số

Đại dịch Covid-19 đã tăng tốc tiến trình hội nhập châu Âu giữa các nước thành viên EU, đồng thời cho thấy nhu cầu cấp thiết cần phải giải quyết những thiếu sót của dịch vụ định danh, xác thực và tin cậy điện tử (eIDAS), nhằm đạt được mục tiêu về "các dịch vụ số hiệu quả và thân thiện với người dùng" trên khắp EU.

Mới đây, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất triển khai một khung định danh số thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh cho 450 triệu người tại toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU.

Khung định danh số châu Âu được đưa ra sau khi EC tiến hành cuộc tham vấn về kế hoạch sửa đổi các quy định về dịch vụ định danh, xác thực và tin cậy điện tử (eIDAS) vào tháng 7/2020. Cuộc tham vấn đã dẫn đến xây dựng một khung định danh số mới cho EU, cho phép tất cả công dân chứng minh danh tính của họ, chia sẻ tài liệu điện tử và truy cập các dịch vụ trực tuyến từ điện thoại thông minh của họ thông qua ví nhận dạng số. EC sẽ sớm đưa khung định danh số vào luật và thống nhất cách thức thực hiện với các quốc gia thành viên.

Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết: Ứng dụng định danh số sẽ cho phép EU triển khai các dịch vụ một cách bảo mật và minh bạch tại mọi quốc gia thành viên EU mà không mất thêm chi phí và ít gây trở ngại.

Hiện tại, một số quốc gia EU đã có hệ thống định danh số quốc gia riêng. Điển hình như Bỉ có thẻ căn cước và ứng dụng di động tương đương có thể được sử dụng để nộp thuế, chuyển khoản ngân hàng hoặc yêu cầu các giấy tờ quan trọng từ chính quyền địa phương. Nhưng có một vấn đề về khả năng tương tác xuyên biên giới, theo EC, hiện chỉ có 14% các nhà cung cấp dịch vụ công lớn ở tất cả các quốc gia thành viên cho phép xác thực xuyên biên giới bằng hệ thống nhận dạng điện tử.

Về lý thuyết, việc triển khai khung định danh số mới có thể giúp thúc đẩy hoạt động kỹ thuật số trên toàn thị trường chung EU bằng cách giúp người châu Âu xác minh danh tính của họ và truy cập các dịch vụ thương mại hoặc công cộng dễ dàng hơn khi họ ở ngoài nước mình định cư, ví dụ đi du lịch hoặc chuyển công tác.

Triển khai ví điện tử định danh trên toàn EU

Theo khung định danh số mới, tất cả các quốc gia thành viên sẽ cung cấp ví điện tử định danh cho công dân và DN, giống như cách mọi người đã sử dụng với thẻ lên máy bay và thanh toán di động. Ví điện tử định danh sẽ liên kết định danh số quốc gia của người dân với các hồ sơ khác để chứng minh họ là ai, chẳng hạn như giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng hoặc văn bằng. Cụ thể, với loại ví này, công dân EU có thể thuê xe hơi bên ngoài nước mình, chứng minh tuổi tác, đăng ký các khoản vay, mở tài khoản ngân hàng, kê khai thuế hoặc ghi danh đại học.

Liên minh châu Âu hướng tới xây dựng hệ thống định danh số thống nhất, an toàn và tin cậy  - Ảnh 1.

Ví điện tử định danh cũng có thể được sử dụng để truy cập vào cả các dịch vụ công trực tuyến và cá nhân. Ví có thể được cung cấp bởi công ty tư nhân hoặc cơ quan công quyền, miễn là chúng được một quốc gia thành viên công nhận.

Nhiều nước thành viên EU đã có các phương thức nhận dạng kỹ thuật số riêng nên ứng dụng mới nêu trên sẽ tương tác với các hệ thống hiện hữu sao cho công dân EU có quyền sử dụng các dịch vụ được công nhận trên toàn khối.

Khung định danh số mới cũng cung cấp cho công dân quyền kiểm soát dữ liệu của họ và lựa chọn chia sẻ dữ liệu nào với bên thứ ba cũng như theo dõi nơi thông tin được chia sẻ.

Động thái này được cho là nhằm chống lại sự phổ biến ngày càng tăng của ví kỹ thuật số được cung cấp bởi Apple , Google các tổ chức tài chính khác mà nhiều chuyên gia cho rằng có thể gây lo ngại về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.

"Ví điện tử định danh có thể được sử dụng ở bất kỳ đâu ở EU để xác định và xác thực quyền truy cập vào các dịch vụ trong khu vực công và tư nhân, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu nào được giao tiếp và cách nó được sử dụng", tài liệu của EC dẫn chứng.

Theo một số chuyên gia, ví điện tử định danh của châu Âu phải đảm bảo mức độ bảo mật cao nhất cho dữ liệu cá nhân được sử dụng để xác thực, có tính đến các mức độ rủi ro khác nhau, bất kể dữ liệu này được lưu trữ cục bộ hay trên các giải pháp dựa trên đám mây. Việc sử dụng sinh trắc học để xác thực sẽ là một trong những phương pháp nhận dạng mang lại mức độ bảo mật cao, đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố khác của xác thực.

Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU Thierry Breton cho biết công dân EU không chỉ mong đợi mức độ an ninh cao mà còn cả sự thuận tiện khi giao dịch với các cơ quan hành chính quốc gia như nộp tờ khai thuế hay nhập học tại một trường đại học châu Âu

"Các ví điện tử định danh của EU cung cấp một phương thức mới để họ lưu trữ và sử dụng dữ liệu cho tất cả các loại dịch vụ, từ làm thủ tục tại sân bay đến thuê xe hơi. Đây là một sự lựa chọn hấp dẫn cho người tiêu dùng của châu Âu", ông nói.

Ngoài ra, hệ thống mới còn được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho các DN châu Âu - bằng cách giúp họ cung cấp "một loạt các dịch vụ mới" cùng với lời hứa về một "dịch vụ nhận dạng an toàn và đáng tin cậy" đi kèm với nó.

Theo EC, ví điện tử định danh cũng giúp bảo vệ môi trường khi giảm khí thải phát sinh từ các dịch vụ công. Trước đó, một tài liệu của EU cho biết việc thông qua ví điện tử định danh có thể giúp đem lại khoản thu 9,6 tỷ euro (gần 12 tỷ USD) và tạo ra tới 27.000 việc làm cho EU trong thời gian năm năm.

Sáng kiến này là một phần trong quỹ kích thích phục hồi kinh tế của EU hậu đại dịch Covid-19 có trị giá 750 triệu euro. Các nước thành viên cần chi 20% số tiền này vào các dự án số hóa như số hóa lĩnh vực hành chính công.

Rõ ràng, đề xuất mới này là một ý tưởng lớn, đầy tham vọng của EC về việc xây dựng một hệ thống định danh số thống nhất, an toàn và tin cậy trên toàn EU./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
EU hướng tới xây dựng hệ thống định danh số thống nhất, an toàn và tin cậy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO