Đồng thời, fintech mở ra tương lai hứa hẹn cho nhiều lĩnh vực, ứng dụng mới như: mua sắm, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng thị trường tiếp cận qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT)… Và lĩnh vực công nghệ này còn được dự báo là nhân tố giúp đảm bảo phục hồi kinh tế, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch bệnh Covid-19.
Vậy những giá trị thực tế đó được tạo ra theo phương thức nào? phạm vi, quy mô ảnh hưởng sẽ tác động đến đâu trong cuộc cách mạng số hóa? ...
Fintech giúp các công ty "may đo" ra những dịch vụ riêng
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, CEO của beFinancial, đại diện ngân hàng số Cake, đồng thời là người có nhiều kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực tài chính số trao đổi trong CTO Talks của VNExpress cho biết Fintech đang là một xu hướng được lựa chọn của hiện tại, có khả năng phát triển, đảm bảo hiệu quả giá trị kinh tế số trong tương lai. Fintech đang sở hữu sức mạnh trên nền tảng số giúp mọi giao dịch nhanh, thuận tiện, giảm các chi phí phát sinh, chi phí trung gian trong việc thanh toán.
Cụ thể về các mặt tối ưu này, ông Quang lấy ví dụ, một khách hàng khi có nhu cầu vay tiền qua một số tổ chức tín dụng, thay vì trước kia phải đến tận nơi xếp hàng, chờ đợi thì nay chỉ cần thao tác ở nhà đăng ký tài khoản trên smartphone, lập tức sau vài phút khoản vay đã được thực hiện. Đây chính là điểm khác biệt mà lợi ích từ công nghệ tài chính mang lại, tạo ra, và đang dần thay thế phương thức các giao dịch tài chính, tổ chức tín dụng truyền thống .
Cũng theo ông Quang, nhờ việc kết hợp các công nghệ về dữ liệu, mà các công ty tài chính, dịch vụ có thể hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng, người dùng, từ đó giúp xây dựng các chiến lược hoạt động phù hợp, đặc biệt giúp "may đo" ra những dịch vụ riêng để phát triển.
"Chẳng hạn, beFinancial là tệp người dùng đi xe, tài xế công nghệ. Công ty có thể thiết kế những sản phẩm về thanh toán, tín dụng, đầu tư phù hợp", đại diện ngân hàng số Cake nhấn mạnh.
Chia sẻ về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động, lĩnh vực này, ông Quang cho rằng phương thức cần thiết tạo dựng ngay vào lúc này đó chính là cần tiếng nói chung, đồng lòng, đồng sức từ cộng đồng các doanh nghiệp (DN). Nghĩa là các DN cần liên kết với nhau để cùng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh với DN, tổ chức nước ngoài.
"Khi liên kết, các DN có thể bổ sung, tận dụng hệ sinh thái của nhau để phát triển, mở rộng lượng khách hàng, đa dạng hóa dịch vụ và cùng nhau đi xa hơn", ông Quang nhấn mạnh.
Chung quan điểm về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động Fintech, ông Hồ Quốc Đạt, đồng sáng lập, kiêm CTO của VietMoney cho rằng, các DN, nhất là trong hệ thống ngành cần liên kết chặt chẽ với nhau hơn để tạo chuỗi giá trị cho khách hàng, từ đó xây dựng niềm tin cho chính DN của chính mình.
Là một nền tảng cho vay trực tuyến, DN Fintech - VietMoney mới đây đã liên kết với một số ví điện tử, công ty cung cấp giải pháp thanh toán để cải thiện tính năng thanh toán cho các khoản vay.
VietMoney đang ứng dụng các công nghệ dựa trên dữ liệu lớn, như sử dụng máy học (Machine learning) - lĩnh vực con của trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng các thuật toán cho phép máy tính có thể học từ dữ liệu để thực hiện các công việc thay vì được lập trình một cách rõ ràng, từ đó giải quyết các bài toàn về cho vay…
"Nhờ có Machine learning, máy tính có thể dự đoán được giá trị của sản phẩm trong 1 đến 2 tháng sau, từ đó giảm rủi ro khi cho vay", ông Đạt chia sẻ.
Như bổ sung ý kiến để khẳng định thêm các giá trị, lợi ích của Fintech, ông Cris D Trần, chuyên gia tư vấn, cung cấp giải pháp blockchain, đồng thời cũng là người có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS) nêu quan điểm, quy mô của fintech đang lan rộng, giữ vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng số hóa. Giá trị sử dụng, mang lại ngoài việc giải quyết các vấn đề tồn đọng của ngành tài chính truyền thống, nó còn giúp mở ra những tính năng mới, cơ hội mới rộng mở để phát triển trong hiện tại và tương lai.
Nếu chúng ta coi Fintech là đích đến thì các DN tài chính, ngân hàng cần nâng tầm giá trị của mình bằng việc phát triển công nghệ. Có hai phương án được nhiều DN lựa chọn: Tự xây dựng sản phẩm hoặc thuê ngoài 100%. Tuy nhiên, cả hai phương án đều luôn tiềm ẩn rủi ro, mất thời gian, chi phí lớn, hoặc phụ thuộc đối tác.
Do đó, phương án tối ưu nhất là 'sáng tạo mở', tức là trong hoạt động của các DN cần sự hợp tác, hỗ trợ từ những công ty công nghệ để quyết bài toán phát triển.
Cũng theo chuyên gia Cris D Tran, nếu DN lựa chọn phương thức, cách làm này là được thử nghiệm cái mới, đồng thời được san sẻ những rủi ro và hình thành liên minh để tiếp cận những giải pháp tốt nhất, khi đó "1 cộng 1 có thể lớn hơn 3".
Cần thử nghiệm để sớm thiết lập ra khung khổ pháp lý cho Fintech
Thực tế Fintech xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng những năm 2015 và đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng, các tập đoàn, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, những năm gần đây, làn sóng fintech đã thực sự đang đem lại hiệu ứng tích cực về hiệu quả và tính quy mô đối với nền tảng ứng dụng này.
Tại báo cáo năm 2020 của Fintech Singapore về thị trường Fintech Việt Nam đã đánh giá, Việt Nam đang bùng nổ dịch vụ này nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử, cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh CĐS và các giao dịch TMĐT tăng mạnh do tác động từ đại dịch bệnh Covid-19.
Để phát huy hiệu quả loại hình dịch vụ tài chính này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo trình Chính phủ về cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động Fintech trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, dự kiến phấn đấu trong năm nay thực hiện thử nghiệm hai nhóm giải pháp gồm: Các dịch vụ, giải pháp công nghệ được Fintech (không phải ngân hàng) trực tiếp cung ứng hoặc giải pháp công nghệ được ứng dụng hoặc hỗ trợ trong các hoạt động ngân hàng được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, sẽ có 07 lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm gồm: Thanh toán, tín dụng, cho vay ngân hàng (P2P Lending), hỗ trợ định doanh, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như blockchain, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm... Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 1-2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Thủ tướng chấp thuận thử nghiệm.
Thực tế hiện nay, đối với lĩnh vực P2P lending đang gặp những bất cập như chỉ được xem là kênh phân phối, dưới tên các công ty công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để tìm kiếm người vay và thực hiện cho vay. Do đó, đang tạo kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng mô hình kinh doanh này để thực hiện hành vi phạm tội, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi…
Hơn nữa, phần lớn các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam hiện nay được cung cấp dịch vụ nền tảng từ các DN nước ngoài. Điều này có thể làm gia tăng mức độ lệ thuộc của hệ thống tài chính - ngân hàng vào các nhà đầu tư nước ngoài. Để gỡ nút thắt này, giải pháp cần thiết phải sớm ban hành Nghị định để kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Trước những tồn tại hạn chế này, với tư cách là một chuyên gia tài chính, báo Đấu thầu (baodauthau.vn) dẫn lời TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc thử nghiệm là điều cần thiết, giúp tạo cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, luật pháp điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia loại hình này.
Cùng với đó, TS Lực nhấn mạnh, cần cấp thiết hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý Fintech (có bộ phận đầu mối, quản lý thống nhất…). Đặc biệt, cần có các quy định về yêu cầu vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường fintech…
Còn nhớ, cũng với quan điểm không thể thiếu việc xây dựng khung khổ pháp lý cho ngân hàng số và Fintech, tại cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Pháp lý, chuyên ngành chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai đang diễn biến phức tạp, chúng ta thấy rằng việc tiếp xúc với con người bị hạn chế, rất nhiều các khách hàng họ liên lạc với ngân hàng qua tất cả những phương tiện của công nghệ thông tin. Từ đó, vấn đề kỹ thuật số của ngành ngân hang trở thành một phương tiện không thể bỏ qua được.
Việc thử nghiệm chương trình có kiểm soát (Sandbox) đối với Fintech sẽ là một nền tảng để thiết lập ra khung khổ pháp lý cho Fintech. Bản thân của nó chưa phải là quy định về kỹ thuật số hay là quy định cho vay ngang hàng hay thanh toán…
"Vì đây là vấn đề quan trọng nên Chính phủ cần một thời gian để nghiên cứu, khảo sát cũng như đưa ra những quy định. Trong quá trình xây dựng văn bản, các nhà làm luật của Việt Nam và Chính phủ cần ưu tiên đến vấn đề làm sao bảo vệ cho nhà đầu tư và bảo vệ cho khách đi vay … đó là những điểm chính", TS Hiếu mong muốn
Như vậy, FinTech đã và đang tạo ra những giá trị hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế và tăng nhiều lợi ích xã hội trong lĩnh vực tài chính… Qua đây, với hy vọng trên quan điểm, ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý đây sẽ là dịp để chúng ta đánh giá lại tiềm năng loại hình này để xây dựng, tạo "điểm tựa" giúp FinTech ngày một tạo ra nhiều thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế đất nước ngày hùng cường, vững mạnh, chủ động trong kỷ nguyên số, đúng, phù hợp với tiến trình, chủ trương của công cuộc chuyển đổi số quốc gia./.