Thông tin trên được Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ tại sự kiện Hội thảo trí tuệ nhân tạo của FPT với chủ đề "Bứt phá để dẫn đầu trong kỷ nguyên AI" được tổ chức ngày 17/8.
Sự kiện không chỉ quy tụ lãnh đạo cấp cao và các chuyên gia AI của FPT mà còn có sự hiện diện của các chuyên gia AI hàng đầu thế giới và Việt Nam như "Bố già AI" Yoshua Bengio - Viện trưởng Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới - Mila; GS Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Giám đốc Khoa học của Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia, TP HCM; PGS TS Truyền Trần - Viện Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng, Đại học Deakin; PGS TS Trần Thanh Long và Nguyễn Hoàng Bảo Đại - một trong 3 người Việt đầu tiên được công nhận là Chuyên gia phát triển của Google (Google Developer Expert).
Tại sự kiện, lãnh đạo và các chuyên gia công nghệ đã chia sẻ tầm nhìn, định hướng chiến lược "bứt phá dẫn đầu về AI" của FPT cũng như bức tranh toàn cảnh về hệ sinh thái AI của Tập đoàn.
Trong tuần lễ của FAIC, các hội thảo khoa học với các chủ đề như Học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Thị giác máy tính; Học tăng cường… cũng được các chuyên gia và nhà khoa học của FPT chia sẻ và bàn thảo.
FPT muốn phục vụ người dùng tốt hơn thông qua dữ liệu, AI
Trong cuộc cách mạng 4.0, AI được xem là một trong những công nghệ đột phá, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) của doanh nghiệp (DN), tổ chức trên toàn thế giới. Theo dự báo của Analytics Insight, thị trường AI toàn cầu sẽ đạt con số trên 150 tỷ USD vào năm 2023. Các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Google, AWS, IBM… đang tập trung mạnh mẽ vào công nghệ này.
Chia sẻ tại sự kiện FAIC 2021, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định, ước mơ của FPT là sẽ vươn lên hàng đầu thế giới về CĐS cũng như về AI. Để làm được điều này, ông Bình cho biết, FPT đang góp sức để đưa thành phố Quy Nhơn (Bình Định) trở thành một trung tâm về AI của Việt Nam, khu vực và thế giới. Cũng tại đây, FPT đã quy hoạch một thành phố về AI cũng như liên kết với Viện Nghiên cứu AI Mila để kết nối với AI thế giới.
FPT hy vọng sẽ xây dựng một Viện liên kết giữa Viện Mila với FPT để có thể tập hợp những tài năng của FPT cũng như của của Việt Nam. "Đó cũng chính là ước mơ để Việt Nam có thể trở thành một cường quốc về AI của thế giới", ông Bình chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Bình, FPT mong muốn chăm sóc phục vụ người dùng tốt hơn nhờ dữ liệu và AI. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các nghiên cứu AI của FPT đã hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống, sàng lọc, truy vết và hướng dẫn cách ly y tế tại nhà. Trợ lý ảo tổng đài FPT.AI giúp gia tăng hiệu quả cho đội ngũ truy vết dịch trên toàn quốc. Tính đến nay, trợ lý ảo đã thực hiện hơn 2,6 triệu cuộc gọi tới hơn 1,6 triệu công dân Việt Nam, góp phần phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh. FPT cũng đang xây dựng Chatbot cung cấp thông tin, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe F0 cách ly tại nhà, giúp giảm tải hệ thống y tế, nâng cao hiệu quả điều trị.
Ngay từ năm 2013, FPT đã đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ AI, hiện đã hình thành được hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp, nền tảng AI giúp DN, tổ chức tối ưu vận hành, nâng cao hiệu suất và đem đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Đơn cử như nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI giúp DN giảm 60% chi phí, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Hay akaTrans - dịch máy tự động tài liệu chuyên ngành Anh - Nhật - Việt với hơn 6.000 người của hơn 100 DN đang sử dụng giúp chuẩn hóa quy trình và nâng cao 75% năng suất dịch thuật.
AI của FPT đang phục vụ 100 DN và 14 triệu người dùng
Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc FPT đã dẫn chứng lại câu chuyện năm 1999, khi FPT quyết định xuất khẩu phần mềm, khi đó ai cũng nghĩ điều đó quá lãng mạn, quá viển vong. "Những gì FPT đã làm được cho đến thời điểm này đã cho thấy sự nỗ lực thông qua những hành động thiết thực đã đưa ngành dịch vụ phần mềm của FPT vào bản đồ thế giới", ông Khoa bày tỏ.
Tương tự với câu chuyện của AI, Tổng Giám đốc FPT cho rằng, đây là một chiến lược quan trọng của công ty, một trụ cột của FPT, đã được thực hiện từ năm 2013, thời điểm mà AI còn mới mẻ trên thế giới và Việt Nam. Để rồi, việc thành lập FPT Smart Cloud vào năm 2020 là minh chứng rõ nhất cho sự đầu tư nghiêm túc của FPT vào lĩnh vực AI.
Ngoài ra, FPT cũng đã xây dựng trung tâm nghiên cứu về AI, đưa AI trở thành một môn học tại trưởng ĐH FPT ở Quy Nhơn. Sinh viên theo học sẽ được đào tạo sát thực tiễn đồng thời có cơ hội học hỏi từ các chuyên gia và được định hướng mục tiêu nghề nghiệp để trở thành các kỹ sư AI dày dạn kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Đồng thời, trong 3 năm trở lại đây, FPT đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm AI để phục vụ cho việc kinh doanh, nội bộ.
Chia sẻ về những kết quả của các sản phẩm FPT AI, ông Khoa cho biết, các sản phẩm AI của công ty đang được ứng dụng ở khoảng 100 DN trong và ngoài nước, phục vụ khoảng 14 triệu người dùng cuối.
Tổng Giám đốc FPT cũng cho biết, FPT dự kiến sẽ đầu tư 300 tỷ đồng vào lĩnh vực này trong những năm sắp tới. Thậm chí con số này có thể cao hơn, tùy thuộc vào yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng không thể thiếu mà FPT cũng sẽ đầu tư, đó là về nguồn lực con người.
"Thu nhập tốt, môi trường làm việc sáng tạo là điều mà chúng tôi đã và đang luôn nỗ lực dành cho cán bộ của mình. Nhưng không chỉ thế, tôi tin chắc rằng, một điều mà những người yêu công nghệ luôn mong muốn đó là được tham gia giải những bài toán đầy thử thách, có tầm vóc lớn. Ở điểm này, FPT chắc chắn là nơi phù hợp nhất", ông Khoa nhấn mạnh.
Hiện nay có rất nhiều bài toán, tầm thế giới, nhiều bài toán lớn đặt ra trong các ngành trụ cột. Trách nhiệm của FPT là phải đưa AI vào các sản phẩm của mình, đồng thời đẩy mạnh thêm các lĩnh vực y tế, giao thông, thành phố thông minh, giáo dục, hạ tầng, sản xuất, thực phẩm... mang lại những giá trị tốt hơn cho khách hàng.
"FPT cần hợp lực chặt chẽ để cùng đưa ra những sản phẩm lớn có giá trị hơn nữa. Chúng ta có bài toán lớn, nay phải ra được sản phẩm lớn. Uớc mơ phải có hành động và hành động phải mạnh mẽ để ra được kết quả", ông Khoa khẳng định.
FPT đang có "mỏ vàng" dữ liệu mà Facebook, Google mất nhiều thời gian, tiền bạc mới có được
Theo ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT - CTO, Tập đoàn đã có hàng trăm nghiên cứu về AI trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, FPT đang trở thành nhà cung ứng dịch vụ AI hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tú cũng nhìn nhận có những lĩnh vực cần làm sâu hơn nữa. Khi AI đang ngày càng trở nên quan trọng đồng nghĩa với việc bài toán cũng trở nên thách thức hơn. Hiện nay, FPT đang chiếm lợi thế khi đi trước một bước và cần duy trì tốt đà tăng trưởng, thậm chí phải có những bứt phá.
Theo ông Trần Việt Hùng, Founder Got It, những bài chia sẻ tại Hội thảo đã giúp ông Hùng có cái nhìn mới mẻ hơn về FPT, một công ty vẫn được biết đến về gia công phần mềm. Tuy nhiên, để có những sản phẩm "hoành tráng" thì không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải liên tục cải thiện từ những bước đi đầu tiên.
Ông Hùng thấy rằng, FPT có một số lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các công ty khác, đó là việc có các mô hình kinh doanh khác nhau. Như lĩnh vực Viễn thông, FPT Telecom đang ngồi trên một "mỏ vàng", đó là dữ liệu khách hàng, như biết được người dùng truy cập Internet như thế nào, nghe gì, xem gì, thích cái gì… Chưa kể đến, FPT còn có một số lĩnh vực khác như bán lẻ (FPT Shop), nếu những dữ liệu đó được kết hợp với nhau để biết và hiểu người dùng của mình theo từng khoảng thời gian nhất định.
"Facebook, Google phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để có những dữ liệu này và kiếm tiền thông qua nó. Nhưng tôi lại chưa nhìn thấy kế hoạch của FPT trong việc khai thác, sử dụng những dữ liệu khách hàng đã có được ", ông Hùng chia sẻ.
Lý giải cho điều này, ông Hùng cho rằng, rất ít người nghĩ ra những sản phẩm AI khác biệt, nên FPT có thể tận dụng những thứ có sẵn của mỗi công ty thành viên là dữ liệu. "Nếu FPT tận dụng triệt để được "mỏ vàng" này thì sẽ trở thành một "đại ca" trong giới AI ở Việt Nam", ông Hùng bày tỏ./.