Với cách tiếp cận như một mạng xã hội nội bộ, GapoWork là cầu nối giữa các chi nhánh với hội sở chính, giữa lãnh đạo và nhân viên; thúc đẩy trao đổi nghiệp vụ, đào tạo nhân viên và phát huy các ý tưởng sáng tạo.
Về phía GapoWork, hợp tác với ngân hàng BIDV cũng thể hiện quyết tâm của nền tảng "Make in Viet Nam" này trong việc cung cấp giải pháp và đồng hành với hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp (DN) Việt. Với hạ tầng công nghệ hiện đại cùng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, GapoWork được kỳ vọng sẽ đáp ứng các yêu cầu truyền thông nội bộ, gắn kết nhân viên, nâng cao nghiệp vụ của BIDV.
GapoWork là nền tảng cung cấp không gian làm việc số (digital workplace) sẵn sàng cho mọi tổ chức, DN. Với GapoWork, các DN có thể quy hoạch không gian làm việc trực tuyến của riêng mình với 6 nhóm chức năng: giao tiếp và trao đổi công việc đa phương thức; giao việc và quản lý tiến độ tới từng cá nhân; truyền thông nội bộ đa chiều và nhận phản hồi nhanh chóng; lưu trữ, tìm kiếm thông tin trong tổ chức và tự động hóa các luồng nghiệp vụ của doanh nghiệp.
Hiện GapoWork đang phát triển cùng lúc hơn 20 tính năng, đồng thời tích hợp mở rộng với các phần mềm nghiệp vụ khác, hướng tới biến GapoWork trở thành cổng truy cập duy nhất tới không gian làm việc số của mọi nhân sự trong DN.
Hơn 600 khách hàng sau hơn 1 năm phát triển
Sau hơn 1 năm phát triển, GapoWork đã được ghi nhận bởi hơn 600 tổ chức, DN mở không gian làm việc số, trong đó có các DN lớn trên nhiều lĩnh vực. Do thị trường Việt Nam có khoảng hơn 800.000 DN đang hoạt động, trong đó 94% ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ (SME) nên sắp tới, GapoWork sẽ tập trung phát triển nhóm tính năng hỗ trợ cải thiện hiệu suất cho SME. GapoWork đã và đang trong lộ trình tích hợp với những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới như Zoom, Asana, Jira, Clickup, Trello…
Với những tổ chức và DN quy mô lớn, GapoWork sẽ lấy trọng tâm là công nghệ bảo mật đặc biệt: Chat mã hóa end-to-end, kiểm soát truy cập và download các tệp đính kèm, mã hóa toàn bộ thông tin on-disk…
Chia sẻ lý do ra mắt sản phẩm, ông Hà Trung Kiên, CEO GapoWork cho biết, là một trong số quốc gia có tốc độ phổ cập Internet nhanh nhất thế giới, song không thể phủ định mức độ tiếp cận của các DN Việt với hệ thống quản trị thông tin và giao tiếp trên môi trường trực tuyến là không đồng đều.
Phần lớn DN trong nước vẫn lựa chọn các giải pháp giao tiếp rất "bản năng" và chưa có hệ thống. Họ chưa thực sự có tư duy về việc xây dựng một môi trường làm việc trên nền tảng số, "chiếu xạ" các hoạt động vận hành thường ngày ở thế giới vật lý.
"Sứ mệnh của GapoWork là tạo ra một nền tảng giúp các DN làm quen với digital workplace, dần hoàn thiện môi trường làm việc có sự góp mặt của công nghệ. Chính điều này đã giúp chúng tôi tin vào chỗ đứng sản phẩm có thể tạo dựng được trên thị trường", ông Kiên khẳng định.
Cũng theo ông Kiên, trong thời gian qua, đã có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang các giải pháp Make in Viet Nam. Việc dịch chuyển này được cho là một tín hiệu đáng mừng, khi mà trước đây vì không thể cạnh tranh được với những sản phẩm ngoại, nhiều sản phẩm Việt đã ra đi "không kèn không trống".
Để tránh đi vào "vết xe đổ này" và chứng minh hiện các sản phẩm trong nước không thua kém các sản phẩm nước ngoài, đội ngũ phát triển GapoWork đã nghiên cứu, nâng cấp và phát triển hàng ngày hàng giờ theo nhu cầu của DN trong nước.
Để làm được điều này, Gapo đã đầu tư thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng sản phẩm và thị trường trong vòng 2 năm trước khi đi vào xây dựng nền tảng GapoWork. Mặc dù trên thế giới cũng đã có những mô hình tương tự như Việt Nam nhưng để tiếp cận những mô hình này khá khó khăn. Lý do đầu tiên là vì những nền tảng đó được tạo ra không phải để dành riêng cho người Việt. Do vậy, khi sử dụng nền tảng nước ngoài sẽ không có đội ngũ hỗ trợ. Thứ hai là chi phí để sử dụng các nền tảng nước ngoài khá lớn đối với các DN Việt Nam.
"Nhưng quan trọng nhất là do tại Việt Nam chưa có một mô hình nào tương tự. Chính vì thế, Gapo tin rằng, mình sẽ trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thiết yếu này", ông Kiên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để chiếm được lòng tin của người sử dụng thì đội ngũ phát triển các sản phẩm Make in Viet Nam phải không ngừng nghiên cứu, phát triển, đổi mới và cải thiện để nâng cao chất lượng. Các yếu tố như truyền thông hay tiếp thị chỉ là giải pháp tạm thời, muốn chiến thắng, quan trọng nhất là sản phẩm cần phải đi lên từ nhu cầu và nỗi đau của người dùng./.