Kinh tế số

Giá trị xuất khẩu TMĐT B2C tại Việt Nam có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027

Anh Minh 13:24 03/02/2024

Nếu các doanh nghiệp (DN) vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam được trang bị đầy đủ và tăng tốc xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT), giá trị xuất khẩu TMĐT B2C tại Việt Nam có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Theo báo cáo "Hoạt động 2023: Trao quyền cho DN vừa và nhỏ Việt Nam" vừa được Amazon Global Selling Việt Nam công bố, số lượng hàng hoá bán ra trên Amazon liên tục tăng qua các năm, trong đó các đối tác bán hàng Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu và mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.

Ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon khối đối tác bán hàng quốc tế, cho biết hiện nay, có khoảng 2 triệu đối tác bán hàng của Amazon trên khắp thế giới. Sản phẩm do các đối tác bán hàng bên thứ ba chiếm 60% tổng lượng sản phẩm bán ra trên Amazon. Rất nhiều DN Việt Nam đã góp mặt trong cộng đồng đối tác bán hàng này.

“Việt Nam là một mắt xích cung ứng mới nổi của TMĐT toàn cầu. Chúng tôi đề cao năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng của Việt Nam”, ông Eric Broussard nói.

thuong-mai-dien-tu-da-quoc-gia-1.jpg
Ảnh minh họa

TMĐT xuyên biên giới mở đường xuất khẩu cho DN Việt Nam

Trong vòng 12 tháng tính đến hết ngày 31/8/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, giá trị xuất khẩu tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Các DN thuộc mọi quy mô, bao gồm DN nhỏ và vừa, có thể mở khóa cơ hội kinh doanh toàn cầu thông qua Amazon.

Cụ thể, với hơn 17 triệu sản phẩm bán ra, các đối tác bán hàng Việt Nam ghi nhận 70% tăng trưởng về số lượng sản phẩm xuất khẩu qua Amazon. Top 5 danh mục sản phẩm từ các đối tác bán hàng Việt Nam bán chạy nhất trên Amazon gồm nhà cửa; nhà bếp; sức khoẻ và chăm sóc cá nhân; may mặc; làm đẹp.

Danh mục này phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu năm và các mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam như nội thất, trang trí nhà cửa, may mặc. Đặc biệt, với sự thăng hạng và mới nổi của các ngành hàng đang trên đà tăng tốc trong các năm gần đây như sức khỏe và chăm sóc cá nhân, ngành làm đẹp, bức tranh xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam ngày càng mở rộng, mang đến nhiều hơn lựa chọn danh mục sản phẩm cho khách hàng toàn cầu.

hinh-3.png

Các DN trong nước cũng tự tin khai thác sản phẩm phục vụ thị trường ngách để tăng cơ hội thành công. Điển hình như Abera, một thương hiệu làm đẹp của Việt Nam, đã phát triển các sản phẩm có công dụng đặc trị, khai thác ứng dụng hoàn toàn mới từ các nguyên liệu nguồn gốc tự nhiên. Chưa đầy một năm kinh doanh trên Amazon, Abera đã đạt mốc doanh thu triệu đô, tỷ lệ chuyển đổi tăng gấp 5-6 lần.

Thành công của Abera xuất phát từ việc phân tích và thấu hiểu nhu cầu khách hàng, liên tục cải tiến sản phẩm, và phát triển thương hiệu chỉn chu. Làm đẹp vốn là lĩnh vực lợi thế của nữ giới, song Abera, được dẫn dắt bởi những lãnh đạo nam giới, vẫn có thể gặt hái thành công trên toàn cầu từ chiến lược phát triển sản phẩm chuyên biệt, tận dụng TMĐT để bán hàng trực tiếp đến khách hàng, và liên tục hoàn thiện sản phẩm dựa trên dữ liệu phân tích chuyên sâu.

Câu chuyện thành công này mở ra con đường cho các thương hiệu làm đẹp từ Việt Nam tạo dựng bản sắc riêng, đa dạng hóa lựa chọn sản phẩm phục vụ người tiêu dùng quốc tế.

DN tận dụng xu hướng, nắm bắt nhu cầu toàn cầu, xây dựng kế hoạch tăng trưởng dài hạn

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho rằng các DN vừa và nhỏ là trụ cột của cộng đồng địa phương và là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, TMĐT là một trong các xu hướng lớn dành cho các DN muốn phát triển toàn cầu.

“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các DN địa phương có thể tận dụng xu hướng này một cách nhanh chóng, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, và xây dựng kế hoạch tăng trưởng dài hạn. Cho dù nhiều DN thuộc mọi quy mô đang phát triển trên Amazon, việc vận hành một DN chưa bao giờ là điều dễ dàng”, ông Gijae Seong nói.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Việt Nam (iDEA), Bộ Công Thương, TMĐT góp phần khắc phục các rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế, giúp các DN dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Việc ứng dụng TMĐT nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và tạo nhiều điều kiện để phát triển.

“Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để hỗ trợ các DN chuyển đổi số cũng như đồng hành cùng DN trong hành trình ứng dụng TMĐT và vươn ra thị trường quốc tế”, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Việt Nam (iDEA) cho biết.

hinh-2.png

Báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng nếu các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam được trang bị đầy đủ và tăng tốc xuất khẩu qua TMĐT, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C tại Việt Nam có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Ngoài ra, MĐT B2C dự báo sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới.

Amazon Global Selling Việt Nam hỗ trợ các DN thuộc mọi quy mô bằng nhiều hoạt động và biện pháp công nghệ khác nhau, tổ chức các chương trình hướng dẫn, đào tạo như Trung tâm đào tạo Amazon Day-1 Việt Nam, Học viện nhà bán hàng.

Trong năm qua, Amazon Global Selling cũng triển khai chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến về bán hàng TMĐT xuyên biên giới Amazon Live Webinar. Với khả năng tương tác trong thời gian thực với người học, 82 phiên live webinar với 12.175 người tham gia tìm hiểu về cách bán hàng trên Amazon và phát triển DN đã được tổ chức.

Ngoài ra, Amazon Global Selling Việt Nam và Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, đang thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển 10.000 nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho Việt Nam. Đây là sáng kiến hợp tác kéo dài 5 năm, với chuỗi chương trình đào tạo, tập huấn online lẫn offline về TMĐT xuyên biên giới trên khắp cả nước.

Được triển khai từ năm 2022, đến nay, DN tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Ninh Bình, Hải Phòng, Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng thông qua các khóa học với nội dung từ tìm hiểu cơ hội kinh doanh, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm và đăng tải sản phẩm hiệu quả, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, giúp các DN sẵn sàng xuất khẩu sản phẩm và thương hiệu ra toàn cầu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giá trị xuất khẩu TMĐT B2C tại Việt Nam có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO