Giải pháp bảo mật cho DN trong chuyển đổi số với VNG Cloud

Ngọc Diệp| 17/11/2021 16:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc ứng dụng đám mây ngày càng phát triển tại Việt Nam, tuy nhiên, bên cạnh rất những lợi ích và sự linh hoạt từ các dịch vụ đám mây hiện có, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) vẫn còn thận trọng trong việc chuyển dịch dữ liệu và ứng dụng "lên mây". Do đó, việc lựa chọn một nền tảng toàn diện và tối ưu sẽ giúp DN làm chủ được công nghệ và tạo đà “nhảy vọt” trong tương lai.

Thúc đẩy phát triển hạ tầng đám mây trong tiến trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS), thúc đẩy nền kinh tế số đã trở thành xu thế tất yếu của các chính phủ và DN trên toàn thế giới. Đặc biệt, tác động của đại dịch COVID-19 khiến các DN buộc phải dịch chuyển các hoạt động kinh doanh lẫn vận hành nội bộ lên môi trường mạng.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2021 của Bộ TT&TT, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điện toán đám mây (ĐTĐM) là một trong các trọng tâm của chiến lược hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số nền tảng thiết yếu, hay hệ thống đường truyền Internet cáp quang.

Tại hội thảo chuyên đề 7 với chủ đề "Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra mới đây, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp DN Viettel Phạm Anh Đức cũng kiến nghị giải pháp phát triển hạ tầng số bằng cách đẩy mạnh áp dụng mô hình ĐTĐM. 

Ông Đức cho rằng tất cả các dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương cần triển khai trên đám mây để dễ dàng chia sẻ, đồng bộ dữ liệu.

ĐTĐM cũng đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình CĐS của DN. Sự thay đổi về hình thức làm việc và hành vi mua sắm của người tiêu dùng buộc các DN phải có cái nhìn khác trong việc CĐS, cụ thể là chuyển đổi hệ thống công nghệ lên đám mây nhanh hơn. Các nghiên cứu đều thừa nhận rằng sự linh hoạt dễ nâng cấp, mở rộng của đám mây, đặc biệt là đám mây công cộng (Public Cloud), kết hợp với những thuật toán, công nghệ học máy,… thực sự đã đem lại nhiều lợi ích cho các DN.

Những thách thức trong bảo mật ĐTĐM

Tốc độ ứng dụng ĐTĐM của các tổ chức, DN đang tăng rất nhanh khi họ buộc phải thích ứng với các yêu cầu kinh doanh thay đổi nhanh chóng trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ đám mây cũng đi kèm với những rủi ro an ninh và khó khăn riêng biệt. Mối đe dọa tăng dần cùng với sự gia tăng của các thiết bị mạng, thiết bị IoT, thiết bị di động, thương mại điện tử, ứng dụng web và cổng thông tin của các nhà cung cấp. Số lượng lớn vi phạm dữ liệu trên cơ sở hạ tầng đám mây sẽ diễn ra nếu các DN phạm sai lầm bảo mật và không triển khai các biện pháp an ninh mạng phù hợp. Đặc biệt, điều này thường xảy ra đối với những DN mới bắt đầu sử dụng nền tảng đám mây.

Theo ông Trần Viết Tâm, kỹ sư tư vấn bảo mật của Fortinet, báo cáo bảo mật đám mây năm 2020 (2020 Cloud Security Report) của ISC cho thấy 96% các tổ chức băn khoăn khi chuyển dữ liệu lên đám mây, 72% chưa thực sự tự tin với các hình thức bảo mật mà các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cung cấp.

Về những lo ngại lớn nhất của khách hàng khi di chuyển dữ liệu lên đám mây, báo cáo cho biết: 64% liên quan tới mất dữ liệu/rò rỉ dữ liệu trên đám mây công cộng, 62% liên quan tới việc bảo mật tính riêng tư/mã hóa dữ liệu, 46% liên quan tới để lộ lọt thông tin cá nhân như thông tin đăng nhập, tài chính,...

Giải pháp bảo mật cho DN trong chuyển đổi số với VNG Cloud   - Ảnh 1.

Còn đối với người quản trị nền tảng đám mây, những vấn đề họ quan tâm là: thiếu những người quản trị có khả năng vận hành đa nền tảng đám mây (49%), việc tuân thủ lưu trữ dữ liệu, sử dụng dữ liệu trên nền tảng đám mây công cộng (40%) và hạ tầng bảo mật trên đám mây (36%).

Cũng theo báo cáo, 68% số tổ chức được hỏi cho rằng lỗi thiết lập sai cấu hình sẽ là mối đe dọa đáng chú ý nhất năm 2021. Bên cạnh đó, truy cập trái phép vào đám mây, giao diện không an toàn, chiếm đoạt tài khoản hay thiếu chiến lược và kiến trúc bảo mật đám mây cũng là những rủi ro bảo mật dịch vụ đám mây công cộng hàng đầu hiện nay. Rủi ro an ninh mạng này còn phức tạp hơn khi các tổ chức muốn sử dụng nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây để đáp ứng đa dạng nhu cầu hoạt động.

VNG Cloud: CĐS với nền tảng đám mây an toàn Make in Viet Nam

Để hạn chế những lỗ hổng bảo mật này, các DN cần phải có tầm nhìn toàn diện trên tất cả các môi trường ĐTĐM và triển khai các biện pháp bảo vệ tự động ĐTĐM. DN cũng rất cần một lộ trình rõ ràng, đúng hướng và một nền tảng tối ưu nhất. Nếu lựa chọn sai, DN sẽ tiêu hao nguồn lực, tốn kém chi phí và quan trọng nhất là mất cơ hội.

Tại Việt Nam, VNG Cloud đang mang đến cho các khách hàng những phương pháp tiếp cận hiện đại, dịch vụ đám mây đẳng cấp thế giới giúp thúc đẩy đổi mới kinh doanh. Nhiều tổ chức, DN đang sử dụng VNG Cloud để xây dựng các ứng dụng mới và mở rộng trung tâm dữ liệu (TTDL) nội bộ cũng như tận dụng khả năng mở rộng của đám mây công cộng.

Theo ông Duy Nguyễn, VNG Cloud có 2 TTDL đặt tại Việt Nam với hơn 10.000 máy chủ trên cả nước. Các TTDL của DN này đáp ứng các quy định khắt khe về an toàn bảo mật với các chứng chỉ quốc tế như: ISO 27001, ISO 27017, ISO 27018, PCI DSS, cũng như yêu cầu Luật An ninh mạng của Việt Nam.

Mặt khác, việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp ĐTTM có TTDL đặt tại Việt Nam tạo ra nhiều lợi thế cho DN. VNG Cloud sở hữu hệ thống bảo mật tiên tiến, bảo vệ tầng mạng với lớp tường lửa ảo hóa cho không gian đám mây, bảo vệ tầng ứng dụng với WAF (tường lửa ứng dụng web), giúp ngăn chặn các hoạt động đánh cắp dữ liệu trên mạng hoặc các phần mềm độc hại.

Hạ tầng của VNG Cloud còn cung cấp tính năng lưu trữ thông minh, tự động di chuyển dữ liệu của DN vào các kho lưu trữ khác nhau dựa vào tần suất truy cập như: thường xuyên truy cập, ít truy cập và không truy cập. Khi triển khai trên hạ tầng đám mây, DN sẽ tiết kiệm đến 50% chi phí vận hành và quản lý so với việc tự đầu tư, triển khai hạ tầng on-premise (hạ tầng vật lý).

Với hơn 14 năm hoạt động, VNG Cloud đã thích ứng và nhanh chóng trở thành một trong những DN cung cấp hạ tầng số, dịch vụ ĐTĐM, dữ liệu lớn nhất Việt Nam, đẩy mạnh mở rộng mô hình DN ứng dụng công nghệ cao, giải quyết các vấn đề về nhân lực, thời gian và không gian.

VNG Cloud là một trong 5 nền tảng ĐTĐM Make in Viet Nam đáp ứng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử do Bộ TT&TT công bố năm 2020. Nền tảng VNG Cloud được thiết lập nhằm cung cấp giải pháp cho nhiều ngành công nghiệp, có các sản phẩm, dịch vụ đi kèm để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sử dụng ứng dụng của DN, hướng tới mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp bảo mật cho DN trong chuyển đổi số với VNG Cloud
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO