Kinh tế số

Grab kiến tạo hệ sinh thái phát triển xanh như thế nào?

Ánh Dương 05:29 04/12/2023

Khởi đầu từ một ứng dụng đặt xe công nghệ, ngày nay Grab đã trở thành một siêu ứng dụng, một hệ sinh thái phát triển xanh tích hợp đầy đủ các dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Grab kiến tạo hệ sinh thái phát triển xanh, bền vững như thế nào?

Đến với thị trường Việt Nam từ năm 2014, sau gần 10 năm hoạt động và phát triển, hiện nay, Grab đã trở thành một siêu ứng dụng cung cấp đa dịch vụ: di chuyển (GrabBike, GrabCar), giao và gọi đồ ăn (GrabFood), giao hàng (GrabExpress), đi chợ hộ (GrabMart), thanh toán online, đặt phòng khách sạn và cả dịch vụ tài chính với giao diện thân thiện, dễ dùng.

Trong bối cảnh ngày càng phát triển, xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, Grab đã đặt mục tiêu phát triển xanh, bền vững, đem lại lợi ích tối đa cho các thành viên tham gia bằng việc xây dựng nền tảng công nghệ kết nối.

Theo đó, các nhóm được hưởng lợi trong hệ sinh thái Grab bao gồm: người dùng (có thể tiếp cận được các dịch vụ tiện ích, chi phí hợp lý và đáng tin cận trên một ứng dụng); Đối tác tài xế (Gia tăng cơ hội thu nhập và năng suất lao động; Thúc đẩy tiếp cận kỹ thuật số, nâng cao được những kỹ năng số); Đối tác thương nhân (Tiếp cận được với hàng triệu người dùng trên nền tảng; Mở ra cơ hội nguồn thu mới; Được trang bị công cụ số giúp tăng trưởng kinh doanh).

Cụ thể, chia sẻ tại chuyên đề “Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) bền vững” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia TMĐT và Kinh tế số ngành Công Thương 2023, bà Đặng Thị Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam cho biết, về đối tác tài xế, một trong những điều căn bản, cốt lõi đầu tiên mà Grab luôn đau đáu nghĩ đến là làm thế nào có thể cải thiện được công nghệ của mình, qua đó giúp họ gia tăng doanh thu và đảm bảo tối đa chất lượng, dịch vụ.

Theo đó, để gia tăng doanh thu cho tài xế, Grab đã phát triển một hệ sinh thái đa dịch vụ, chỉ với một phương tiện di chuyển nhưng tài xế có thể tham gia nhiều dịch vụ một lúc, tiết kiệm tối đa hiệu suất về mặt phương tiện của mình.

Chẳng hạn như, với một tài xế GrabBike, họ không chỉ tham gia dịch vụ chở khách mà còn có thể tham gia dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn. Ngoài ra, thay vì chỉ giao một đơn hàng thì tài xế có thể nhận giao nhiều đơn trên cùng một chặng đường, từ đó có thể giúp tối ưu thời gian và gia tăng thu nhập lên gấp nhiều lần; đồng thời cũng góp phần giảm thiểu phát thải ra môi trường, đóng góp đáng kể cho lộ trình phát triển xanh của đất nước.

grab.jpg
(Ảnh minh họa: Internet)

Bà Trang cho biết, thời gian vừa qua, để cung cấp thêm dịch vụ, tăng cường công nghệ giúp các đối tác trên nền tảng có thêm nhiều cuốc xe, tối ưu hóa được hiệu suất hoạt động trên đường, tăng thu nhập; khách hàng bớt được chi phí qua mỗi cuốc xe và các nhà hàng có thể tiết kiệm được chi phí gửi hàng, Grab Việt Nam đã cải tiến rất nhiều, tập trung phát triển các tính năng mới trên ứng dụng Grab.

Trong đó có thể kể đến bản đồ do chính Grab phát triển. Grab map đã được địa phương hóa đến từng khu vực có thể dẫn đường cho tài xế vào từng con hẻm, con ngõ nhỏ. Với bản đồ này, mỗi một cuốc xe của tài xế có thể tiết kiệm được từ 20 - 30 giây cho việc thao tác chuyển bản đồ.

Đặc biệt, tính năng bản đồ nhiệt có thể báo cho tài xế biết thời điểm nào có nhiều nhu cầu, giúp họ tiết kiệm thời gian chạy xe lòng vòng, qua đó giảm được rất nhiều khí thải ra môi trường; Tính năng gợi ý chặng đường có thể đưa ra cho tài xế tuyến đường gần hơn, tránh được những điểm nghẽn giao thông. Tính năng chia sẻ vị trí giúp tài xế và hành khách có thể dễ dàng tìm thấy nhau nhau một cách nhanh nhất, qua đó tạo được những trải nghiệm liền mạch nhất cho cả tài xế và khách hàng.

“Đây là một số tính năng về mặt công nghệ mà Grab Việt Nam đã phát triển trong thời gian vừa qua để hỗ trợ tài xế một cách tối đa trong việc gia tăng thu nhập, cải thiện hiệu suất hoạt động, cũng như giảm tối đa lượng phát thải ra môi trường”, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, về đối tác thương nhân, Grab có thể căn cứ vào hệ thống dữ liệu sẵn có của mình, hỗ trợ đối tác trong việc tìm kiếm địa chỉ để mở gian hàng mới ở những khu vực có nhiều nhu cầu; hay Grab cũng có những công cụ số để hỗ trợ họ giám sát theo thời gian thực về doanh thu, quảng cáo, thực đơn, cũng như nhu cầu thực tế của khách hàng, từ đó giúp họ tối ưu hóa thực đơn và hệ thống vận hành của mình.

Về khách hàng, Grab cũng có tính năng ưu tiên cho khách hàng thân thiết, khách hàng hội viên. “Chúng tôi luôn hoạt động với phương châm quan tâm đến sự thuận tiện của khách hàng, chi phí khách hàng bỏ ra khi sử dụng dịch vụ, cũng như sự an toàn. Do đó, Grab có rất nhiều chương trình dành cho khách hàng như là chương trình Grab Unlimited giúp tiết kiệm chi phí. Hay tính năng trung tâm an toàn để đảm bảo từng cuốc xe, từng đơn hàng của khách hàng được an toàn tối đa”, bà Trang cho biết.

Vì một cộng đồng xanh, bền vững

Là một nền tảng kết nối về vận chuyển, những cải tiến về công nghệ luôn là ưu tiên hàng đầu của Grab. Những cải tiến về công nghệ của Grab cũng đều nhắm đến mục đích tiết kiệm thời gian ở trên đường, chạy xe và nổ máy của tài xế. Qua đó, tối ưu hóa hoạt động của tài xế và giảm tối đa lượng phát thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, Grab cũng đã triển khai rất nhiều chương trình trách nhiệm xã hội như chiến dịch trồng rừng vững đất. Dự án Grab for Good Forest là một trong số những sáng kiến trong việc thực hiện sứ mệnh Grab vì cộng đồng của Grab tại Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, phát triển giao thông xanh, hướng tới tạo lập một môi trường bền vững cho tương lai.

Thông qua dự án Grab for Good Forest, Grab Việt Nam hướng đến mục tiêu dài hạn nhằm góp phần đóng góp trung hòa carbon, tăng độ che phủ rừng, phòng chống thiên tai, tăng khả năng hấp thụ carbon, đồng thời đảm bảo nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân và hỗ trợ các hoạt động phát triển bền vững về kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Hay như là Sáng kiến giảm nhựa sống xanh, khi ứng dụng GrabFood được cài đặt mặc định chế độ không cung cấp dụng cụ ăn uống nhựa đối với các đơn hàng GrabFood.

Ngoài ra, là một trong những nỗ lực thực hiện sứ mệnh Grab vì cộng đồng, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ, Grab cũng đã triển khai dự án GrabConnect.

optional-grabconnect-2023-hinh-2-1200x600-1.png
GrabConnect tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Trong những năm qua, dự án GrabConnect đã nỗ lực giản lược các khâu trung gian để tiếp cận với nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và nhà vườn địa phương hơn. Nhờ vậy, quá trình vận hành được tối ưu, thời gian vận chuyển cũng được rút ngắn để đảm bảo chất lượng nông sản còn tươi mới khi đến tay người tiêu dùng cuối.

GrabConnect cũng tích cực hợp tác với các HTX, nhà vườn đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời khuyến khích các bên thử nghiệm, tạo ra các sản phẩm nông sản mới tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng đến việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ngoài ưu thế đưa nông sản tiếp cận với người dùng Grab và toàn bộ hệ sinh thái Grab với mạng lưới đối tác Grab rộng khắp, bao gồm các đối tác nhà hàng, quán ăn GrabFood, các đối tác cửa hàng GrabMart, năm nay, GrabConnect tiếp tục tận dụng ưu thế hệ sinh thái này để mở rộng đối tượng tiêu thụ nông sản.

Cụ thể, các chủ shop online đang sử dụng dịch vụ GrabExpress, và các đối tác khác của Grab là cơ sở kinh doanh, cửa hàng nhỏ lẻ cũng được tiếp cận với nguồn trái cây chính vụ chất lượng, dồi dào với mức giá tốt để kinh doanh nhà hàng, quán ăn, thực phẩm.

Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực CĐS cho các nhà sản xuất nông nghiệp, trong năm 2022, trong khuôn khổ dự án GrabConnect, Grab đã triển khai nhiều chương trình truyền thông, tập huấn để đào tạo kỹ năng số, trau dồi kiến thức tham gia thương mại điện tử và hỗ trợ CĐS cho hơn 800 HTX nông nghiệp tại một số tỉnh, thành phố.

Đây không chỉ là dự án được duy trì dài hạn và bền vững, còn khẳng định cho cam kết lâu dài của Grab trong việc thực hiện sứ mệnh Grab vì cộng đồng nhằm thúc đẩy quá trình CĐS tại Việt Nam, ủng hộ Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Một số đề xuất

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Theo bà Trang, để đạt được mục tiêu, từ nay đến thời điểm đó chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc đề ra một lộ trình cụ thể, chi tiết phân định rõ trách nhiệm của các bên, bao gồm chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp và ngay cả với người dân trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, di chuyển, kinh doanh sang hướng xanh hơn, bền vững hơn.

Để đạt được mục tiêu phát triển xanh, bền vững, trước tiên phải giảm thiểu được lượng phát thải ra môi trường. Giải pháp được đưa ra đó là tận dụng nguồn cung về xe điện và chuyển đổi dần sang sử dụng xe điện. Trong thời gian vừa qua, Grab cũng làm việc với các đối tác cung cấp xe điện để chuyển đổi một số lượng xe máy sử dụng nhiên liệu xăng sang xe điện trong quá trình giao hàng.

Việc sử dụng xe điện trong kinh doanh là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, lộ trình thực hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như thị trường, nguồn cung, hệ sinh thái hỗ trợ,… Tại Việt Nam, hệ sinh thái hỗ trợ xe điện chưa thực sự phát triển, Grab đánh giá sẽ khó khăn cho doanh nghiệp để đầu tư, chuyển đổi sang công nghệ xe điện.

Trên thực tế, trong quá trình làm việc Grab cũng đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác cung cấp xe điện. Vì vậy, Grab đề xuất Chính phủ cần xây dựng lộ trình phù hợp để phát triển xe điện, thông qua việc đa dạng nguồn cung xe điện.

Ngoài ra, bà Trang cũng cho biết thêm, một trong những nhóm hoạt động cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới đó là tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dùng nhận thức rõ hơn về bảo vệ môi trường, về phát triển xanh.

Chẳng hạn như, tuyên truyền để người dùng nhận thức rõ hơn là chỉ cần với mỗi một nút ấn (lựa chọn không cung cấp dụng cụ ăn uống nhựa đối với đơn hàng GrabFood) ở trên ứng dụng đặt hàng, nhưng chúng ta cũng có thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, nilon ra môi trường. Và đối với các nhà hàng cũng vậy, chúng ta cần có những chương trình hành động để khuyến khích họ giảm bớt việc sử dụng bao bì nhựa, nilon trong quá trình đóng gói và vận chuyển đơn hàng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Grab kiến tạo hệ sinh thái phát triển xanh như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO