Khoản đầu tư được đề xuất là ví dụ mới nhất về một thương hiệu hàng đầu khu vực muốn làm sâu sắc cam kết với Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Grab đã huy động hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư để thực hiện khát vọng này
“Chúng tôi rất vui mừng về Việt Nam. Việt Nam cũng có những đặc điểm tương đồng với Indonesia”, Chủ tịch của Grab Ming Maa cho Reuters biết trong một cuộc phỏng vấn.
Chủ tịch Grab Ming Maa tại Singapore
Từ các nhà khai thác ứng dụng đi xe, Grab và đối thủ Go-Jek có trụ sở tại Indonesia đang phát triển trở thành những cửa hàng một cửa cho các dịch vụ đa dạng như thanh toán, giao đồ ăn, hậu cần và đặt phòng khách sạn ở Đông Nam Á.
Grab, với ứng dụng của mình hiện diện trên hơn 160 triệu thiết bị di động tại 8 quốc gia, cho biết khoản đầu tư vào Indonesia nhằm xây dựng một mạng lưới giao thông thế hệ tiếp theo và thay đổi cách cung cấp các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe.
“Giống như Indonesia, nhiều người trung lưu và người tiêu dùng trẻ tuổi ở Việt Nam đang sử dụng các ứng dụng và trang web để truy cập dịch vụ. Tôi kỳ vọng việc đầu tư hơn vài trăm triệu USD vào việc phát triển kinh doanh tại Việt Nam”, Chủ tịch Ming Maa cho hay nhưng không tiết lộ chi tiết về khoản đầu tư này.
Việt Nam đứng thứ 3 hoặc thứ 4 trong số các thị trường hàng đầu của Grab, Chủ tịch Maa, người đã gia nhập Grab 3 năm trước, có thời gian làm việc một thập kỷ trước tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cho biết thêm.
Grab hợp tác với công ty fintech Việt Nam là Moca vào năm 2018 để ra mắt một ví số. Ngoài ra, Grab đã thành lập một liên doanh với Credit Saison, một công ty thẻ tín dụng Nhật Bản, vào năm ngoái để cung cấp các khoản vay và phân tích tín dụng cho người tiêu dùng và doanh nhân siêu nhỏ trên khắp Đông Nam Á.
Grab là ứng dụng gọi xe công nghệ được tải xuống nhiều nhất từ tháng 1 đến tháng 7 ở Việt Nam, theo công ty phân tích và dữ liệu thị trường, App Annie. Ngoài Go-Jek, Be là một đối thủ cạnh tranh khác của Grab ở Việt Nam.
Thành phố Singapore là thị trường lớn thứ hai của Grab, nơi họ đang xây dựng một trụ sở trị giá 135 triệu USD. Công ty, có hơn 4,5 triệu tài xế trong khu vực, đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu lên 2 tỷ USD trong năm nay.
Maa cho biết, tổng khối lượng hàng hóa tổng hợp (Total gross merchandise volume - GMV) trong phân phối thực phẩm, một phân khúc mà Grab đang mở rộng mạnh mẽ, đã tăng 300% trong nửa đầu năm nay. GrabFood hiện chiếm 20% tổng số GMV của công ty.
Trong hoạt động kinh doanh gọi xe, Grab có lãi ở một số thị trường của mình. Maa cho biết Grab không có kế hoạch cụ thể cho phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO).
“Phần nổi của tảng băng”
Bằng cách tung ra một loạt các dịch vụ hàng ngày với nhiều mức giá khác nhau, Maa tự tin về việc Grab duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Công ty xem Toyota, Microsoft, Tập đoàn Didi Chuxing của Trung Quốc và Huyndai là những công ty ủng hộ.
Grab, startup lớn nhất Đông Nam Á với mức định giá ước tính khoảng 14 tỷ USD, cũng đang đặt cược vào mảng hoạt động thanh toán của mình để thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính.
“Chúng tôi mới chỉ bắt đầu ở phần nổi của tảng băng các dịch vụ tài chính”, Maa cho biết thêm. Việc phát triển ví di động thanh toán lớn nhất khu vực đã mang lại cho Grab cái nhìn sâu sắc về dữ liệu khách hàng và các tài xế trên mạng lưới của công ty.
Grab muốn sử dụng những thông tin đó để tạo ra các sản phẩm tài chính cụ thể bao gồm bảo hiểm, tín dụng và cuối cùng là các dịch vụ quản lý tài sản.
Grab hiện đang quan tâm đến việc lấy giấy phép ngân hàng số tại Singapore, nơi ngân hàng trung ương đã công bố kế hoạch phát hành tối đa 5 giấy phép ngân hàng trực tuyến và dự kiến sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết trong vài tuần nữa.
“Bằng cách sử dụng các lực lượng giảm phát như ngân hàng số, chúng tôi có thể cung cấp loạt dịch vụ tài chính tương đương với chi phí thấp hơn nhiều so với những gì các ngân hàng truyền thống có thể cung cấp”, ông Maa khẳng định
Sự quan tâm của Grab về tài chính số cho thấy các công ty phi ngân hàng ở châu Á đang dần thành đối thủ tiềm năng với các ngân hàng truyền thống bằng cách tận dụng cơ sở dữ liệu công nghệ và người dùng của họ để cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ.
Một nghiên cứu chung của Google và Temasek Holdings vào tháng 11 năm ngoái dự báo nền kinh tế Internet Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt 240 tỷ USD vào năm 2025, cao hơn 1/5 so với dự báo trước đây, do ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh của họ để truy cập trực tuyến.