Truyền thông

Hà Nội chú trọng chất lượng nguồn nhân lực, tạo đột phá trong phát triển văn hoá

Đỗ Thêu 15:09 12/06/2023

Bám sát nội dung Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã chủ động cụ thể hóa bằng những kế hoạch, từ đó xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, phát huy hiệu quả.

anh-12.1.jpg
Không gian phố đi bộ tại quận Hoàn Kiếm, một mô hình sáng tạo trong phát triển văn hoá Thủ đô.

Thành tựu đáng ghi nhận

Sau hai năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, Thủ đô đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực: văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cụ thể, thành phố đã từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, nhất là việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với đó là việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Đặc biệt, Hà Nội xây dựng nhiều chính sách quan trọng, hợp lòng dân như: Mức tiền thưởng đối với giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa, hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ đối với nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú...

Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy đã đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Hầu hết các quận, huyện, thị xã tập trung đầu tư, xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở và phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Hà Nội đã phân bổ tổng số 579 dự án tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Đối với du lịch, trong 2 năm qua đã có sự phục hồi tốt, thu hút được lượng lớn khách thăm quan trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, nhờ việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ở các cấp học. Học sinh Thủ đô dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Nỗ lực hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ: Trên cơ sở của Chương trình 06-CTr/TU, Hà Nội đặc biệt xem trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy đó làm nền tảng để đa dạng các loại hình du lịch khác. Thành phố đã chủ động ban hành nhiều kế hoạch, dự án cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Thủ đô luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nguồn nhân lực tại chỗ, phát huy vai trò tích cực của cộng đồng dân cư để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; Tập trung các chiến dịch quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa trên các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế…vv.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế sẵn có, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, du lịch Hà Nội đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, ngành du lịch Thủ đô đã tạo được nhiều dấu ấn quan trọng thông qua các giải thưởng, danh hiệu quốc tế, như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022, điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022...

Trong khi đó, về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội cho biết: Với quyết tâm đổi mới, ngành LĐTB&XH xác định cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045" trên địa bàn thành phố; Tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cấp THCS, THPT…

anh-12.2.jpg
Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thời, xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh quá trình hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho Thủ đô trong tương lai.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong khẳng định, Chương trình 06-CTr/TU đã tạo ra những chuyển biến tích cực từ thành phố đến cơ sở. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương lớn, Nghị quyết số 09-NQ/TU bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, phát huy hiệu quả.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã để thống nhất lại nhận thức và đề ra quyết tâm cao hơn nhằm thực hiện có hiệu quả các đề án, chuyên đề, kế hoạch theo nội dung Chương trình số 06, qua đó thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong hành trình phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chú trọng chất lượng nguồn nhân lực, tạo đột phá trong phát triển văn hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO