Truyền thông

Hải Dương: Quả ngọt kinh tế từ phát triển nông thôn mới

Đỗ Thêu 13:58 08/06/2023

Hải Dương là một trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 16/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiên phong

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đánh giá, sau hơn 10 năm triển khai, những thành tựu nổi bật đã tới. Hạ tầng kinh tế -xã hội (KT-XH) tại các vùng nông thôn của Hải Dương được cải thiện. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Khi bắt đầu triển khai thực hiện vào 12 năm trước, toàn Hải Dương ở mức bình quân 6,7 tiêu chí/xã nông thôn, trong đó, xã đạt tiêu chí cao nhất là 14 tiêu chí. Thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn của Hải Dương 14,2 triệu đồng với tỉ lệ hộ nghèo là 12,2%.

Hiện tại, mọi thứ đã thay đổi. Các xã nông thôn Hải Dương đã đạt chuẩn NTM 100% với 43/178 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hạ tầng KT-XH nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, ngày càng đồng bộ, khang trang. Tỷ lệ hộ sử dụng điện từ nguồn điện lưới quốc gia cũng đạt 100%.

hai-duong-bai-3-anh-1.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp).

Ở các vùng nông thôn tại Hải Dương, sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, góp phần giảm bớt tổn thất và chi phí trong sản xuất. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 234 sản phẩm OCOP được chứng nhận, dự kiến đến năm 2025 có thêm 250 - 300 sản phẩm được công nhận.

Các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp vùng nông thôn của tỉnh Hải Dương đã được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động. Thu nhập người dân nông thôn đã tăng 3,77 lần, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,69%.

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn cũng đã có chuyển biến lớn khi 100% hộ dân được sử dụng nước nước sạch theo quy định; 99,6% hộ gia đình có nhà vệ sinh, nhà tắm đạt tiêu chuẩn; tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99,8%. Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đạt khoảng 85%...

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã nhận thức rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu làm thay đổi toàn diện về KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân khu vực nông thôn.

Mặc dù việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống, các tầng lớp nhân dân..., chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng, đạt được những kết quả hết sức phấn khởi.

Đẩy mạnh mô hình kinh tế

Nói về địa phương đi đầu về xây dựng NTM ở Hải Dương, không thể không nhắc đến xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng).

Nhiều năm trước, Đức Chính là 1 trong 13 xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh. Xã liên tục huy động các nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, Đức Chính là xã duy nhất hoàn thành đủ 18 tiêu chí.

Ông Nguyễn Văn Thơi - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã nhớ lại: "Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu, Đức Chính đã tập trung cao thực hiện các tiêu chí còn thiếu. Các thôn, xóm và nhân dân duy trì, phát huy các tiêu chí đã đạt".

"Trong thực hiện, cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu làm trước, đồng thời gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân", ông Nguyễn Văn Kình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đức Chính chia sẻ.

Với số tiền huy động để xây dựng NTM kiểu mẫu (nguồn xã hội hóa chiếm gần 68%), các tuyến đường ở Đức Chính đều được bê tông hóa, mở rộng mặt đường từ 2-3 m trước kia thành 5 - 6m, có đoạn rộng tới 9 - 10 m và đều có đèn chiếu sáng. Người dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, cây cối trên đất. 27 tuyến đường được phủ bóng cây xanh... Hơn 1,6 km mái đê sông Thái Bình đã được nâng cấp thành đoạn tuyến đê kiểu mẫu, trồng gần 1 ha hoa.

Đức Chính cũng là trung tâm trồng cà rốt của tỉnh. Ngoài gần 180 ha bãi sông, địa phương đã quy hoạch mở rộng khoảng 150ha nội đồng để chuyên canh cây cà rốt. Người dân trong xã còn thuê trên 1.200 ha đất trong và ngoài tỉnh để trồng cà rốt. Khoảng 300 ha trồng cà rốt được cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP; còn lại phần lớn sản xuất theo hướng VietGAP để đẩy mạnh xuất khẩu.

hai-duong-bai-3-anh-2.jpg
Cà rốt là nông sản chủ lực góp phần nâng cao đời sống người dân Đức Chính. (Ảnh: Báo Hải Dương).

Xã có khoảng 12 xưởng sơ chế lớn có kho lạnh, bảo đảm đóng gói xuất khẩu đạt 800 tấn cà rốt tươi/ngày. HTX Chế biến nông sản Đức Chính hiện là cơ sở sơ chế cà rốt lớn nhất, với công suất 100 tấn sản phẩm/ngày. Địa phương cũng quy hoạch 3 vùng trồng ngô ngọt rộng 15 ha, có gắn kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; 6 vùng chuyên canh dưa, với tổng diện tích 150 ha và 4 vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Mục tiêu của xã là duy trì các cây trồng có thế mạnh để bảo đảm thu 400 - 500 triệu đồng/ha/năm./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Quả ngọt kinh tế từ phát triển nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO