Hành trình 9 năm khởi nghiệp công nghệ với máy bay không người lái

Lương Thanh Vân| 14/09/2020 08:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2013, sau thất bại trong sản xuất máy bay không người lái đầu tiên tại Việt Nam, Nguyễn Văn Thiên Vũ lúc ấy mới chỉ là chàng trai trẻ 22 tuổi, đã chuyển hướng sang ứng dụng giải pháp máy bay không người lái vào nông nghiệp, lấy tiền đề để một lần nữa thể tự mình làm được Drone Made in Vietnam.

Hành trình 9 năm khởi nghiệp công nghệ với máy bay không người lái - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Thiên Vũ bên những chiếc Drone đầu tiên do anh nghiên cứu

Một trong những chiếc Drone đầu tiên tại Việt Nam

Năm 1991, có một cậu bé tên Thiên Vũ được sinh ra ở Huế tại Phú Mậu, Phú Vang. Giống như những đứa trẻ khác, Vũ có đầy trí tưởng tượng về bầu trời, về những chiếc máy bay trên không. Nhiều người nghĩ rằng, một ngày nào đó Vũ sẽ là phi công ngồi trong những khoang lái máy bay. Thế nhưng, ít ai biết được tương lai, Vũ thành công với những chiếc máy bay không người lái (Drone).

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Vũ thi đậu vào Khoa Điện tử - Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa Tp. HCM để nuôi dưỡng những khát khao ngày bé. Và điều đó đã trở thành hiện thực khi Vũ bắt tay vào thực hiện đồ án tốt nghiệp. Dự án hệ thống cân bằng trên máy bay không người lái đã được Vũ chọn làm hướng nghiên cứu của mình. Tiền đề để làm nên những chiếc Drone đầu tiên tại Việt Nam cũng được xuất phát từ đây.

Lúc bấy giờ, Trường Đại học Bách khoa Tp. HCM đề cao và khuyến khích nghiên cứu khoa học, đồng thời luôn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho sinh viên. Với ước mơ thực hiện những chiếc máy bay không người lái ứng dụng trong thực tế, bằng nỗ lực của bản thân, Vũ ngày đêm bắt tay vào nghiên cứu.

Hành trình 9 năm khởi nghiệp công nghệ với máy bay không người lái - Ảnh 2.

Nguyễn Văn Thiên Vũ bên những chiếc Drone đầu tiên do anh nghiên cứu

Đây cũng làkhoảng thời gian Vũ thành lập phòng Nghiên cứu - Phát triển - Sản xuất Drone VSK, một trong những phòng nghiên cứu Drone đầu tiên tại Việt Nam. Những ngày này, các nguyên mẫu máy bay không người lái đầu tiên được phát triển. Vật lộn trong đêm tối tại kí túc xá trường Bách khoa, Vũ cùng với những người bạn đồng hành cùng chung chí hướng của mình, ngày đêm ấp ủ giấc mơ bay cao cùng những chiếc Drone.

Thế nhưng, vì nhiều lý do, dự án đành khép lại. Những chiếc Drone chưa được đưa vào thực tế. Giấc mơ của Vũ khép lại.

Những thất bại liên tiếp

Sau sựtan rã của phòng Nghiên cứu - Phát triển - Sản xuất VSK Drone, với khát khao của một thanh niên khởi nghiệp, Vũ tiếp tục duy trì nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm ứng dụng vào thực tế.

Giai đoạn từ những năm 2014 đến 2017 làkhoảng thời gian Vũ cùng cộng sự thử nghiệm và sản xuất Drone cho ngành nông nghiệp và công nghệ. Những giải pháp ứng dụng từ Drone được Vũ kết hợp với các đối tác thử nghiệm thành công trên nhiều lĩnh vực. Thế nhưng, "đời không như là mơ", việc đưa các sản phẩm ra thị trường trở thành một bài toán không có lời giải.

Những chiếc Drone vẫn chưa được xuất hiện trên thị trường lúc bấy giờ. "Tuy đã có sản phẩm như thế nhưng bị vướng bởi giá thành nghiên cứu và phát triển để khi đưa ra thị trường tại Việt Nam mình, nó quá cao so với drone trên thế giới". Vũ trăn trở. Những khó khăn khi chênh lệch về giá, một lần nữa khiến Vũ tạm gác lại "Giấc mơ Drone Việt Nam".

Câu chuyện khởi nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao

Khi một cánh cửa khép lại thì một cánh cửa khác lại mở ra. Mặc dầu trải qua những thất bại liên tiếp, Vũ dường như vẫn không chùn bước. Và rồi, sau gần một thập kỷ "đam mê" những chiếc máy bay công nghệ cùng với sự đau đáu về làm thế nào để cải tiến ngành nông nghiệp, một lần nữa, Nguyễn Văn Thiên Vũ lại tiếp tục khơi nguồn, đặt nền móng để tái tạo lại những chiếc máy bay cất cánh trên bầu trời nông nghiệp Việt Nam.

Agras Việt Nam vào năm 2018 cho đến AgriDrone và Iflight vào năm 2020 là minh chứng thực tế cho hành trình của Vũ. Với mục đích cung cấp các giải pháp sử dụng máy bay không người lái ứng dụng trong nông nghiệp. Vũ chuyển những kinh nghiệm từ những lần thất bại trước để làm tiền đề phân phối các giải pháp trực tiếp đến nhà nông.

Trong một lần đến thăm các cánh đồng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long xa xôi, Vũ đã tiếp xúc với những người nông dân và nhận ra các phương pháp canh tác truyền thống vất vả và kém hiệu quả như thế nào. Vũ khẳng định: "Những giải pháp mà máy bay không người lái có thể áp dụng ở nơi đây là cần thiết. Thanh niên trẻ đang đổ xô đến thành phố, lao động tại các vùng nông thôn đang già hóa. Họ cần thêm một phương tiện để hỗ trợ và cải tiến phương thức canh tác truyền thống. An toàn lao động cũng sẽ được đảm bảo".

Ngay cả khi tăng chi phílao động lên 50% thì cũng khó có thể tìm được nhiều lao động vào thời điểm công việc đồng áng bận rộn. Bên cạnh đó, khi sâu bệnh bùng phát cũng là khâu cấp bách cần tập trung nhân công. Đặc điểm của bệnh hại cây trồng và côn trùng gây hại là phát triển rất nhanh, phải phòng trừ trong vòng ba đến năm ngày.

"Tôi đã thấy một số người ngần ngại nhận công việc phun thuốc trừ sâu vì họ sợ bị nhiễm độc", Vũ nói thêm. Sở dĩ Vũ luôn đau đáu như thế bởi chàng trai này cũng xuất phát từ một vùng quê làm nông. Vũ luôn thấu hiểu được rằng người nông dân cần một giải pháp để giải quyết tất cả những vấn đề này và với máy bay không người lái, việc trồng trọt trở nên an toàn, dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả và cải thiện được năng suất cho họ.

AgriDrone tiếp tục ra đời từ những trăn trở đó. Từ việc đưa ra giải pháp, Vũ lập nên AgriDrone để không chỉ cung cấp cho những người nông dân một phương thức canh tác mới. Mà còn nghiên cứu những thiết bị phù hợp cho mỗi nhu cầu nông nghiệp riêng, đưa những giải pháp công nghệ đến tận những cánh đồng miền quê xa xôi.

Người nông dân có thể học cách lái máy bay nông nghiệp vàs ở hữu một chiếc cho riêng họ. Hoặc cũng có thể thuê dịch vụ phun thuốc từ một doanh nghiệp hay một hợp tác xã đứng lên làm dịch vụ. Hoặc họ có thể liên hệvới các đội phun để nhận dịch vụ phun thuốc bằng máy bay.

Hành trình 9 năm khởi nghiệp công nghệ với máy bay không người lái - Ảnh 3.

Drone đồng hành cùng bà con nông dân phun thuốc tại cánh đồng thanh long

Đó là lý do tại sao Vũ và nhóm của mình đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, sang Lào và Campuchia để làm việc với nông dân và lập trạm phun cung cấp dịch vụ phun thuốc trừ sâu. Vũ đưa máy bay không người lái của mình hoạt động trong các trang trại trồng chuối, trên cánh đồng lúa, thanh long, điều, nho và nhiều loại cây ăn trái, cây đặc sản khác.

Chia sẻ về những thuận lợi khi ứng dụng máy bay phun thuốc cho bà con, Vũ cho biết: "Đất nông nghiệp xa thành phố với khoảng cách bay an toàn đủ lớn, không cần bay qua các tòa nhà dân cư và hoạt động cách xa đám đông. Bên cạnh đó thì máy bay bay ở độ cao thấp, khoảng dưới 3 mét, tốc độ bay dưới 10 mét/giờ nên dễ dàng tuân theo các quy định về khu vực cấm bay đã được ban hành".

"Mặc dù những người nông dân mà chúng tôi gặp đã từng nghi ngờ về việc làm thế nào máy bay không người lái có thể thực hiện công việc thay cho họ, nhưng một khi họ đã thử, họ trở nên nhiệt tình và cho biết sẽ không bao giờ quay trở lại phương thức cũ", Vũ chia sẻ. Máy bay không người lái có thể được sử dụng trên hầu hết các loại ruộng, phù hợp với mọi loại địa hình phức tạp, cây trồng có độ cao khác nhau. Máy bay không người lái "là cách hiệu quả nhất để phun thuốc cho những cây cao mọc trên sườn đồi". Đó là một tín hiệu đáng mừng cho một startup (công ty khởi nghiệp) về công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp.

Hành trình 9 năm khởi nghiệp công nghệ với máy bay không người lái - Ảnh 4.

Drone hoạt động thay thế sức con người, đảm bảo sức khỏe lao động trên những trang trại

Hiệu ứng từ những chiếc máy bay đã không còn dừng lại ở những mảnh ruộng với những người nông dân. Sau một thời gian hoạt động, Vũ đang dần bước đến những mục tiêu tiếp theo. Trong đó, kết nối với các công ty lớn, các tập đoàn để chung tay nhân rộng tính hiệu quả mà máy bay không người lái nông nghiệp mang lại.

Hoàng Anh Gia Lai là một trong những đối tác đầu tiên trong hành trình kết nối ấy. Những hec ta chuối rộng mênh mông tại Lào và Campuchia sử dụng máy bay không người lái minh chứng cho những thành công mà AgriDrone theo đuổi. Đó cũng cũng là tiền đề để những "ông lớn" trong ngành như Bayer Bayer, Syngenta, ADC, FMC, Lộc Trời trở thành những đối tác của AgriDrone hiện tại và tương lai.

9 năm ròng một lòng với công nghệ và nông nghiệp

9 năm, dành cả thanh xuân để khởi nghiệp với nhiều thương hiệu về máy bay không người lái. Từ AgriDrone với những ứng dụng trong nông nghiệp và Iflight với những ứng dụng Drone trong công nghiệp. Chàng trai gốc Huế luôn tin rằng máy bay không người lái là chìa khóa cho những giải pháp để ứng dụng trong sản xuất vàđời sống như Điện mặt trời, dầu mỏ, trắc địa - bản đồ, xây dựng, thành phố thông minh, tìm kiếm - cứu hộ cứu nạn...

Iflight của Vũ hiện tại đồng hành cùng với AgriDrone là những gì chứng minh cho giấc mơ bay cao và cất cánh góp phần đảm bảo sản xuất, đời sống bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn cuộc sống con người.

Và lớn hơn chính là nền tảng để Vũ, một lần nữa, có thể tiếp tục đưa Drone Made in Vietnam do chính tay Vũ chế tạo được ứng dụng vào thực tế. AgrDrone và Iflight là nền tảng để Vũ có cơ hội vận dụng những chiếc Drone trên bản đồ vào thực tế của mình mà không còn lo lắng về vấn đề chi phí.

Một hệ sinh thái của một chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thiên Vũ với tiên phong chế tạo Drone đang dần được mở rộng.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hành trình 9 năm khởi nghiệp công nghệ với máy bay không người lái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO