Hệ thống nền tảng CĐS nông nghiệp vận hành và đạt kết quả đáng ghi nhận

Đỗ Thêu| 07/11/2022 20:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai xây dựng hệ thống nền tảng số và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp tăng năng suất lên 30%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay nền tảng CĐS nông nghiệp và nông thôn đã được xây dựng, vận hành, bắt kịp thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp (SXNN) không chỉ giảm chi phí, công sức lao động, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà còn tăng năng suất lên 30%, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đồng thời, việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp người tiêu dùng có thể truy cập, giám sát các thông số kỹ thuật theo thời gian thực và yên tâm về chất lượng nông sản. Việc đầu tư vào CĐS và đổi mới công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng quy mô sản xuất mà còn góp phần ổn định thị trường xuất khẩu.

Hệ thống nền tảng CĐS nông nghiệp vận hành và đạt kết quả đáng ghi nhận - Ảnh 1.

Ứng dụng kỹ thuật số vào SXNN mang lại hiệu quả rất cao.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, từ năm 2019, tập đoàn đã trang bị hàng nghìn điện thoại thông minh cho nông dân để tăng cường ứng dụng công nghệ kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, 80% quy trình vận hành, điều hành quản lý tổng thể từ văn phòng đến hoạt động canh tác cũng như giám sát các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đều trên phần mềm. Riêng 110.000 ha lúa tại tỉnh An Giang, tập đoàn áp dụng sản xuất không giao dịch tiền mặt.

Từ thực tế sản xuất, Giám đốc Công ty cổ phần Rau an toàn Hải Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội) Nguyễn Thế Hanh cho biết, ứng dụng công nghệ số, công ty đã đăng tải hình ảnh sản phẩm thông qua website, các trang mạng xã hội..., ngoài việc cung cấp sản phẩm đã ký kết theo hợp đồng, mỗi ngày công ty bán được 5 - 6 tạ rau, củ thông qua hệ thống kinh doanh online.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành thông tin, trong năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng đã số hóa 129 vùng trồng cây ăn quả tập trung, xây dựng mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng gian hàng không gian ảo trên sàn thương mại điện tử cho nhiều hợp tác xã (HTX), DN. Đến nay, Bắc Giang đã có hơn 200 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan... ứng dụng công nghệ số với tổng diện tích hơn 16.000ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, quá trình thực hiện CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức như việc triển khai còn manh mún, không đồng bộ, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số DN, địa phương, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của CĐS. Việc ứng dụng công nghệ số còn khiêm tốn, hiện tại cả nước mới có khoảng 2.200/19.000 HTX nông nghiệp thực hiện, với gần 2% số hộ nông dân được đào tạo về công nghệ.

Để thực hiện thành công CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) Nguyễn Ðức Nhân đề xuất, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn, chủ động đầu tư khoa học công nghệ với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất. Và trước hết phải hình thành được đội ngũ nông dân có thể áp dụng CĐS vào sản xuất.

Nói về lộ trình và quá trình CĐS của nông nghiệp Thủ đô, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã phối hợp với Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch CĐS lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm. Các đơn vị trong ngành cần chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu với thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, bằng CĐS chúng ta sẽ xóa đi sự "mù mờ" trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý mã số vùng trồng, triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến (online). Mặt khác là đồng bộ hóa, tích hợp, liên thông dữ liệu của ngành Nông nghiệp…

Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các đợt tập huấn cho nông dân nhằm nâng cao trình độ công nghệ thông tin, CĐS và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản. Từ đó, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả…./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống nền tảng CĐS nông nghiệp vận hành và đạt kết quả đáng ghi nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO