Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT thông qua đám mây tại 4 thành phố của Mỹ

TH| 17/04/2021 15:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại các thành phố không chỉ hỗ trợ dịch vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân mà còn tạo ra một môi trường an toàn hơn. Bên cạnh đó, các thành phố thông minh (TPTM) còn cần phải cải thiện hoạt động, tăng tính minh bạch và tạo ra những cách thức mới để kết nối công dân với thành phố và DN. Việc triển khai hạ tầng đám mây sẽ góp phần thực hiện mục tiêu này.

Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới sinh sống ở các khu vực đô thị. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, con số này sẽ tăng lên 70% vào năm 2030. Không có gì ngạc nhiên khi các thành phố tiêu thụ 75% tài nguyên thiên nhiên, tạo ra 50% lượng chất thải toàn cầu và thải ra 80% khí nhà kính toàn cầu mỗi ngày.

Các thành phố hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn bao giờ hết, bao gồm các vấn đề về môi trường, tính bền vững, các mối quan tâm về sức khỏe và xã hội cũng như các vấn đề về quản lý tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, nhiều thành phố đã tăng cường ứng dụng những công nghệ số để nắm bắt cơ hội, định hình lại cách họ vận hành và cải thiện các dịch vụ cho người dân và cộng đồng.

4 thành phố của Mỹ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT thông qua đám mây - Ảnh 1.

Vậy làm thế nào để công nghệ có thể giúp chính quyền các thành phố đáp ứng những thách thức mới hiện nay và trong tương lai?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Mike Daniels, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực công toàn cầu tại Google Cloud cho biết, nhiều cơ quan chính phủ đã đẩy nhanh các dự án đám mây để hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa, bảo mật thông tin và cung cấp liền mạch các dịch vụ cho người dân.

Bài viết giới thiệu những triển khai thực tiễn hạ tầng đám mây tại các thành phố của Mỹ, nhằm cải thiện các dịch vụ của thành phố và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT.

Cải thiện kết nối ở Carlsbad, California

Giám đốc đổi mới của Carlsbad David Graham đã hợp tác với công ty Cisco để cải thiện hạ tầng truyền thông của thành phố, mà được mô tả là "mạng Frankenstein". Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn video với Cisco rằng việc nâng cấp mạng mang lại nhiều lợi ích cho thành phố, bao gồm khả năng quản lý lượng lớn dữ liệu và cải thiện dịch vụ Internet tại các thư viện công cộng.

Việc nâng cấp chuẩn bị cho tương lai cũng bao gồm một mạng tốc độ cao cho các dịch vụ đô thị. Graham cho biết ông nhận thấy cơ hội lớn nhất của 5G là cung cấp kết nối với chi phí thấp hoặc miễn phí cho các khu vực lân cận không được phục vụ.

"Chúng tôi đang sử dụng cáp quang của bên thứ ba và nâng cao dung lượng của nó bằng giải pháp ghép kênh phân chia sóng theo bước sóng của Cisco", Graham cho biết.

Nhờ đó, tốc độ mạng đường trục của thành phố có thể đạt được 200 Gbps và 10 Gbps đối với kết nối tới các văn phòng trong thành phố, trong khi đó tốc độ kết nối giữa các địa điểm trước đây chỉ từ 10 Mbps - 100 Mbps.

"Ngoài việc kết nối các địa điểm trong thành phố và sử dụng mạng cho các hoạt động cốt lõi, lộ trình của chúng tôi là kết nối tất cả các tín hiệu giao thông thông minh và hệ thống SCADA đối với các tiện ích cấp nước và thoát nước", Graham cho biết.

Tăng cường an ninh mạng ở thành phố New York

Nhóm an ninh mạng của thành phố New York (NYC Cyber Command) phụ trách việc quản lý các mối đe dọa và vận hành một trung tâm điều hành an ninh 24 giờ. Nhóm làm việc với hơn 100 cơ quan và văn phòng thành phố để đảm bảo các hệ thống được xây dựng và vận hành một cách an toàn, đảm bảo các yêu cầu đối với các dịch vụ công và chăm sóc sức khỏe. NYC Cyber Command cũng quản lý ứng dụng NYC Secure cảnh báo người dùng về các mạng Wi-Fi không an toàn, ứng dụng Android không an toàn và giả mạo hệ thống. Nhóm sử dụng cơ sở hạ tầng đám mây để tìm và giảm thiểu các mối đe dọa.

NYC Cyber Command sử dụng nhiều dịch vụ đám mây của Google bao gồm Cloud Storage, Computer Storage, Kubernetes Engine và Workspace. Ngoài ra, nhóm còn sử dụng BigQuery (một kho dữ liệu trên đám mây cho phép bạn chạy các truy vấn siêu nhanh trên các tập dữ liệu lớn) để phân tích dữ liệu hàng loạt và dữ liệu truyền trực tuyến.

Hiện đại hóa hệ thống quản lý nước ở Washington D.C.

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, DC Water đã chuyển đổi 90% hệ thống của mình lên đám mây. Bước cuối cùng là chuyển các hoạt động và dịch vụ trực tiếp. DC Water đã làm việc với ESRI để chuyển các ứng dụng, quy trình hoạt động và các yêu cầu của khách hàng lên Azure. Một trong những mục tiêu đặt ra là cải thiện bảo mật dữ liệu và thay thế quy trình giấy bằng quy trình số.

Durmus Cesur, người quản lý công việc và tài sản của DC Water, cho biết trong một bài đăng trên blog rằng Azure là giải pháp tốt nhất để cung cấp tính khả dụng và khả năng mở rộng liên tục.

Việc chuyển đổi sang đám mây cũng giúp cải thiện an ninh khi các nhân viên của DC Water làm việc từ xa trong đại dịch. Nhóm đã sử dụng Azure Sentinel, Cloud App Security và các ứng dụng khác của Microsoft để tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng.

Sử dụng Google Maps để theo dõi các đám cháy rừng ở Los Angeles

Cơ quan CNTT thành phố Los Angeles (ITA) đã sử dụng nền tảng Google Maps để chia sẻ với công dân những thông tin cần biết mới nhất về lở đất, cháy rừng và các sự kiện khác.

4 thành phố của Mỹ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT thông qua đám mây - Ảnh 2.

Thông qua Google Maps cùng với dữ liệu từ cơ sở dữ liệu kinh doanh của Google, dịch vụ thời tiết quốc gia và các nguồn khác, ITA đã xuất bản các lớp thông tin trên trang thông tin của thành phố Los Angeles. Trang này có tích hợp bản đồ Google của khu vực. Người dân có thể lựa chọn các lớp thông tin để hiển thị trên bản đồ.

Ví dụ: Trên bản đồ, người dân có thể xem các cảnh báo công cộng, các tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở đất, mất điện và giao thông, đồng thời nhận chỉ dẫn đường từng chặng đến các địa điểm cần thiết, như nơi trú ẩn sơ tán.

ITA mong muốn tìm ra một giải pháp thân thiện với người dùng để truyền đạt thông tin quan trọng cho người dân theo thời gian thực.

Thành phố cũng sử dụng Google Maps để theo dõi thông tin cháy rừng. Bản đồ này bao gồm thông tin về các trung tâm sơ tán gần đó cũng như các dịch vụ khác. Sự cố liên quan đến khí hậu, cụ thể là cháy rừng, đã khiến thành phố Los Angeles thường xuyên phải đối mặt với những mùa hỏa hoạn tồi tệ. Các đám cháy lớn ở Creek và Skirball đã thiêu rụi hàng chục nghìn mẫu đất, phá hủy nhà cửa và khiến hơn 150.000 người dân phải sơ tán.

Năm 2017, bản đồ Skirball Fire đã cán mốc 3,5 triệu lượt xem trong vòng 36 giờ kể từ khi ra mắt. Ted Ross, Giám đốc thông tin của thành phố, cho biết trong một bài đăng trên blog Google Workspace rằng nhóm của ông lựa chọn Google Maps vì công cụ này quen thuộc với rất nhiều người.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT thông qua đám mây tại 4 thành phố của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO